Chiều 6-6, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình (cơ quan thẩm tra) thay mặt Chính phủ trình bày trước Quốc hội báo cáo thẩm tra dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Tại dự thảo luật này, TAND tối cao đề xuất giảm mức phạt tù đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Theo đó, hình phạt tù cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi giảm từ 18 năm xuống 15 năm tù, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội giảm từ 12 năm xuống 9 năm tù.
TAND tối cao cho rằng người chưa thành niên thuộc nhóm đối tượng chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tình cảm, nhận thức; thiếu kiến thức xã hội, pháp luật; hành động cảm tính, bốc đồng, manh động; khó kiểm soát cảm xúc...
Đây cũng là nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội, cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, nhất là trong hoạt động tư pháp hình sự.
Trong khi đó, quan điểm xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội tại Việt Nam vẫn còn nặng về răn đe và áp dụng hình phạt; chưa xác định việc trừng phạt chỉ nên được sử dụng như là biện pháp cuối cùng; chưa chú trọng tạo cơ hội cho người chưa thành niên phạm tội sửa chữa, cải thiện hành vi. Việc giảm mức phạt tù với người dưới 18 tuổi phạm tội như đề xuất tại dự thảo sẽ khắc phục được hạn chế nêu trên, đề cao tính nhân văn.
Tuy nhiên, để không làm mất sự nghiêm minh của chính sách hình phạt, dự thảo quy định 5 tội danh nếu người dưới 18 tuổi thực hiện thì không được giảm mức phạt tù (sẽ áp dụng như quy định hiện hành tại Bộ luật Hình sự năm 2015), gồm: Giết người, hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, sản xuất trái phép chất ma túy.
Ngoài đề xuất giảm mức phạt tù, dự thảo luật Tư pháp người chưa thành niên còn bổ sung điều luật về hình phạt cảnh cáo cho người dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do vô ý và có tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt. Đồng thời giảm thời gian thử thách khi được hưởng án treo xuống không quá 3 năm.
Dự thảo còn đề xuất mở rộng đối tượng người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu có tài sản riêng thì cũng có thể áp dụng hình phạt tiền. Hoặc cha mẹ, người thân thích của người chưa thành niên có tài sản và tự nguyện thực hiện. Mức tiền phạt không quá 1/3 điều luật quy định.
Dự thảo luật cũng quy định về xử lý chuyển hướng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, áp dụng với các trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. TAND tối cao đề xuất 12 biện pháp xử lý chuyển hướng.
TAND tối cao cũng đề xuất bổ sung và hoàn thiện nhiều quy định về tố tụng thân thiện đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Trong đó, quy trình khởi tố, điều tra, truy tố phải được tiến hành trong môi trường thân thiện, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, bí mật cá nhân, danh dự, nhân phẩm của người bị buộc tội.
Vụ án hình sự có người bị buộc tội là người chưa thành niên và người đã thành niên thì cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải tách vụ án hình sự đối với người chưa thành niên để giải quyết vụ án độc lập. Các thông tin có liên quan đến hành vi phạm tội của người chưa thành niên phải được giữ kín, không cung cấp công khai.
Ngoài ra, vụ án hình sự về người chưa thành niên được xét xử trong phòng xử án thân thiện; khi xét xử không còng tay hoặc sử dụng các phương tiện cưỡng chế khác.
Bình luận (0)