Tại dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thuế suất 0,1% trên giá trị chuyển nhượng của từng lần giao dịch tài sản số, tài sản mã hóa. Mức thuế suất này tương tự mức đang áp dụng với giao dịch chứng khoán.
Theo Bộ Tài chính, với sự phát triển của kinh tế - xã hội và các hình thức kinh doanh mới, đã phát sinh một số khoản thu nhập khác, trong đó có thu nhập từ chuyển nhượng tài sản số. "Đây là khoản thu nhập có tính chất đặc thù, giống với một số khoản thu nhập không thường xuyên đang thuộc diện chịu thuế thu thu nhập cá nhân" - Bộ Tài chính nêu rõ.
Tại Việt Nam, những năm đây, hoạt động mua bán, giao dịch tài sản số, tiền số đã trở nên rất phổ biến. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ người sở hữu tiền số thuộc nhóm đứng đầu thế giới. Theo Chainalysis - công ty phân tích blockchain của Mỹ - dòng tiền từ tài sản mã hóa vào Việt Nam giai đoạn 2022-2024 ước tính hơn 100 tỉ USD. Còn theo số liệu của Triple A, tổ chức thanh toán tiền mã hóa được Cơ quan Tiền tệ Singapore cấp phép, khoảng 17 triệu người Việt Nam sở hữu tài sản mã hóa - chiếm 17% dân số, xếp thứ 5 toàn cầu.
Vấn đề quản lý thuế với tài sản số, tiền số đã được đặt ra, song chưa được luật hóa. Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng các chính sách quản lý thuế phù hợp với yêu cầu thực tiễn của loại tài sản này.
Trao đổi với báo chí, ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), đánh giá khung pháp lý liên quan đến tài sản số, tiền số đang dần hoàn thiện, trong đó có các chính sách về thuế. Qua đó góp phần quản lý lĩnh vực nhiều tiềm năng, đóng góp tích cực vào nền kinh tế này. Khi có khung pháp lý, nhà nước có thể thu thuế từ các giao dịch tài sản mã hóa, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực từ những hoạt động đầu tư chưa được quản lý.
Theo tính toán của Chủ tịch VBA, nếu áp dụng mức thuế thu nhập cá nhân 0,1% đối với mỗi giao dịch tiền số, tài sản số, ước tính mỗi năm, ngân sách có thể thu về hơn 800 triệu USD. Bên cạnh đó, việc gắn kết giao dịch tài sản số với các chính sách thuế còn tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng. "Tuy nhiên, chính sách thuế cần được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng để bảo đảm hợp lý, có thể thu hút nhà đầu tư tham gia vào thị trường sôi động này" - ông Trung góp ý.
Bình luận (0)