Sau nhiều lần liên hệ, chúng tôi được ông Dư Văn Kiến, ấp 20, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, người có thâm niên hơn 40 năm trong nghề gác kèo ong và hiện là Tập đoàn phó Tập đoàn 19/5 cho tham gia một chuyến thực tế “ăn ong”. Khi đã tìm hiểu kỹ cách thức, những điều cần thiết cho một chuyến ăn ong, đúng 9 giờ cả đoàn gồm 6 người xuống chiếc vỏ máy thẳng tiến vào rừng.
Thợ ăn ong ở rừng U Minh Hạ. Ảnh: MINH TẤN
Một chuyến ăn ong!
Rừng U Minh có rất nhiều ong, thế nhưng, để khai thác thì người ta không chỉ lấy ong lan (ong tự làm tổ, theo cách nói của ông Kiến) mà phải biết gác kèo để dụ ong làm tổ. Trên đường vào rừng, ông Kiến lý giải cho chúng tôi biết cách để gác kèo dụ ong mật. Chiếc vỏ lãi dừng lại tại một bìa rừng có nhiều tràm đang nở hoa rất đẹp.
“Tất cả lên bờ, chúng ta sẽ làm trảng gác kèo ong ở đây”, sau khi phát lệnh, ông Kiến đi trước mở đường. Ông chọn rồi dùng chân đạp bằng cây cối ở một khoảng đất khá rộng mà ông gọi là làm trảng, nơi sẽ đặt kèo ong.
Để gác kèo cần có 3 cây tràm. Cây đầu tiên gọi là cây nóng (cây cặm thẳng đứng làm trụ), một cây nạng cặm thấp hơn cây nóng, cây còn lại gọi là kèo. Kèo ở đầu có khoét một lỗ gắn vào cây nóng, đầu còn lại thì gác lên nạng. Công đoạn chỉ có vậy, nhưng để dụ được ong xuống thì không đơn giản tý nào.
Gác kèo ong là nghề cha truyền con nối, theo kinh nghiệm và mỗi người có bí quyết riêng. Chẳng hạn như khi chọn địa điểm làm trảng thì phải chọn nơi tràm có bông nhiều, tốt nhất là cây từ 3 tuổi trở lên. Nguyên nhân là tràm nhỏ tuổi có bông ít và thời gian ra bông cũng ngắn mà ong thì đi theo bông, khi tràm ngắt bông thì đàn ong cũng bỏ đi nơi khác.
Ngoài ra, chọn hướng gác cũng hết sức quan trọng, phải bảo đảm đủ ánh sáng… Và còn nhiều bí quyết khác nữa mà ông Kiến nhất định không nói, ông bảo “ai cũng phải giữ miếng riêng cho mình chứ!”, chúng tôi cũng không tiện hỏi.
Gác kèo xong, công đoạn tiếp theo là… đợi. Khoảng 20 ngày sau, người gác kèo mới trở lại trảng kiểm tra xem ong có xuống kèo hay không, nếu ong đã xuống phải đợi tiếp 20 ngày nữa mới có thể cắt lứa mật đầu tiên. Thông thường, một tổ ong có thể khai thác được 3 lần, cho tổng cộng bình quân trên 10 lít mật.
Để được trực tiếp chứng kiến cảnh ăn ong trong rừng tràm, ông Kiến quyết định dẫn chúng tôi đến chỗ kèo cũ đến lứa thu hoạch. Dụng cụ cho một chuyến ăn ong chỉ gồm một bó đuốc con cúi làm bằng xơ dừa khô bó chặt lại để un khói, một thau nhựa khá to đựng tàn ong, một cây dao Thái và tấm lưới trùm đầu tránh bị ong đốt.
Chọn hướng gác kèo ong. Ảnh: MINH TẤN
Cả đoàn tiến vào “mục tiêu” trong tâm trạng cực kỳ hồi hộp. Sau một hồi len lỏi theo con đường mòn đầy năn, sậy, tràm… cuối cùng tổ ong to tướng dài cả mét phủ gần như toàn bộ cây kèo, thân của nó thòng xuống đất trên 4 tấc cũng hiện ra trước mặt.
Ông Kiến nhanh tay bật quẹt đốt hai bó đuốc mang theo, phân phát cho chúng tôi một bó để… phòng thân và căn dặn: “Khi ong bay ra thì cứ thổi cho khói bốc lên, ong bị say khói nên sẽ không đốt đâu, nếu sợ quá bỏ chạy thì tụi nó đuổi theo đánh tới cùng đó!”.
Bó đuốc được đốt lên, đàn ong ngạt khói, bỏ tổ bay ra đen kịt trước mặt chúng tôi! Ong bay ra vù vù sát người nhưng chẳng con nào đánh hết, hú vía. Khi đàn ong bay ra gần hết, cũng là lúc tàn ong với khối mật to tướng hiện ra vàng ươm trên thân kèo, ông Kiến đưa dao cắt khúc tàn nhiều mật nhất nhưng vẫn để lại một ít trên kèo. Tổ ong to gần đầy cái thau mang theo, mọi người háo hức thưởng thức chiến lợi phẩm. Ông Kiến bảo ăn ong ngay trong rừng bao giờ cũng ngon hơn khi đem về tới nhà.
Ông Kiến cho biết, là người làm nghề gác kèo ong không bao giờ lấy hết ong một lần mà phải dưỡng lại cho lứa sau. Ông bảo: “Cắt tàn cần có mức độ để dưỡng đàn ong lại, ví dụ như mùa hạn này tổng đàn ong mình có 100 ổ thì đến mùa nước phải có 120 đến 130 ổ, bởi vì ong lớn tới “đô” phải tách đàn ra. Khi tách đàn thì ong nhảy kèo”.
Để mật ong rừng tràm mãi ngọt
Những người thợ ăn ong ở rừng U Minh Hạ không hoạt động riêng lẻ mà thành lập tập đoàn, có quy tắc và luật lệ rõ ràng. Hiện các tập đoàn “ăn nên làm ra” nhất là Phong Ngạn và Tập đoàn 19/5. Những người chọn gác kèo ong làm cái nghề là những người tích cực nhất trong bảo vệ rừng.
Ông Quách Văn Êm, 60 tuổi, người biết gác kèo ong lúc mới 15-16 tuổi, nói: “Tham gia vào tập đoàn thì ăn ong sẽ thuận lợi hơn, tránh nạn bị ăn cắp và tranh giành địa bàn lẫn nhau. Mỗi người khi tham gia vào tập đoàn đều tự nguyện cam kết bảo vệ rừng, đến mùa phòng chống cháy rừng thì phải túc trực trong rừng cùng với anh em để canh lửa.
Rừng chính là nồi cơm của mình thì mình phải bảo vệ chứ, nếu để rừng cháy thì chính bản thân người làm nghề gác kèo ong bị thiệt hại nhiều nhất vì mất nguồn thu trong thời gian dài”.
Tâm sự về cái duyên gắn bó với nghề, ông Dư Văn Kiến bảo: “Đây là một nghề có sức hấp dẫn đặc biệt, khi đã làm rồi thì mê luôn, khó mà bỏ được”.
Là người tâm huyết với nghề, ông Kiến khẳng định, để có thể duy trì được nghề cũng như phát triển hơn nữa nguồn tài nguyên ong rừng thì vấn đề trước tiên là phải làm tốt công tác tái sinh rừng, không chuyển dịch qua cây khác như keo lai, tràm bông vàng… vì mật ong rừng tràm luôn cho chất lượng tốt hơn các loại cây khác.
Mật ong rừng tràm U Minh Hạ từ lâu đã rất nổi tiếng, giá cao và rất ổn định. “Tập đoàn 19/5 có khoảng 20 thành viên, tính trung bình mỗi người gác từ 20 đến 30 kèo mỗi năm thì một thành viên có thể thu hoạch được từ 250 lít mật trở lên. Giá thị trường hiện nay là 100.000 đồng /lít, người gác kèo ong hoàn toàn sống khỏe với nghề”, ông Kiến cho biết thêm.
Mật ong rừng tràm luôn cho chất lượng tốt. Ảnh: M.T
Tuy nhiên, vấn đề bức xúc hiện nay là làm thế nào có thể tạo được chỗ đứng cho mật ong rừng U Minh Hạ trước vấn nạn mật ong giả tràn lan.
Ông Dư Văn Kiến bức xúc: “Trên thị trường hiện nay mật giả, kém chất lượng rất nhiều. Một lít mật thật họ có thể làm ra được 4-5 lít mật giả, lợi nhuận quá lớn như vậy đã làm nhiều người mờ mắt. Các ngành chức năng đang xây dựng thương hiệu cho mật ong U Minh Hạ. Hy vọng khi có thương hiệu rồi thì tình trạng mật ong giả sẽ chấm dứt”.
Để phân biệt được mật ong thật với mật ong giả không hề dễ dàng, do thủ thuật của những gian thương rất tinh vi. Ông Dư Văn Kiến cho biết: "Mật ong rừng tràm có ba loại màu, mật đầu mùa thì hơi vàng vàng, giữa mùa hơi sậm, còn cuối mùa thì hơi đen. Mật thật để không bao giờ phai màu và khi cho vào can đậy nắp lại thì luôn có ga. Mật thật có vị ngọt, sau ngọt thì hơi chua, còn mật giả bao giờ cũng ngọt như đường”.
Sau chuyến ăn ong, lần đầu tiên chúng tôi được thưởng thức món đặc sản từ ong rừng đó là tàn ong non lăn bột chiên, nếu đã được ăn một lần thì không thể nào quên.
Ông Kiến bảo: “Những sản phẩm từ tổ ong mật không gì là không sử dụng được, đến cả sáp ong (tàn ong sau khi đã vắt lấy hết mật) cũng được bán để sản xuất đèn cầy”.
Cả đoàn vừa thưởng thức đặc sản ong rừng vừa được nghe những câu chuyện thú vị về nghề gác kèo ong, càng hiểu hơn giá trị mà ong mật rừng tràm U Minh Hạ mang lại cho người dân U Minh.
Rừng U Minh Hạ chứa đựng một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá. Nếu biết tận dụng và giữ gìn đây sẽ là nguồn lợi nuôi sống người dân và mở ra nhiều hướng mới trong việc phát triển kinh tế địa phương. Và từ đây sẽ có rất nhiều người như ông Kiến, ông Êm xem rừng là “nồi cơm”, luôn ra sức bảo vệ để rừng tràm mãi xanh.
Bình luận (0)