Tại phiên họp tổ của Quốc hội (QH) mới đây, khi định hướng một số quan điểm lớn trong dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý sau khi Trung ương có ý kiến về chủ trương đầu tư điện hạt nhân, luật cần đề cập nội dung này - bao gồm việc tính toán công suất, công nghệ, vị trí.
Nhu cầu thực tiễn
Theo Tổng Bí thư, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã nhất trí khởi động lại điện hạt nhân, do đó phải có chủ trương nghiên cứu để xin ý kiến QH. Cho hay nhiều nước trên thế giới cũng đang phát triển điện hạt nhân, Tổng Bí thư nhấn mạnh "thời gian không chờ đợi ai", Việt Nam cần chủ động triển khai nhanh chóng song song với tiếp tục hoàn thiện.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về tình hình triển khai các dự án quan trọng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam vào tháng 10-2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu phát triển điện hạt nhân.
Ông Trần Xuân Hòa - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, nguyên đại biểu QH khóa XIII - đồng tình với việc khởi động lại dự án điện hạt nhân. Bởi lẽ, đây sẽ là nguồn điện nền quan trọng giúp bảo đảm an ninh năng lượng trong bối cảnh giảm sử dụng điện than.
Chỉ rõ không những các nguồn điện truyền thống gây ô nhiễm môi trường mà ngay cả điện mặt trời cũng phát thải khí nhà kính, TS Lê Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ, khẳng định điện hạt nhân là nguồn phát thải thấp nhất. Theo TS Hưng, lúc này không phải là thời điểm bàn về việc khởi động hay không khởi động lại điện hạt nhân, mà bắt buộc phát triển loại hình năng lượng này nhằm đóng góp vào lộ trình giảm phát thải carbon của Việt Nam.
Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng phát triển điện hạt nhân sẽ thúc đẩy công nghệ, khoa học, kỹ thuật của Việt Nam phát triển nhanh. Theo ông Sơn, hiện nay không còn quá nhiều lo ngại về công nghệ hạt nhân song nhà nước vẫn nên độc quyền dự án điện hạt nhân để bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất chip bán dẫn cũng mong muốn Việt Nam sớm có dự án điện hạt nhân để bảo đảm nhu cầu điện của các dự án công nghệ cao, đồng thời hỗ trợ sản xuất xanh đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường trên thế giới.
Cần quy định cụ thể trong luật
Góp ý về quy định liên quan phát triển điện hạt nhân, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, Phó trưởng Đoàn Đại biểu QH tỉnh Ninh Thuận, nêu rõ dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã đề cập quy hoạch, đối tượng đầu tư, xây dựng, vận hành, công nghệ và bảo đảm an toàn của nhà máy, song mới "chỉ nêu hàm ý vài dòng".
Bà Hương cho rằng dự luật chưa quy định rõ việc thực hiện là "rất lo ngại". Do đó, bà đề nghị nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các quy định về điện hạt nhân đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc phát triển thành công, đạt hiệu quả cao.
TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN), cũng góp ý nếu không có quy định cụ thể trong luật, việc phát triển điện hạt nhân sau này sẽ gặp khó bởi việc thực hiện cần thời gian dài. "Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) nên bổ sung chính sách phát triển điện hạt nhân, trong đó giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khảo sát tiềm năng, Bộ KH-CN phối hợp các bộ, ngành khảo sát về năng lượng điện hạt nhân" - nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN đề nghị.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, "dứt khoát phải có" điện hạt nhân và những nguồn năng lượng mới trong tương lai. Nhưng để có nguồn điện này trên thực tiễn, ngay bây giờ phải đề cập trong Luật Điện lực (sửa đổi).
"Hơn 7 năm trước, chúng ta mới tạm dừng dự án điện hạt nhân, chưa phải hủy bỏ. Thời điểm này, cấp có thẩm quyền đã cho phép nghiên cứu để khởi động lại thì ít nhất trong Luật Điện lực (sửa đổi), cần có quy định khẳng định loại hình năng lượng này được phép phát triển" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, góp ý cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đội ngũ chuyên gia về hạt nhân bởi đây là "chìa khóa" cho sự thành công của dự án.
Đề xuất giữ 2 địa điểm tại Ninh Thuận
Ông Nguyễn Thái Sơn góp ý nên tiếp tục nghiên cứu phát triển điện hạt nhân tại Ninh Thuận bởi sẽ tiết kiệm được thời gian 4-5 năm so với việc tìm kiếm địa điểm mới.
Tại Báo cáo sơ kết Nghị quyết 31/2022 của QH về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Bộ KH-CN cho rằng địa điểm xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải đã được nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng, công phu trong thời gian dài, đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của Tổ chức Năng lượng nguyên tử thế giới. Vì vậy, 2 địa điểm này nên được xem xét giữ lại cho dự án điện hạt nhân trong tương lai.
Nhiều nước đã phát triển điện hạt nhân
Mỹ là một trong những quốc gia tiên phong phát triển, sử dụng điện hạt nhân với 93 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, cung cấp khoảng 20% điện năng cả nước. Các nhà máy điện hạt nhân ở Mỹ có hiệu suất và độ tin cậy cao, giúp giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và giảm phát thải CO2. Điện hạt nhân cũng tạo ra hàng ngàn việc làm, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế quốc gia.
Trung Quốc cũng đang tích cực mở rộng đầu tư vào năng lượng hạt nhân như một phần của chiến lược năng lượng quốc gia. Hiện nước này có 51 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động và nhiều lò đang được xây dựng. Việc đầu tư vào công nghệ hạt nhân đã giúp Trung Quốc nâng cao vị thế công nghệ.
Trái lại, Đức đã quyết định dần loại bỏ điện hạt nhân sau khi xảy ra thảm họa Fukushima ở Nhật Bản vào năm 2011, dù từng là quốc gia sử dụng điện hạt nhân dẫn đầu châu Âu. Thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ vào điện gió và điện mặt trời, Đức đối mặt với thách thức về bảo đảm nguồn cung điện ổn định, giá cả hợp lý.
Với Nhật Bản, trước thảm họa hạt nhân Fukushima, điện hạt nhân đóng góp khoảng 30% tổng sản lượng điện. Sau thảm họa, nhiều nhà máy điện hạt nhân đóng cửa và chính phủ Nhật Bản gặp thách thức về bảo đảm an toàn và khôi phục niềm tin của người dân. Dẫu vậy, nước này vẫn tiếp tục xem điện hạt nhân là một phần quan trọng trong chiến lược năng lượng.
X.Mai
Bình luận (0)