Đặc sản vùng sông nước
Mùa nước nổi, đi cùng với nỗi lo lắng, phập phồng theo con nước lên xuống hằng ngày có cả niềm vui, nỗi nhớ những hương vị đậm đà của vùng quê sông nước, trong đó không thể thiếu sự hiện diện của bông điên điển, mọc tràn lan trên ruộng, trên sông rạch khi nước lũ ngập đồng.
Không biết điên điển có từ bao giờ và nguồn gốc xuất xứ thế nào, nhưng có một điều lạ là chẳng ai gọi là “hoa”, mà chỉ gọi là “bông”- rất dung dị, đời thường. Mỗi khi mùa nước nổi về, con nước chở đầy phù sa bồi đắp thêm cho những cánh đồng khô cằn ở miền Tây quê tôi cũng là lúc bông điên điển nở rộ khắp nơi. Hiếm có loài bông nào vừa để ngắm và vừa có thể ăn như bông điên điển.
Bông điên điển chấm cá kho- món ăn dân dã đậm đà hương vị quê hương.
Lớn lên ở vùng quê sông nước, chắc ai cũng đã từng thưởng thức cái vị đăng đắng mà ngọt ngon của bông “mai vàng mùa nước nổi”. Bông điên điển rửa sạch nhúng từng chùm vào lẩu mắm cá linh sôi nghi ngút khói tỏa hương thơm làm tăng thêm sự ngọt bùi, thơm phức của món ăn Nam Bộ. Không ngon sao được khi bông vừa mới hái còn tươi nguyên, lại đẹp rực rỡ, rửa qua nước cho sạch rồi chỉ cần thêm một nồi cá kho (muốn ngon phải đúng cá linh) là có được bữa cơm ngon lành.
Bánh xèo nhân bông điên điển- món ăn hấp dẫn chỉ có ở vùng sông nước miền Tây.
Sẽ rất thiếu sót nếu không kể đến món canh chua bông điên điển nấu với cá rô đồng, cho thêm ít cọng rau cần tây càng làm tăng thêm hương vị của món ăn dân dã. Vẫn công thức canh chua lâu nay, nhưng người dân miền Tây khéo léo cho thêm bông điên điển tạo nên một mùi hấp dẫn lạ lùng. Cái chua chua của me, cái ngòn ngọt của cá và cái thơm - giòn - đăng đắng của bông điên điển làm tăng thêm đặc trưng của món ăn vùng sông nước.
Người miền Tây rất sáng tạo, chỉ với một loại bông mà có thể cho ra đời vô vàn món ngon độc đáo khác nhau. Nào là gỏi chua bông điên điển, điên điển xào tép, điên điển nấu canh chua… hoặc đơn giản chỉ là món điên điển rửa sạch chấm cá kho thôi cũng đã có thể trở thành một món đặc sản Nam Bộ.
Còn muốn cầu kỳ, phức tạp hơn chính là cách chế biến bánh xèo. Bột là nguyên liệu quan trọng nhất tạo nên độ ngon cho bánh, nhưng bánh sẽ càng ngon hơn với nhân điên điển xào tép hoặc thịt bằm. Vị ngon, ngọt, thơm, béo của bánh hòa quyện với vị đặc trưng của bông điên điển tạo nên một vị bánh xèo lạ lẫm… và ngon vô cùng!
Giá trị kinh tế cao
Ngày nay, bông điên điển không chỉ đơn thuần là loài hoa đồng nội, mà được người dân nông thôn tuyển chọn vào “top” đầu về hiệu quả kinh tế khi được trồng vào mùa nước nổi. Ông tám Khen, một nông dân ở xã Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú, An Giang), cứ tấm tắc khi tôi hỏi về giá trị kinh tế của bông điên điển: “Mần 10 công ruộng vậy chứ tính ra lời không bằng trồng điên điển nghen chú. Mọi năm, ít người trồng nên lợi nhuận rất cao. Năm nay, giá rẻ hơn (20.000- 30.000 đồng/kg) nhưng tính ra cũng còn lời hơn so với lúa!”.
Có đất nằm ở mé sông thuộc ấp Hưng Thạnh, xã Đào Hữu Cảnh (Châu Phú), anh Nguyễn Văn Khá và Lê Văn Được rủ nhau trồng điên điển với diện tích hơn 7.000m2. Anh Khá cho biết: “Cái nghề này phải nói là mần chơi, ăn thiệt đó nghen. Mình tận dụng bãi bồi để đỡ phải tưới nước, cộng với tiền mua hạt giống mỗi ký chỉ 40.000 đồng, trên diện tích 7 công chỉ cần gieo khoảng 300 gram giống, cộng thêm chi phí lặt vặt đến hết vụ tính chung mỗi công chỉ tốn 400.000 đồng.
Trồng điên điển ít tốn công chăm sóc hay xài phân bón. Từ lúc gieo hạt đến thu hoạch chỉ hơn 4 tháng, nhất là không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên có thể gọi điên điển là “rau sạch”- loại thực phẩm rất được ưa chuộng hiện nay”.
Với 7 công điên điển, mỗi ngày anh Khá và anh Được thu hoạch 80- 90 kg bông, với giá đầu vụ 50.000 đồng/kg cho thu nhập trên 400.000 đồng/ngày. Khoảng tháng 10 âm lịch, sau khi thu hoạch dứt điểm, người dân còn để cây điên điển kéo dài tuổi thọ thêm nửa tháng để trái chín lấy hạt phơi, năm sau trồng tiếp. Và bông điên điển lại vàng rực mỗi khi mùa nước nổi về!
Bình luận (0)