Sau gần 2 tuần TP HCM nới lỏng giãn cách, các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) từ chủ đầu tư đến sàn môi giới đều đã mở cửa hoạt động trở lại. Tuy nhiên, hầu hết DN đều chỉ hoạt động cầm chừng, việc tư vấn, giao dịch đều qua hình thức trực tuyến do vướng các quy định phòng chống dịch của các địa phương.
Thiếu nhân sự, đi lại khó khăn
Tổng giám đốc một công ty môi giới BĐS dòng nhà ở cao cấp có trụ sở tại quận Bình Thạnh cho biết đầu tháng 10, công ty chính thức mở cửa trở lại theo Chỉ thị 18 của UBND TP. Để bảo đảm an toàn phòng chống dịch, công ty chỉ cho 30% số nhân viên làm việc tại ở văn phòng. "Chúng tôi đang bán nhiều dự án tại Phú Quốc và một số địa phương khác nhưng việc lưu thông hiện nay còn khó khăn nên chưa thể đưa khách đi tham quan dự án được mà hầu hết là tư vấn online. Chúng tôi mong muốn những khó khăn, trở ngại sẽ sớm được giải tỏa để hoạt động kinh doanh được thuận lợi hơn" - tổng giám đốc công ty này cho biết.
Giám đốc một sàn giao dịch BĐS khác tại quận 3 cũng cho hay công ty đã hoạt động lại gần hai tuần nhưng khoảng 50% nhân viên vẫn còn kẹt ở quê, chưa thể trở lại TP HCM để đi làm, đặc biệt là nhân viên môi giới đang thiếu trầm trọng. Việc phải bảo đảm số lượng người đi làm mà vẫn an toàn, hiệu quả trong giai đoạn này không hề dễ. Chính vì vậy công ty không dám tham gia phân phối thêm dự án mới mà đang chờ thêm một vài tuần nữa mới tính tiếp.
Ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc Công ty CP DKRA Việt Nam, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho biết sau 2 tuần khởi động trở lại, tâm lý nhân viên khá phấn khởi, hào hứng. Tuy nhiên, rất ít giao dịch mua bán được thực hiện vì hầu hết các dự án mà DKRA Việt Nam tham gia phân phối đều ở tỉnh, đi lại khó khăn nên nhân viên vẫn tư vấn cho khách hàng qua các nền tảng trực tuyến, chỉ hẹn khách trực tiếp khi cần thiết nhưng vẫn phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng dịch để bảo đảm an toàn cho khách lẫn nhân viên. "Việc tư vấn, bán hàng online trong suốt thời gian giãn cách đã giúp nhân viên môi giới chuyên nghiệp hơn. Tuy vậy, các dự án chúng tôi đang bán chủ yếu ở Bình Thuận, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… nên việc đưa khách đi tận mắt dự án trước khi quyết định vẫn tốt hơn nhiều. Chúng tôi rất mong TP HCM và địa phương sớm có hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn để các DN đi lại thuận tiện hơn, giúp các hoạt động giao dịch nhà đất hồi phục mà vẫn bảo đảm an toàn phòng dịch" - ông Lâm góp ý.
Bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land, cho biết dịch bệnh đã khiến DN địa ốc tại TP HCM gặp rất nhiều khó khăn. Toàn bộ kế hoạch kinh doanh trước đó đều bị phá vỡ, áp lực về đồng tiền đè nặng lên vai của DN. Sau khi TP HCM và các địa phương nới lỏng giãn cách, các DN cũng nhanh chóng mở cửa hoạt động trở lại, song vẫn rất thận trọng. "Công ty đã chủ động thiết lập "quy trình xanh", áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động theo hướng dẫn của ngành y tế. Hiện tại, Đại Phúc Land chỉ cho phép những nhân viên chích ngừa đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19 mới được phép làm việc trở lại và tiếp xúc với khách hàng" - bà Hương nói.
Doanh nghiệp địa ốc mong các quy định phòng chống dịch được nới lỏng hơn nữa để các hoạt động giao dịch bất động sản thuận lợi hơnẢnh: Tấn Thạnh
Mong được hỗ trợ
Với các chủ đầu tư dự án, những ngày sau nới lỏng giãn cách, ngoài thực hiện các biện pháp phòng dịch, bảo đảm an toàn cho nhân viên, các DN đang rục rịch chuẩn bị bung hàng vào dịp cuối năm. Tập đoàn Hưng Thịnh đã phát đi thông báo về việc sắp ra mắt dự án Moonlight Centre Point tại khu y tế kỹ thuật cao quận Bình Tân. Đồng thời, chuẩn bị mở bán giai đoạn tiếp theo ở 2 dự án tại Bình Dương và Đồng Nai, với hơn 2.000 căn hộ. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt vào tháng 11, DN này sẽ mở bán tiếp 1 dự án mới tại TP Vũng Tàu.
Tập đoàn Novaland cũng dự định mở bán mạnh các dự án tại Phan Thiết (Bình Thuận), Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu) và dự án Aqua City (Đồng Nai)... với số lượng lên tới trên 5.000 sản phẩm khi các địa phương cho phép lưu thông trở lại.
Dù vậy, điều mà các DN BĐS lo lắng lúc này là những khó khăn mà họ phải gánh chịu trong và sau đại dịch. Tổng giám đốc một công ty BĐS có trụ sở tại TP HCM bày tỏ: "Thời gian qua, chúng tôi gánh rất nhiều chi phí như vận hành bộ máy, lãi vay trong khi doanh thu gần như không có. Chúng tôi chỉ mong các cơ quan chức năng hiểu được và có chính sách phù hợp, nhất là đẩy nhanh các thủ tục giấy tờ, hỗ trợ nguồn kinh phí với điều kiện ưu đãi để chúng tôi nhanh chóng lấy lại sức sau một thời gian dài chịu đựng áp lực".
Nắm bắt những khó khăn của DN, Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) đã gửi một loạt kiến nghị đến Chính phủ và các bộ, ngành đề nghị nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính để các chủ đầu tư triển khai dự án dễ dàng hơn, đề nghị các ngân hàng hỗ trợ miễn, giảm lãi suất, cơ cấu nợ cho các DN BĐS để giúp họ vượt qua khó khăn, có nguồn thu để trả nợ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm; cho phép khoanh nợ, giãn kỳ hạn trả nợ, không chuyển khoản nợ đáo hạn sang khoản nợ "xấu hơn" và quan trọng nhất là xem xét cho DN BĐS đủ điều kiện được tiếp cận các khoản vay tín dụng mới, tạo điều kiện cho DN phục hồi các hoạt động sau dịch.
Bình luận (0)