Chẳng tên cướp nào trong băng nhóm này có cái tên Bạch Hải Đường cả. Cầm đầu băng nhóm là đối tượng Nguyễn Văn Phái (SN 1954; trú tại xã Minh Thanh, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh), thuộc diện côn đồ, anh chị. Dưới hắn có Vũ Văn Huy, từng là một xạ thủ trong quân đội, đang bị truy nã vì dùng súng AK bắn chết một người cùng đại đội, sau đó đào tẩu cùng khẩu súng AK đó. Chúng thu nạp thêm một số tên thanh niên mới lớn, thuộc diện côn đồ hảo hán.
Băng cướp này là nỗi khiếp đảm đối với người dân ven QL 1 từ Hà Bắc - Quảng Ninh cuối những năm 1980 của thế kỷ trước...
Để có thanh thế, băng cướp này mới lấy hỗn danh “Bạch Hải Đường”, tên của một tướng cướp khét tiếng đất Sài Gòn trước năm 1975.
Giai đoạn cuối những năm của thế kỷ trước, sau khi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, việc buôn bán tại khu vực biên giới Việt - Trung thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh nở rộ. Ăn theo đó là các toán cướp táo tợn, có vũ trang. Thậm chí, có toán cướp còn trang bị được cả những loại vũ khí hạng nặng như B40, B41 (do còn tàn dư trong chiến tranh), có lần chúng dọa đem B40 san phẳng đồn Công an Đồng Đăng nếu cản trở hoạt động của chúng.
Trong thời điểm đó, băng cướp Bạch Hải Đường nổi lên với những vụ cướp xe khách, xe hàng cực kỳ tàn bạo ở dọc đường các tỉnh Hà Bắc và Quảng Ninh. Có những đêm, chúng gây ra đến 4 vụ cướp, bắn chết 2 người.
Vụ cướp đầu tiên được chúng thực hiện vào ngày 4-7-1989 tại đèo Hạ Mi (giáp danh giữa Hà Bắc và Quảng Ninh), nhằm vào chiếc xe tải BKS 14A-3216 do anh Phạm Văn Bình điều khiển. Tên Phái vác AK ra giữa đường, chặn đầu chiếc xe tải. Tài xế Bình giật mình, vội đạp phanh. Chiếc xe chưa kịp dừng hẳn thì 2 tên Vũ Văn Huy và Lê Văn Huy đã nhảy lên cabin, lột chiếc đồng hồ SK của nạn nhân.
Đúng lúc đó, chiếc xe khách chở hơn 20 người do anh Nguyễn Văn Tâm trờ tới. Phái lập tức kéo một tràng AK thị uy. Mọi người trên xe khách chết lặng, mặc cho những tên cướp lột sạch tiền và tài sản...
Trước sự lộng hành của băng cướp "Bạch Hải Đường", Tổng cục Cảnh sát đã chỉ đạo một tổ công tác của Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an các tỉnh Hà Bắc (hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang ngày nay), Quảng Ninh tiến hành điều tra, truy xét, bắt giữ băng cướp này.
Thượng tá Lê Minh Giám, Phó Phòng 4, Cục Cảnh sát hình sự, thời ấy đang công tác tại Đội Trọng án của Phòng Điều tra trọng án thuộc Cục được điều động vào tổ công tác đặc biệt này.
Anh Giám nhớ lại: “Thời đó, địa bàn hoạt động chủ yếu của băng cướp này là 2 huyện Sơn Động (Hà Bắc) và Yên Hưng (Quảng Ninh). Những xã mà nhóm cướp này hay cư ngụ nằm trong vùng rừng nguyên sinh, cây cối um tùm, chỉ có những con đường mòn ngoằn ngoèo, độc đạo. Ngày ấy, khi tổ công tác của Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an tỉnh Hà Bắc và Quảng Ninh xâm nhập vào khu vực trên để truy tìm dấu vết của băng cướp "Bạch Hải Đường", có trinh sát đã hoang mang “nếu từ trong rừng, bọn cướp nã đạn vào xe thì chắc... chết hết”. Nhưng với bản lĩnh của người lính hình sự, anh Giám động viên anh em: “Bản chất của đối tượng phạm tội là sợ Công an, chúng sẽ không đối đầu với mình”.
Những ngày đầu, tổ công tác xâm nhập vào những xã, nơi có khả năng băng cướp này về cư ngụ, để truy tìm dấu tích của chúng. Trong vai những người đi mua mật ong, các trinh sát buộc súng Rulo ở chân, vào từng lán trại trong rừng sâu để lần tìm chúng. Khi có lệnh truy nã công khai nhóm đối tượng này, tổ công tác của anh Giám lại tiếp tục quay trở lại các xã vùng rừng núi này.
Vì xác định phải xây dựng thế trận nhân dân ở đây nhằm đón lõng đối tượng, thời gian ở lại không ngắn nên tổ công tác đã chuẩn bị những chai mỡ nước mang theo (họ mua thịt mỡ về rán, lấy mỡ nước đóng chai). Bởi trong những xã đó, điều kiện kinh tế cực kỳ khó khăn, quanh ngày này sang tháng khác là ăn cơm độn sắn, canh lá sắn. Những chai mỡ mang theo đôi khi để cải thiện cho tổ công tác và bà con.
Nguyễn Văn Phái lấy tên của tướng cướp Bạch Hải Đường để tạo uy danh trong giới giang hồ.
Tổ công tác đã vào từng lán trại, trường học, từng chính quyền và Công an xã để đưa lệnh truy nã đối tượng, phổ biến cho bà con cách thức nếu phát hiện bọn cướp vào xin ăn, xin uống thì thật bình tĩnh và tìm cách mật báo cho lực lượng Công an. Tập huấn cho Công an xã cách báo tin cho lực lượng Công an tỉnh nếu phát hiện toán cướp, cách vô hiệu hóa súng của đối tượng...
Các anh còn giúp dân cải thiện làm ăn kinh tế, tạo niềm tin cho người dân vào chính quyền, từ đó quyết tâm đẩy lùi cái ác...
Đánh hơi thấy sự truy lùng gắt gao của lực lượng Công an, tướng cướp Nguyễn Văn Phái và Vũ Văn Huy trốn khỏi Quảng Ninh. Tổ công tác gồm anh Giám, anh Chiến (Phòng Cảnh sát hình sự Quảng Ninh), anh Ngoan (Công an huyện Yên Hưng) được Tổng cục Cảnh sát trang bị cho chiếc xe U-oát mới nhất của Tổng cục lúc đó để truy lùng theo dấu vết chạy trốn của băng cướp. Nhưng cũng vì xe mới nên nhiều khi chạy vù vù, không ăn phanh, khi dừng lại được thì cả tổ công tác ngồi trên xe tóc tai dựng đứng. Phát hiện toán cướp chạy vào mỏ vàng ở Gia Lai, tổ công tác truy đuổi vào đến nơi thì chúng lại quay ra xã Bằng Tường (Tây Sơn, Bình Định), rồi tiếp tục chạy ra Bắc.
Tối 12-11-1989, khi chạy về khu vực Đèo Ngang (Quảng Bình), bọn chúng đã gây ra một vụ cướp đặc biệt nghiêm trọng. Sau khi không chặn được 2 chiếc xe tải, Phái và Huy quyết tâm chặn chiếc xe tải thứ 3 do anh Lê Thanh Hải điều khiển. Chúng chặn giữa đường, Huy cầm lựu đạn, Phái cầm AK bắn một loạt đạn xuống đất nhưng chiếc xe vẫn không giảm tốc độ. Phái lập tức bắn thẳng vào buồng lái khiến anh Nguyễn Văn Dũng, trên xe tử vong.
Đến chiếc xe khách BKS 75A- 0702 do tài xế tên Cường chở 40 hành khách, Phái nổ súng, buộc chiếc xe phải dừng lại. Tên Huy dùng dao đâm vào tay trái và đùi phải lái xe để thị uy, đòi tiền. Còn tên Phái, muốn ra oai, xả một loạt đoạn vào phía sau chiếc xe làm em Nghiêm Xuân Thành (15 tuổi) chết tại chỗ, bố em Thành bị thương nhẹ. Một viên đạn cũng găm vào mông tên Huy nên 2 tên cướp phải nhanh chóng rời khỏi hiện trường.
Tiếp đó, Phái đã bỏ mặc Huy tại khu vực đèo Ngang (sau đó Huy đã bị bắt), nhảy lên tàu trốn tiếp ra Bắc. Nhưng khi hắn ra đến Lục Ngạn (Hà Bắc) thì đã bị rơi vào thế trận an ninh nhân dân và bị lực lượng Công an bắt giữ. Băng cướp "Bạch Hải Đường" toàn toàn bị xóa sổ từ đó.
Bình luận (0)