Chiếc xe cà tàng này đã đồng hành với ông Nguyễn Bừa trong nhiều năm qua.
Ông là Nguyễn Bừa (52 tuổi, ngụ phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu - Đà Nẵng).
Ông Bừa sinh ra trong một gia đình có 13 người con. Sau năm 1975, ông tham gia làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia suốt 3 năm rồi trở về lập gia đình. Ông bắt đầu một cuộc sống đầy gian nan, cơ cực, từ bãi vàng Phước Sơn đến đi biển đánh cá, câu mực, nhưng cái nghèo vẫn mãi đeo bám.
Ông Nguyễn Bừa làm nghề xe ôm ở phía Nam chân đèo Hải Vân từ năm 1995. Thấy nhiều người dắt xe máy xuống, mồ hôi nhễ nhại vì xe thủng săm, ông nghĩ nếu mình đi trên đèo cũng bị như vậy thì vất vả lắm, cũng ước có một tiệm sửa xe hoặc ai đó giúp, sao mình không làm nghề vá xe trên đèo. Thế là ông tự mày mò học nghề bằng cách tháo ra, ráp lại xe máy của mình nhiều lần và rồi ông cũng thành thạo nghề.
“Những năm giữa thập niên 90, ở đây chưa có điện thoại di động nên tôi thường chạy trên đèo. Gặp ai bị hư xe, thủng săm, tôi dừng lại sửa chữa giúp họ”, ông Bừa cho biết.
Có những ngày phải chạy nhiều vòng, tiền công chỉ bằng tiền đổ xăng nhưng ông không bỏ nghề và đặc biệt không lấy tiền công cao. Suốt từ năm 1995 đến khi hầm đường bộ Hải Vân đưa vào sử dụng, ông giúp hàng nghìn người bị thủng săm, hư xe giữa đường. Nhiều người sau khi được giúp đỡ đã cho thêm tiền nhưng ông nhất quyết không lấy.
Đến năm 2007, ông Bừa sắm được một chiếc điện thoại cà tàng và viết số điện thoại lên hai bên vách núi để người đi đường nhìn thấy. Từ đó, ông chọn cái am cách đỉnh đèo gần 1km (ở phía Bắc) làm “bản địa” chờ người gọi. Ông Bừa nói, chiếc am có từ cuối những năm 1990, là nơi thờ cúng các âm hồn bị chết vì tai nạn giao thông. Khi ấy, nó nằm lọt thỏm dưới các tán cây, rêu phong phủ mờ. Ông bỏ tiền xây dựng thêm để nó khang trang và ấm cúng hơn.
Trong suốt cuộc hành trình làm nghề vá xe trên đèo, ông Bừa cho biết đã cấp cứu rất nhiều người trong các vụ tai nạn giao thông. Không những thế, cách đây một năm, tình cờ chạy xe máy ngang đoạn khúc cua lớn ở phía Nam đèo, cách đỉnh khoảng 1km, ông phát hiện một chiếc bình đậy nắp, bên ngoài kiến bu. Biết đây là hài nhi bị chối bỏ nên ông cẩn thận đem chôn cạnh đó.
Một ngày sau, cũng chính chỗ này, ông lại tiếp tục phát hiện một trường hợp như vậy. Thế là ông lập hai mộ cạnh nhau. Năm ngoái, ông xây mộ, hằng ngày đến thắp hương, mua sữa cúng. Ông chia sẻ rằng, sau khi làm những việc này thấy lòng thanh thản.
Cuộc sống tuy thanh đạm nhưng ông không bao giờ nhận không công của ai một đồng. Ông mong mình luôn khỏe để cứu giúp người bị nạn, làm bạn với những oan hồn không may mắn trên đèo.
Bình luận (0)