Theo định vị của trang Time and Date, vào đêm 5-5, rạng sáng 6-5, Việt Nam sẽ đón đêm cực đại của mưa sao băng Eta Aquarids.
Với 50 ngôi sao băng mỗi giờ trong đêm cực đại, Eta Aquarids năm nay lớn bất thường, dù vẫn thua các siêu mưa sao băng như Quadrantids hay Perseids. Các năm khác, Eta Aquarids thường chỉ tuôn ra 10-30 ngôi sao băng trong đêm cực đại.
Eta Aquarids là một trong 2 trận mưa sao băng trong năm có nguồn gốc từ chiếc đuôi dài đầy đá bụi của sao chổi Halley lừng danh.
Tuy nhiên, do "truyền thống", mưa sao băng thường được đặt tên theo nơi mà nó dường như bắt nguồn trên bầu trời, theo góc quan sát của người Trái Đất, chứ không phải theo tên vật thể "mẹ" thực sự.
Nhưng Eta Aquarids vẫn mang một ngoại lệ: Thay vì đặt theo tên chòm sao Bảo Bình - tức Aquarius trong tiếng Latin - cơn mưa sao băng này lại được đặt tên theo một trong những ngôi sao sáng nhất của chòm này là Eta Aquarii.
Đó là một ngôi sao có độ sáng thực tế gấp 5,3 lần Mặt Trời và trông như sáng nhất chòm sao này theo góc nhìn từ Trái Đất.
Theo góc nhìn từ Trái Đất, những ngôi sao băng tháng 5 sẽ như bắt nguồn từ ngôi sao này. Do đó, bạn nên tìm kiếm trên bầu trời chòm sao Bảo Bình và tìm kiếm ngôi sao sáng nhất.
Mưa sao băng Eta Aquarids vốn đã bắt đầu rải rác trên bầu trời đêm từ ngày 19-4, mạnh dần cho đến nay. Sau ngày 6-5, mưa sao băng sẽ yếu dần và biến mất hoàn toàn sau ngày 28-5.
Do chênh lệch múi giờ, các quốc gia trên thế giới có thể quan sát đêm cực đại khác nhau, ví dụ tại một số khu vực của Mỹ đêm cực đại rơi vào đêm 4-5, rạng sáng 5-5.
Đây là thời điểm thuận lợi để quan sát sao băng, vì chỉ còn vài ngày nữa là đến "đêm 30" theo âm lịch, tức đây là thời điểm bầu trời không bị nhiễu sáng bởi ánh trăng.
Để dễ dàng nhìn các ngôi sao băng hơn, bạn nên tìm nơi thoáng đãng và để mắt làm quen với bóng tối trong khoảng 15-20 phút trước khi quan sát.
Sao chổi Halley sẽ tiếp tục gây ra một cơn mưa sao băng khác vào tháng 10, mang tên Orionids.
Bình luận (0)