xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Bảo kê mộ” ở nghĩa trang

Theo Nguyễn Thị Thu Dịu (Bình Định Online)

Không chỉ ông Nguyễn Tấn Nghĩa, Đội trưởng Đội quản lý nghĩa trang và dịch vụ mai táng (Công ty TNHH Môi trường đô thị Quy Nhơn), mà nhiều gia đình cũng than phiền về tình trạng “bảo kê mộ” ở Nghĩa trang Quy Nhơn.


img
Một phụ nữ viếng mộ thuê ở nghĩa trang.
 
Nạn “bảo kê mộ” hay quen được gọi nhẹ nhàng đi là “nhận trông coi mộ” diễn ra đã nhiều năm qua ở Nghĩa trang Quy Nhơn. Đến nay, thậm chí còn có việc tranh giành, phân chia “lãnh địa” ở nghĩa trang này.
 
Phân chia quyền trông mộ
 
Trước tiên cần phải nói ngay rằng, vẫn có những người lương thiện nhận trông coi, chăm sóc và thắp hương theo yêu cầu của thân nhân người chết. Nhưng số này rất ít và cách hành xử đàng hoàng khiến họ là cái gai trong mắt những kẻ bất lương. Bài viết này không nhằm vào những người lương thiện này.
 
Sắm vai người nhà đi viếng mộ, chúng tôi đến Nghĩa trang Quy Nhơn. Chọn một ngôi mộ cũ phía sâu trong nghĩa trang, trông chừng  đã lâu không có người thăm viếng để thắp hương.
 
Ngồi bên mộ chỉ chừng 10 phút, đã có người phụ nữ đến thắp hương cho ngôi mộ bên cạnh, chị ta vừa thắp hương vừa lân la bắt chuyện. Sau một hồi, chị ta tự giới thiệu tên mình, giới thiệu việc chăm sóc mộ, hương khói giúp những gia đình có nhà xa khu vực nghĩa trang. Nhìn ngôi mộ chúng tôi vừa thắp hương, chị nói: “Bận rộn công việc lắm hay sao, mà lâu rồi lắm mới thấy các em thắp hương cho ngôi mộ này. Sao để cụ nằm lạnh lẽo vậy, cụ trách thì sao. Nếu các em không có thời gian thì chị giúp cho. Ở đây chị giúp nhiều người lắm, mỗi tháng 100.000 đồng/mộ thôi”. Thấy chúng tôi ngần ngừ, chị đi thắp hương cho những mộ khác mà không quên dặn lại: “Nhà chị ở gần đây, nếu các em muốn giúp thì cứ ra quán nước đằng trước mà hỏi, người ta sẽ chỉ cho”.
 
Chị X. - chủ quán nước, hoa quả, hương đèn gần nghĩa trang cho biết, nghề trông coi mộ thuê là kế sinh nhai của một vài gia đình vùng này. Tuy không dư giả gì, nhưng là công việc lương thiện này cũng giúp họ mưu sinh, nuôi con ăn học. Tuy nhiên số này không nhiều. Tôi hỏi dò: “Nghe nói có nhiều người phất lên nhờ trông coi mộ ở nghĩa trang, xây được nhà to, sắm cả ô tô nữa phải không”.
 
Chị cười to: “Có chứ. Nhưng đó là những người anh trông coi, bảo vệ mộ, kiêm thầu xây dựng mồ mả trọn gói… thôi. Chứ những người phụ nữ kia thì được mấy nả. Tôi đây, hồi trước cũng nhận trông mấy ngôi mộ, nhưng thi thoảng lại đền ly hương bị vỡ, cái bình hoa bị mất… thành ra tôi cũng hãi đành trả lại cho thân chủ để họ thuê người khác!”. 
 
Tiếng là trông coi, quét dọn, lau chùi mộ nhưng thật ra việc chỉ là thắp nhanh vào ngày rằm, mùng một thôi. Việc thì đơn giản nhưng chỉ cần nhận trông vài chục mộ số tiền thu lại đã rất đáng kể. Chính vì vậy mà cuộc chiến tranh giành quyền chăm sóc mộ ở Nghĩa trang Quy Nhơn rất căng thẳng.
 
Đang dở câu chuyện, chị X. chỉ về phía bà cụ chừng 70 tuổi, đang xách theo hoa, vài bó nhang đi vào nghĩa trang, chị nói: “Bà ấy cũng làm nghề trông coi mộ đó. Nhưng bà cũng chỉ trông “chui” vài mộ thôi chứ không dám nhận nhiều. Nhận nhiều mấy đứa xấu nó biết, nó sẽ giành. Giành không được là nó phá mộ. Mộ bị hư hại thì phải đền cho  thân nhân người chết chứ có bỏ của chạy lấy người được đâu. Nghĩa địa mênh mông là thế, hàng ngàn ngôi mộ là thế nhưng chúng nó phân chia quyền trông coi hết rồi, không phải ai cũng được vào trông mộ đâu”.
img
Một số đám trẻ thường tụ tập ở nghĩa trang để lấy đồ cúng.
 
Dễ kiếm tiền, nhiều người đi trông mộ
 
Đến Nghĩa trang Quy Nhơn vào những ngày rằm dễ dàng tìm được những người hành nghề “viếng mộ thuê” lui cui đi lau chùi, thắp hương trên mộ. Bởi những ngày này, các gia đình thường đi viếng mộ, nên họ làm chăm chỉ để dễ ăn nói với gia chủ. Chị H, một công nhân của Đội quản lý nghĩa trang Quy Nhơn cho tôi hay, chị cũng được một số gia đình nhờ trong coi, chăm sóc mộ trong nghĩa trang này. Làm ngày một, cẩn thận như chị thì chẳng mấy ai. Thế nhưng, không ít người thoảng hoặc mới ra mộ quét dọn, lau chùi thì lại đút túi một khoản không nhỏ. Và những người trông mộ kiểu giời ơi này ngày càng nhiều lên.
 
Ông Nguyễn Tấn Nghĩa, Đội trưởng Đội quản lý nghĩa trang Quy Nhơn cho biết: “Không có dọa đánh dọa giết gì đâu nên nói “bảo kê” thì hơi quá. Nhưng trả tiền ngoài ý muốn để yên chuyện thì có. Ban đầu, chỉ khi thân nhân người chết yêu cầu, người ta mới chăm sóc. Về sau thấy công việc nhẹ nhàng, lại dễ kiếm tiền nên một số kẻ tìm cách ép người giao mộ để trông coi. Không thiếu trường hợp hăm dọa phá mộ để được ...giữ mộ. Nhiều gia đình không hài lòng vì tốn tiền vô ích, họ tranh cãi với những đối tượng bất lương này. Để dằn mặt chủ mộ, những đối tượng xấu này đập phá một số chi tiết trên mộ như lư hương, bình hoa, bông sen… Quá bức xúc, các gia đình đã trình báo với ban quản lý nghĩa trang, nhưng không ít gia đình muốn mộ phần người thân được yên ổn nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” chi tiền cho xong việc!”.
 
Chính vì tình trạng “cho xong việc” nên việc trông coi mộ ngoài ý muốn nom giống như là “tự nguyện”, là “thuận mua vừa bán” giữa thân nhân và người trông coi. Chị Hoa, một phụ nữ đi viếng mộ người thân vào dịp lễ Vu lan ở Nghĩa trang Quy Nhơn mà tôi có dịp trò chuyện kể: “Việc lau chùi, quét tước mộ phần – vốn đã xây dựng tươm tất, không mất nhiều công sức lắm. Nhưng mình không để nó trông là nó phá. Tiền tu sửa cũng quá cha tiền đưa cho nó nên thôi thì coi như là mình mua sự bình an. Nghề “viếng mộ thuê” ở Nghĩa trang Quy Nhơn ngày càng phát triển có một phần lí do từ đó.
 
Chưa ai phản ánh có nghĩa là không có?
 
Khi làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Nên Danh, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường đô thị Quy Nhơn xác nhận: “Việc thân nhân thuê người trông coi mộ không có gì ảnh hưởng đến công tác quản lý nghĩa trang. Đến nay Công ty TNHH Môi trường đô thị Quy Nhơn cũng chưa tiếp nhận phản ánh nào từ phía các gia đình có mộ phần ở nghĩa trang về nạn phải thuê  người trông coi ngoài ý muốn. Tuy nhiên lãnh đạo công ty sẽ theo dõi vấn đề này sát sao hơn!”.
 

Khi gặp trường hợp xin “đểu”, đòi bảo kê mộ, các thân nhân cần phải báo với Ban quản lý nghĩa trang hoặc báo cho Công an phường Bùi Thị Xuân để kịp thời xử lý. Số điện thoại trực ban của công an phường: 056.3510.168.

Về những vấn đề bất thường xảy ra ở Nghĩa trang Quy Nhơn, bà Nguyễn Thị Tường Vi - Chủ tịch UBND phường Bùi Thị Xuân - khẳng định, vấn đề an ninh trật tự ở nghĩa trang chưa có gì đáng lo ngại. Chỉ có một số gia đình sống gần nghĩa trang nhận chăm sóc mộ thuê cho người khác như gia đình bà Trần Thị Anh, Trần Thị Phượng, Nguyễn Thị Kim Miền… Tuy nhiên, hầu hết những trường hợp này đều có sự thỏa thuận giữa các bên, không có sự bắt ép nào xảy ra.
 
Bà Vi cho biết thêm: “Đến thời điểm này, chưa có gia đình nào đến phản ánh với chính quyền địa phương về công việc chăm sóc mộ của những hộ dân sống gần nghĩa trang hay có chuyện “bảo kê” ở khu vực này. Tuy nhiên, có một số thanh thiếu niên bỏ học, chậm tiến là con em của các gia đình khó khăn ở địa phương và một số khu vực lân cận hay tụ tập ở nghĩa trang để xin hoa quả, bánh trái đã cúng xong nên thỉnh thoảng cũng có làm phiền vài người. Chính quyền địa phương và Ban quản lý nghĩa trang luôn phối hợp với nhau để theo dõi những đối tượng này, kịp thời ngăn chặn những hành vi xấu có thể xảy ra…”.
 
Tại Công an phường Bùi Thị Xuân, ông Đoàn Lê Khánh Hội, Cảnh sát khu vực 7, người quản lý địa bàn khu vực nghĩa trang cho biết: “Tình hình an ninh trật tự ở nghĩa trang hiện nay được đảm bảo, cán bộ nghĩa trang cũng như các gia đình có mộ ở đây đều rất an tâm. Trước đây, có một hai trường hợp ép người ta giao mộ để lấy tiền, xin đểu, các trường hợp này đã được chính quyền địa phường răn đe, giáo dục, một số đưa đi giáo dưỡng nên đã chấm dứt. Chỉ còn một số em nhỏ ở độ tuổi đi học vẫn hay ra nghĩa trang xin tiền, xin đồ cúng gây phiền hà cho các gia đình. Công an phường đã phối hợp với gia đình để quản lý các em”.
 
Theo Công an phường Bùi Thị Xuân, không chỉ người dân trong phường Bùi Thị Xuân, mà nhiều người từ các phường khác cũng đổ về đây để hành nghề “viếng mộ thuê”, nên rất khó cho công tác quản lý của công an. Nhân đây, Công an phường Bùi Thị Xuân cũng khuyến cáo các gia đình, khi gặp hiện tượng xin “đểu”, đòi “bảo kê mộ”  thì nên báo với Ban quản lý nghĩa trang, cơ quan công an để kip thời xử lý.
 
Nghĩa trang Quy Nhơn nghĩa trang Quy Nhơn rộng hơn 21 ha, hiện có hơn 5.000 ngôi mộ, Đội quản lý nghĩa trang có 27 công nhân chính thức (không kể 13 công nhân hợp đồng chuyên xây dựng mồ mả). từng ấy người là quá ít để trông coi một nghĩa trang rộng đến thế nhất là khi nơi này rất khó kiểm soát do không có tường rào, cổng ngõ. Nhiều đối tượng xấu lợi dụng điều này để vào nghĩa trang lấy cắp đồ vật trên mộ, xin đểu thân nhân người chết, tranh cướp đồ cúng, vòng hoa, biến nghĩa trang thành nơi cất giữ đồ vật trái phép… khiến cán bộ, công nhân phải chịu nhiều tiếng xấu.

“Tại Nghĩa trang Quy Nhơn không có chuyện Đội Xây dựng của Ban Quản lý độc quyền xây dựng mộ phần. Gia đình nào có yêu cầu xây dựng mộ, Ban quản lý nghĩa trang làm hợp đồng xây dựng căn cứ theo quy định của nhà nước về giá cả, vật liệu xây dựng và thỏa thuận hai bên. Thân nhân người chết có quyền tự xây dựng mộ phần miễn là phải đảm bảo đúng vị trí, kích thước theo quy định của nghĩa trang. Khi có yêu cầu hoặc thắc mắc về công việc, dịch vụ ở nghĩa trang nên liên hệ với Ban quản lý nghĩa trang để được giải thích cặn kẽ”

Ông Nguyễn Tấn Nghĩa, Đội trưởng Đội quản lý nghĩa trang.
 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo