Ngày 22-5, nguồn tin của phóng viên cho biết lãnh đạo 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai vừa đồng ký công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất phương án đầu tư dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Theo đó, lãnh đạo 2 tỉnh đề nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho phép đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku theo hình thức đầu tư công với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75 m, chiều dài 143,2 km, tổng mức đầu tư dự kiến 37.653 tỉ đồng.
Tiến độ thực hiện dự án là chuẩn bị đầu tư năm 2024-2025, triển khai xây dựng cơ bản hoàn thành trước năm 2030 và Bộ GTVT là cơ quan chủ quản thực hiện dự án; UBND mỗi tỉnh tự thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo địa giới hành chính.
Đầu năm 2023, Thủ tướng giao UBND tỉnh Gia Lai chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT nghiên cứu phương án xây dựng cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, trong đó ưu tiên phương án đầu tư theo phương thức PPP.
Qua tính toán, theo Luật PPP, với kịch bản mức vốn hỗ trợ của nhà nước tối đa 50% tổng mức đầu tư theo quy định, dự án không đảm bảo hiệu quả tài chính. Trường hợp để dự án đạt hiệu quả tài chính và thời gian thu hồi vốn với các kịch bản khoảng 25 năm, 18 năm và 10 năm, mức vốn của nhà nước cần tham gia hỗ trợ chiếm tỷ lệ từ 76% đến 88% tổng mức đầu tư.
Hiện nay, để kết nối Bình Định với Gia Lai chỉ thông qua Quốc lộ 19 dài 243 km. Đây là tuyến huyết mạch nối các tỉnh Tây Nguyên với vùng duyên hải miền Trung, lượng xe đi lại lớn, song mặt đường chật hẹp, xuống cấp.
Vì vậy, việc đầu tư tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku theo quy hoạch đã được phê duyệt là hết sức cần thiết, nhằm nâng cao tính cơ động vùng miền, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh, phục vụ tốt cho chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Bình Định, Gia Lai nói riêng và các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và duyên hải Miền Trung nói chung.
Bình luận (0)