Tháng 4 âm lịch, một số người dân Hà Tĩnh thường ra đồng tạo "thiên la địa võng" để bắt chim trời về bán. Vấn nạn tận diệt chim trời tồn tại nhiều năm nhưng chưa bị ngăn chặn
Tại cánh đồng thuộc xã Xuân Liên (Nghi Xuân), hàng trăm con cò giả được đặt bên đường để bẫy cò thật.
Bên cạnh cò, người dân còn tạo hình một số loài chim trời khác.
Chim mồi bị buộc chân, thả dưới ruộng. Giữa những con chim mồi là thanh tre được quét nhựa cắm xuống đất. Khi cò thật sà xuống sẽ dính bẫy.
Dọc đường xuống cánh đồng, lưới được giăng chi chít để bẫy chim. Người dân dựng chòi ngồi nấp bên trong, khi thấy chim mắc lưới thì ra bắt.
Khi thấy đàn chim trời, những người thợ săn chờ sẵn trong chòi dùng dây cước giật để chim mồi vỗ cánh, gọi chim đậu xuống và dính keo.
"Tháng 4 âm lịch hàng năm, giáp mùa gặt lúa nên chim trời từ nơi khác về nhiều. Mọi người đi bẫy, có ngày bắt vài chục con, song có khi chờ cả buổi cũng không con nào dính bẫy", một người bắt chim cho biết.
Chim trời sau khi mắc bẫy được người dân vặt lông, đem ra chợ bán với giá 25.000-40.000 đồng một con.
Nhiều con được nhốt sẵn trong lồng cho những ai có nhu cầu mua chim sống.
Một số khác thì được làm sạch lông, nướng sơ qua.
Ông Hoàng Văn Cát, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Liên cho biết, việc bắt, diệt cò, chim cói bị nhiều người lên án vì ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên. "Trong một số cuộc họp, chính quyền đã nhắc nhở bà con, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra", ông Cát nói.
Bình luận (0)