Định vị tại TP HCM, trang Date and Time cho biết đêm cực đại của trận mưa sao băng Geminids sẽ rơi vào đêm 14, rạng sáng 15-12. Trong khi đó, các quốc gia Âu - Mỹ sẽ đón đêm cực đại vào đêm 13, rạng sáng 14-12.
Dự kiến trong đêm "đỉnh" này, mưa sao băng Geminids sẽ tuôn ra tận 150 ngôi sao băng mỗi giờ.
Đây là một trong những trận mưa sao băng đẹp nhất năm và cũng "lập dị" nhất.
Thông thường, các cơn mưa sao băng có nguồn gốc từ chiếc đuôi đá bụi của sao chổi. Tuy nhiên, nhưng mưa sao băng Geminids có nguồn gốc từ một... tiểu hành tinh.
Theo NASA, tiểu hành tinh kỳ quái đó - mang tên 3200 Phaethon - "mọc đuôi" từ một vụ va chạm thảm khốc, khiến một phần lớn của nó bị vỡ vụn, tạo thành chiếc đuôi mảnh vỡ dài trong quỹ đạo.
Mỗi năm Trái Đất lại quay cắt ngang chiếc đuôi mảnh vỡ đó một lần, khiến các thiên thạch có cơ hội xâm nhập vào bầu khí quyển, bị đốt cháy thành sao băng.
Các ngôi sao băng Geminids là kho báu vô song, bởi 3200 Phaethon đã được chứng minh là một tiểu hành tinh cổ đại, ít nhất 4,6 tỉ năm tuổi, cổ xưa hơn cả Trái Đất.
Nó cũng thuộc nhóm tiểu hành tinh carbonaceous chondrites, có thể chứa đựng các "khối xây dựng sự sống" sơ khai.
Dù có nguồn gốc từ 3200 Phaethon nhưng trận mưa sao băng vẫn được đặt tên là Geminids theo "truyền thống": Lấy tên của chòm sao nơi nó xuất phát trên bầu trời.
Vì vậy, để tìm kiếm nơi khởi đầu của siêu mưa sao băng, bạn có thể hướng mắt lên bầu trời và tìm chòm sao Song Tử, có tên tiếng Latin là Gemini và mang hình dạng hai người anh em song sinh.
Để có thể quan sát tốt mưa sao băng, bạn cần để mắt làm quen với bóng tối khoảng 15-20 phút và chọn một nơi thoáng đãng để quan sát.
Mưa sao băng Geminids năm nay dự kiến sẽ vô cùng dễ quan sát, không chỉ bởi các khu vực nhiệt đới gió mùa như chúng ta đã chấm dứt mùa mưa - tức giảm nguy cơ mây đen che phủ - mà còn nhờ vào bầu trời tối đen của giai đoạn trăng non.
Bình luận (0)