Trình bày tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ việc sửa đổi luật nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế quy định của Luật Việc làm về hỗ trợ tạo việc làm, phát triển kỹ năng nghề, bảo hiểm thất nghiệp, đăng ký và quản lý lao động.
Đồng thời, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực việc làm, kịp thời ứng phó, thích ứng trong bối cảnh già hóa dân số, cách mạng công nghiệp 4.0, giải quyết các vấn đề liên quan việc làm bền vững, quản lý nguồn lao động.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay so với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn. Trong đó, sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật, góp phần tăng cường nguồn vốn và nâng cao hiệu quả cho vay giải quyết việc làm.
Dự thảo Luật đã mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, đảm bảo các nguyên tắc về việc làm, thống nhất về các quy định liên quan cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (không phân biệt nguồn ngân sách trung ương hay ngân sách địa phương), tạo cơ hội cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi.
Dự kiến Luật Việc làm sửa đổi quy định về đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (không giới hạn 5 đối tượng như Luật hiện hành), đồng thời quy định linh hoạt đối với nguồn vốn của địa phương, tổ chức, cá nhân khác ủy thác cho ngân hàng chính sách xã hội.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, dự thảo Luật đã mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo hướng bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (hiện nay từ 3 tháng trở lên); người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Cùng với đó, linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá tác động, đồng thời có giải pháp để bảo đảm tính khả thi khi mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, cần làm rõ cơ chế xử lý tách bạch số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Thường trực Ủy ban Xã hội cũng đề nghị xác định Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là quỹ tài chính ngắn hạn và rà soát các quy định có liên quan để thống nhất với luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 vừa được thông qua.
Bình luận (0)