Cần tính toán mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với một số sản phẩm đồ uống, thời điểm và lộ trình tăng thuế phù hợp, khả thi, tránh hiện tượng nhanh quá có thể gây sốc, gây tác dụng ngược như lách luật, chuyển sang dùng các đồ uống có tác hại nhiều hơn.
Đó là ý kiến của TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, tại hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các bên liên quan tổ chức sáng 8-8.
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Bộ Tài chính chủ trì xây dựng, trong đó đề xuất mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng thuế đối với một số mặt hàng. Tại dự thảo, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án tăng thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng rượu, bia.
Đối với mặt hàng rượu từ 20 độ trở lên: phương án 1 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 70%, 75%, 80%, 85%, 90% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030. Phương án 2 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030.
Đối với mặt hàng rượu dưới 20 độ: Phương án 1 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 35% lên 40%, 45%, 50%, 55%, 60% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030. Phương án 2 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 35% lên 50%, 55%, 60%, 65%, 70% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030.
Đối với mặt hàng bia: Phương án 1 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 70%, 75%, 80%, 85%, 90% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030. Phương án 2 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030.
Việc tăng thuế TTĐB với bia, rượu, TS Cấn Văn Lực cho rằng có thể tăng thu ngân sách trong ngắn hạn, nhưng trong trung - dài hạn sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, giảm doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp. Qua đó, giảm thu thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp, nên tổng hòa về việc tăng hay giảm thu thuế là chưa rõ.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, cho biết thuế TTĐB tại Việt Nam đã đảm bảo được phần lớn mục tiêu như hướng dẫn, định hướng tiêu dùng và đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Theo bà Cúc, việc tăng thuế TTĐB với đồ uống có cồn cần hướng đến hài hòa các mục tiêu và phù hợp với bối cảnh thực tế. Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam đồng tình với việc tăng thuế TTĐB theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030, song việc tăng liên tục và tăng cao sẽ ảnh hưởng nhất định đến doanh nghiệp.
Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, đánh giá kỹ tác động với việc tăng thuế nhanh và mạnh với đồ uống có cồn. Đồng thời, xem xét phương án giãn thời gian tăng thuế suất có lộ trình phù hợp.
Chuyên gia kinh tế - PGS-TS Ngô Trí Long đề xuất cân nhắc lộ trình tăng thuế suất một cách hợp lý để đạt được các mục tiêu của thuế TTĐB. "Trong bối cảnh hiện nay, giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng thuế hợp lý là giải pháp tối ưu để tạo điều kiện giúp doanh nghiệp phục hồi, ổn định và dần phát triển"- ông Long nói.
Trong quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật, Bộ Tài chính đã nhận được ý kiến góp ý của các bộ ngành, địa phương về 2 phương án tăng thuế nêu trên đối với mặt hàng rượu bia. Trong đó, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Công an và nhiều địa phương như Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị, Vĩnh Long, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Phú Yên..., Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhất trí theo phương án 2.
Bộ Tài chính cũng nghiêng theo phương án 2 và cho biết theo phương án này thì giá bán năm 2026 sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2025 và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2 - 3% so với năm trước, để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo.
Với phương án 2, Bộ Tài chính cho rằng sẽ có tác dụng giảm khả năng chi trả đối với các sản phẩm rượu, bia mạnh hơn, tác động tốt hơn trong việc giảm tỉ lệ sử dụng rượu, bia và giảm các tác hại liên quan do việc lạm dụng rượu, bia gây ra.
Bình luận (0)