icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đề xuất chia hộ kinh doanh để quản lý thuế

MINH CHIẾN

Việc chuyển từ hình thức thuế khoán sang tự kê khai thuế nhằm hiện đại hóa công tác quản lý thuế và nâng cao tính minh bạch trong kinh doanh

Thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, từ năm 2026, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế khoán để chuyển sang phương thức tự kê khai và nộp thuế dựa trên doanh thu thực tế. Việc này được kỳ vọng sẽ tăng cường tính minh bạch trong quản lý thuế nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức nhất định cho các hộ kinh doanh (HKD).

Phân nhóm theo doanh thu

Theo số liệu từ Cục Thống kê - Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2024, cả nước có khoảng 3,6 triệu HKD được quản lý thuế, đóng góp 25.953 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước. Trong đó, gần 2 triệu hộ áp dụng phương pháp thuế khoán, với mức nộp bình quân khoảng 700.000 đồng/tháng. Phương pháp thuế khoán đã trở thành công cụ hỗ trợ hiệu quả, phù hợp với năng lực quản lý và khả năng tuân thủ của các HKD trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, phương thức này cũng bộc lộ không ít hạn chế khi chưa tạo động lực đủ mạnh để các HKD mở rộng quy mô hoạt động. Bên cạnh đó, trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển, yêu cầu về minh bạch, công bằng và hiện đại hóa trong quản lý thuế trở nên rất cấp thiết.

Để đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi, trong đó đưa ra các đề xuất để quản lý thuế với HKD khi bỏ thuế khoán. Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - Trưởng Ban Chính sách, thuế quốc tế (Cục Thuế) - cho biết tại dự thảo luật, cơ quan thuế đề xuất chia hộ và cá nhân kinh doanh dựa trên 4 nhóm doanh thu để áp dụng phương thức quản lý và nghĩa vụ thuế phù hợp.

Theo đó, nhóm 1 là hộ và cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 200 triệu đồng/năm. Đây là nhóm không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Nhóm 2 là các hộ và cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng/năm.

Hai nhóm này được khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử sau khi bỏ thuế khoán và chỉ phải sử dụng sổ kế toán rất đơn giản để ghi chép thu chi theo mẫu của Bộ Tài chính. Trong đó, nhóm 2 áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền từ năm 2027 - 2028.

Nhóm 3 gồm 2 trường hợp: hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng có doanh thu từ 1-3 tỉ đồng/năm và hộ kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có doanh thu từ 1-10 tỉ đồng/năm. Đây là nhóm bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử và thực hiện chế độ kế toán đơn giản. Nhóm 4 là hộ và cá nhân kinh doanh có doanh thu 10 tỉ đồng/năm trở lên. Nhóm này bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử và áp dụng chế độ kế toán tương tự doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cơ quan thuế cũng đề xuất tăng ngưỡng doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân lên ít nhất gấp đôi mức 200 triệu đồng/năm; đồng thời sửa đổi tỉ lệ % thuế thu nhập cá nhân cho hộ, cá nhân kinh doanh phân biệt theo quy mô doanh thu. Đồng thời, kiến nghị sửa đổi các chính sách pháp luật liên quan nhằm hỗ trợ hộ và cá nhân kinh doanh phát triển.

Đề xuất chia hộ kinh doanh để quản lý thuế- Ảnh 1.

Hoạt động kinh doanh ở chợ Đại Quang Minh (TP HCM)Ảnh: Hoàng Triều

Đơn giản quy trình kê khai và nộp thuế

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc xóa bỏ thuế khoán là bước đi cần thiết để hộ kinh doanh phát triển lên thành doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần có lộ trình và giải pháp hỗ trợ đồng bộ để giảm thiểu tác động và bảo đảm tính khả thi khi triển khai.

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhìn nhận khi bỏ thuế khoán, sẽ thay đổi toàn diện về tư duy trong quản trị đối với cá nhân, HKD. Dù có những thách thức nhất định nhưng đây là cơ hội để HKD "lên đời", phát triển bền vững, minh bạch, dễ dàng tiếp cận vốn và mở rộng quy mô hoạt động.

Cũng theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, khi bỏ thuế khoán, thay đổi cách quản lý thì cần có sự tính toán cẩn trọng, đưa ra phương pháp quản lý phù hợp và có giải pháp hỗ trợ để HKD yên tâm chuyển đổi. Với việc chia ngưỡng doanh thu theo các nhóm để quản lý, cũng cần có cơ sở thực tiễn.

Cơ quan quản lý cần đánh giá thực trạng trong 3,6 triệu HKD được quản lý thuế hiện nay để nắm rõ về quy mô, tình hình hoạt động, từ đó đưa ra các ngưỡng doanh thu hợp lý, nhằm bảo đảm quản lý thuế, cũng như tạo động lực cho HKD chuyển đổi lên doanh nghiệp.

TS Nguyễn Quốc Việt, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội, cho biết việc bỏ thuế khoán và chuyển sang phương thức tự kê khai thuế là bước tiến lớn. HKD sẽ phải chuẩn hóa hồ sơ kế toán, lưu giữ đầy đủ hóa đơn, chứng từ. "Điều này không chỉ giúp họ vận hành chuẩn chỉnh hơn mà còn mở ra cơ hội phát triển mới, từ việc dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, mở rộng quy mô đến tham gia sâu hơn vào nền kinh tế chính thức" - ông Việt nói.

TS Nguyễn Quốc Việt cũng lưu ý cần có đánh giá toàn diện về HKD hiện nay để có định hướng quản lý thuế phù hợp từ đầu năm 2026 và có lộ trình để HKD dễ tiếp cận và tuân thủ. Quá trình triển khai, HKD có thể phát sinh thêm một số chi phí trong đó có chi phí phần mềm, lập sổ sách...

Để điều đó không trở thành trở ngại, rào cản, ông Việt cho rằng cơ quan quản lý thuế cần có các giải pháp để tuyên truyền, hỗ trợ về công nghệ để HKD quen dần với việc ghi sổ sách, xuất hóa đơn minh bạch nhưng không tạo ra quá nhiều thủ tục, chi phí.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) góp ý cần có hướng dẫn cụ thể về cách thức quản lý và thực hiện để hộ HKD yên tâm. Trên thực tế, nhiều HKD kỳ vọng quy trình kê khai và nộp thuế phải thật sự đơn giản, không trở thành gánh nặng hay làm gia tăng chi phí, nỗi lo cho người nộp thuế.

Ông Hoàng Văn Cường đề xuất cải cách, đổi mới trong quản lý thuế với HKD cần tập trung vào phương thức thu thuế đơn giản, giảm thiểu yêu cầu về nhân lực, sổ sách và các chi phí liên quan. Một hệ thống thuế thân thiện, dễ tiếp cận sẽ khuyến khích các HKD tham gia tích cực, góp phần thúc đẩy sự minh bạch và phát triển bền vững của khu vực kinh tế tư nhân. 

Sẵn sàng hỗ trợ khi bỏ thuế khoán

Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế, cho biết cơ quan thuế đang tích cực lấy ý kiến để hoàn thiện phương pháp quản lý thuế với HKD khi sửa đổi luật, bảo đảm sát thực tế. Ông Mai Sơn lưu ý việc xây dựng chính sách cần bảo đảm khi triển khai sẽ tạo ra sự thúc đẩy mạnh mẽ cho hoạt động của các HKD, thúc đẩy các HKD chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng sẵn sàng các giải pháp hỗ trợ cho việc tiến tới bỏ thuế khoán.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo