Bà Chỉ là một người “danh tiếng” trong thành phố Hội An mà bá tánh trường Trung học Trần Quý Cáp đều có nhiệm vụ phải biết. Đó là một người phụ nữ lớn tuổi, quanh năm chỉ mặc một bộ đồ đen, ăn ở dơ hầy, mắt luôn luôn… toét ghèn. Thậm chí, một nguồn tin thông thạo cho biết bà Chỉ mỗi tháng chỉ tắm một lần vào đúng giờ Ngọ! Có đứa còn đoan chắc rằng trong suốt ba tháng mùa đông, bà dứt khoát… không tắm! Với bà, nước và xà-bông chỉ là những xa xỉ phẩm vô ích trên đời và động từ “tắm rửa” chỉ là từ ngữ có trong từ điển tiếng Việt. Tất nhiên, bà không thèm biết “từ điển” là cái giống gì. Bà tích cực chống lại sự tắm rửa như chúng ta tích cực chống vi trùng.
Người phụ nữ ấy chỉ bán mỗi một món chè đậu đen nấu với đường bát - cái món ăn dễ ợt mà tất cả dân Quảng Nam đều nấu được. Ấy vậy mà dân nghèo thành thị đang học trường Trần Quý Cáp đều mê chè bà Chỉ. Mê vì bà nấu đậu đen rất mềm, nước đậm và rất ngọt. Và trên hết, chúng tôi mê vì… giá rẻ.
Bà Chỉ luôn luôn tự hào về thương hiệu của mình. Bà ngồi bên lề đường Nguyễn Duy Hiệu, đối diện với nhà máy đèn do người Pháp để lại. Tài sản của bà chỉ gồm hai chiếc bàn và tám chiếc ghế nhỏ cực thấp. Bà “ra hàng” đúng 10 giờ sáng, “dọn hàng” đúng 5 giờ chiều. Đứa nào đến ăn trễ ráng chịu, bà không thèm bán, còn dư lại trong nồi cũng không bán. Nói chung, bà là một phụ nữ bình dân rất hách… xì dầu.
Bà Chỉ bán duy nhất một món chè đậu đen nóng, đứa nào ưng ăn chè lạnh cứ tự nhiên đi… chỗ khác mà ăn. Mỗi chén chè của bà giá một đồng, trên là nước, dưới có khoảng vài chục hạt đậu đen nấu nhừ. Đậu nhừ đến nỗi chưa vào tới miệng đã tan ra thành bột. Nó ngọt một cách ma quái và phù hợp tỳ vị của học sinh nghèo Trần Quý Cáp một cách kịch liệt.
Cái gì của bà Chỉ xem ra cũng tạm được trừ… hai bàn tay. Hai bàn tay bà cứ y như mới rút từ trong đống than ra; mười đầu móng tay đen xỉn. Mùa đông, bà vừa cầm chén múc chè; vừa ho hen. Thỉnh thoảng, bà khịt mũi một cái rồi quẹt nhanh bàn tay mặt của mình vào ống quần. May mắn cho khách ăn là bà cầm chén chè bằng tay trái, múc chè bằng tay mặt. Cái đó là bằng chứng hùng hồn nói lên rằng bà Chỉ cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh và tôn trọng khách ăn chè. Có lẽ vi trùng không thể lây lan qua cán vá. Nói tóm lại, bà có nhã ý bảo vệ an toàn thực phẩm nhưng nhận thức có hạn chế nên hay khịt mũi mà thôi. Cũng may cho bà, thời ấy chưa có thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm nên không ai đến khám xét hàng chè của bà. Do vậy, hàng chè đó “thọ” rất lâu!
Đường Nguyễn Duy Hiệu, nơi trước đây có quán chè bà Chỉ. Ảnh: MINH HẢI
Bà Chỉ ít nói, có lẽ là một phụ nữ tiết kiệm lời lẽ bậc nhất của tỉnh Quảng Nam. Khi tự xưng về mình, bà Chỉ xưng là “họ”. Chữ “họ” của bà tương đương với chữ “trẫm” trong các tuồng hát bội mà tôi thường được nghe. Khi gọi khách hàng, bà Chỉ gọi “mấy người”, dù rằng chỉ có một người ngồi ăn. “Mấy người đưa năm đồng, làm răng họ có bốn đồng thối lại đây?” – bà Chỉ càm ràm.
Cuộc sống tiến lên văn minh hiện đại nhưng tôi tìm đâu ra được một bà Chỉ quý hiếm vừa bán chè, vừa quệt nước mũi vào quần, vừa chửi chúng tôi như bằm mắm? Lũ bạn ăn chè ngày đó đã thành ông nội bà nội, ông ngoại bà ngoại, phiêu dạt bốn phương...
Khách ăn chè bà Chỉ toàn là con dân nghèo trường Trần Quý Cáp. Đám con nhà giàu, nhà sang có ăn chè thì lên quán chè bà Sỏ, có ghiền phở thì tới phở đình Ông Voi trên đường Lê Lợi. Dân giàu sang chê quán bà Chỉ dơ; bà Chỉ cũng chê dân giàu sang không biết ăn chè.
“Cái đồ yêu nớ mà biết ăn chè chi? Mà chè răng lại bán tới hai đồng? Họ bán có một đồng đây mà còn trậm trầy trậm trật, đừng nói hai đồng” – bà bình luận. Bà Chỉ chuyên bán cho con nhà nghèo, lạc cha xa mẹ, khố rách áo ôm, ba năm mới được mấy đồng rủng rỉnh trong túi cỡ như… tui.
Đứa nào vác mặt tới ăn chè, xin cứ lặng lẽ ngồi xuống cái ghế thấp chũn. Hoặc nếu chê ghế, khách cứ… ngồi bệt xuống đất, ăn đứng hoặc nằm lăn bên vệ đường mà ăn cũng không sao. Bà Chỉ không buồn hỏi, lặng lẽ múc một chén chè. Ăn xong, con nhà nghèo móc tiền trả rồi cứ việc ra đi, chẳng ai nói với ai một lời vàng đá nào, dù phép lịch sự của người Quảng Nam là phải chào nhau trước khi ra đi. Bà Chỉ ghét nhất là câu: “Một đồng hả bà?”. Đứa nào ngu ngốc (hoặc nhà quê) hỏi bà như vậy, bà cự ngay: “Một đồng chớ mấy? Hỏi chi hỏi hoài, điếc lỗ tai”. Thật là một “thương hiệu” cực kỳ văn minh thương nghiệp và rất kiệm lời.
Tôi đãi đám bạn ăn chè vào một ngày cuối tháng 5.1963. Trai có, gái có, cùng học một lớp nên ồn ào như… cái chợ nhỏ. Bà Chỉ lặng lẽ bán chè, múc chưa kịp mười chén thì đã có đứa háu ăn đưa chén vào đề nghị bà… bán tiếp chén thứ hai. Bà Chỉ cự: “Làm cái chi mà ăn mau rứa? Để họ múc cho kịp chớ. Mấy người đòi ăn nữa, họ không bán đâu”. Nghe bà cự, thằng háu ăn ồn ào ngớ ra, không dám thò chén tới. Chỉ tới khi bà chịu bán qua tua thứ hai thì con ma đói này mới dám đưa chén, cười cầu tài. Thiệt quê hết chỗ nói!
Tóm lại, mỗi đứa tụi tui ăn hai chén chè đậu đen nóng, mồ hôi mồ kê vã ra cũng kha khá. Ấy gọi là ăn mừng rửa học bổng. Ăn xong, cả bọn qua câu lạc bộ âm nhạc nghe thầy Lê Chấn Quang chơi piano moderne. Trời ạ, thầy chơi bài Come back to Sorrento (Trở lại Sorrento) sao mà bay bướm, huê dạng và tuyệt vời quá rứa. Rồi ai về “dinh” nấy, ăn cơm chiều, học bài để đầu tháng 6 thi lấy bằng diplôme.
Bây giờ, bà Chỉ đã ra người thiên cổ. Cuộc sống tiến lên văn minh hiện đại nhưng tôi tìm đâu ra được một bà Chỉ quý hiếm vừa bán chè, vừa quệt nước mũi vào quần, vừa chửi chúng tôi như bằm mắm? Lũ bạn ăn chè ngày đó đã thành ông nội bà nội, ông ngoại bà ngoại, phiêu dạt bốn phương. Từ những chiếc ghế thấp chũn đó, đã có những nhân vật lớn và to con đi vào đời.
Mùa xuân năm nào cũng vậy, tôi trở lại Hội An, đi bộ qua đường Nguyễn Duy Hiệu, lòng thầm nhớ quán chè bà Chỉ. Bây giờ thì tôi giàu sang quá cỡ rồi, có cả vài triệu đồng trong túi. Nếu có chè bà Chỉ, tôi phải ăn vài chục chén cho bõ ghét. Tôi sẽ ăn nhanh như xáng cạp, cho bà Chỉ múc lia lịa, vừa múc vừa cự “Làm cái chi mà ăn mau rứa?”. Nhưng than ôi, tìm đâu ra giữa Hội An hiền triết và thơ mộng này một bà Chỉ hồn nhiên bán chè trên lề đường năm xưa?
Bình luận (0)