xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Báu vật trong ngôi nhà thờ cổ

Theo TRƯƠNG QUANG HIỆP (Quảng Trị Online)

Nhiều đời nay, con cháu dòng họ Nguyễn Đức luôn tự hào về báu vật quý giá mà tổ tiên truyền lại. Đó chính là ngôi nhà thờ họ 180 năm tuổi, nơi lưu giữ 15 bài thơ cổ dạy thế hệ sau cách đối nhân, xử thế.

Gìn giữ cho mai sau
 
Đã thành thông lệ, vào sáng mồng một Tết Nguyên đán, con cháu dòng họ Nguyễn Đức, làng An Thơ, xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) lại thức dậy từ tinh mơ, vận khăn áo chỉnh tề và tập trung tại nhà thờ họ.
 
Trong bảng lảng khói hương, các bậc cao niên thành kính thắp nén hương thơm mời tổ tiên trở về chứng giám sự trưởng thành của con cháu. Sau thủ tục ấy, các bạn trẻ tự giác quây quần lại cùng nghe cha anh giới thiệu về lịch sử dòng họ, đặc biệt là ngôi nhà thờ linh thiêng, nơi lưu giữ 15 bài thơ cổ. Trải qua nhiều biến động, nhà thờ dòng họ Nguyễn Đức vẫn trường tồn như một chứng nhân lịch sử.
 
Hầu như lúc nào ông Nguyễn Đức Cư cũng kính cẩn đọc đôi câu đối trên tấm bình phong: “Thân trụ địa duy vạn cổ/ Giang phong sơn nguyệt thiên thu”(tạm dịch nghĩa: Trụ do thiên định có ở trời đất này từ xa xưa/ Cùng với gió trăng sông núi tồn tại mãi mãi).
 
Đối với ông Cư cũng như nhiều người con dòng họ Nguyễn Đức, đôi câu đối này thể hiện niềm tin của tổ tiên rằng ngôi nhà thờ cũng như linh hồn họ tộc sẽ sống mãi muôn đời. Vì vậy, ông rất hãnh diện khi góp sức gìn giữ công trình thiêng liêng này suốt 20 năm qua.
 
img
Những bài thơ cổ ở nhà thờ dòng họ Nguyễn Đức đã được dịch thuật và truyền lưu cho con cháu.
 
Thực tế, nhiều lần vợ con nhỏ to vận động ông vào TP. Hồ Chí Minh để đoàn tụ gia đình. Nhưng, hễ đi dăm ba ngày, ông Cư lại nóng ruột, nóng gan rồi khăng khăng quyết định trở về. Ông cho biết: “Con cháu dòng họ Nguyễn Đức dù bôn ba tứ xứ vẫn luôn giữ hình ảnh nhà thờ họ trong tim. Riêng tôi, ngôi nhà thờ 3 gian, 2 chái này là một phần tâm hồn”.
 
Lật lại quá khứ, nhà thờ dòng họ Nguyễn Đức được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ XIII (1832). Cụm kiến trúc có bình phong, tường bao quanh, chính điện gồm lầu Ngọ Môn, thành và trụ biểu... Gia phả dòng họ Nguyễn Đức ghi rõ: “Năm Minh Mạng, thập niên, nhị nguyệt, tam thập nhật – tức là vào ngày 13 tháng 2 năm Kỷ Sửu 1829, hội đồng bổn tộc đã lập biên bản thiết niệm thành tâm, đóng góp ngân quỹ để xây dựng nơi thờ phụng tổ tông”.
 

PGS. Tiến sĩ Nguyễn Tá Nhí và Tiến sĩ Hoàng Hồng Cẩm (công tác tại Viện nghiên cứu Hán - Nôm) khi dịch thuật các bài thơ này đã thốt lên: “Không cần tìm đâu xa, đây chính là kho báu văn hóa”.

Linh ứng với câu đối trên tấm bình phong, nhà thờ dòng họ Nguyễn Đức luôn đứng vững dù trải nhiều sóng gió và trở thành nơi che chở dân nghèo. Các bậc cao niên trong họ đến giờ vẫn nhắc lại câu chuyện về trận lũ lịch sử tháng 10 năm 1970. Khi nước dâng thành bể, bà con đã kịp dùng tre làm sàn sát nóc nhà, ngồi tránh lũ. Các bức tường của nhà thờ cũng bị phá sập để ghe thuyền đưa người vào bên trong. Nhờ vậy, hàng trăm người dân làng An Thơ thời bấy giờ đã được cứu sống. Nhà thờ dòng họ Nguyễn Đức đã cũng che chở nhiều thế hệ người dân làng An Thơ trong những trận lũ lớn năm 1924, 1955, 1970 và 1971.
 
img
Mỗi đồ vật trong nhà thờ họ Nguyễn Đức đều gắn với một câu chuyện lịch sử.
 
Trải qua bao sự tàn khốc, ác liệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ nhà thờ dòng họ Nguyễn Đức vẫn đứng vững trước sức tàn phá của đạn bom. Ông Nguyễn Đức Đa, một vị cao niên trong họ kể lại: “Nhà thờ dòng họ mình từng bị giặc Pháp, giặc Mỹ và ngụy chiếm đóng. Dù nhà cửa người dân bị giặc đốt sạch nhưng nhà thờ chẳng bị hư hại gì. Năm 1968, giặc Mỹ hai lần thả bom xuống khu vực này, vậy mà nhà thờ vẫn đứng vững".
 
Lưu truyền thơ cổ

Trong chuyến viếng thăm nhà thờ dòng họ Nguyễn Đức, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến một cậu bé chỉ tay vào dòng thơ chữ Hán, đọc và giải thích rõ ràng ý tứ câu thơ cổ: “Phú quý bất dâm bần tiện lạc/ Nam nhi đáo thử thị hào hùng” (tạm dịch: Giàu sang chẳng phóng túng bừa bãi/ Trang nam nhi đến mức như thế thì thật hào hùng). Hỏi ra mới biết, bao giờ có dịp hội họp tại nhà thờ, những em bé đều được ông bà, cha mẹ hướng dẫn đọc và ân cần phân tích từng từ trong 15 bài thơ cổ. Thành nếp, các vần thơ in sâu trong tiềm thức các em, rất gần gũi nhưng không kém phần trang trọng.

15 bài thơ cổ viết theo thể Thất ngôn bát cú Đường luật chính là nét chấm phá đặc biệt trong tổng thể kiến trúc nhà thờ dòng họ Nguyễn Đức. Những bài thơ này được chạm khắc bằng chữ Hán, rất sắc nét. Mỗi bài nằm trên một bản gỗ mít, đặt ở phía dưới mái trước, bên trong nhà thờ. Ông Nguyễn Đức Tường, một người văn hay, chữ tốt trong họ giải thích thêm: “Nét khác lạ của những bài thơ này là cách trình bày dọc, đọc từ trên xuống dưới, hàng năm chữ, hàng ba chữ. Bố cục ấy giúp tránh được việc phạm luật phong thủy, thay vào đó ngụ ý nhắc nhở đến “tam cương, ngũ thường”.
 
Bên cạnh đó, tất cả bài thơ cổ nơi đây đều không có tên tác giả và nhan đề. Theo những người đứng tuổi trong họ, 15 bài thơ này có thể do các bậc am hiểu chữ Nho họ Nguyễn Đức sáng tác hoặc được tuyển tập từ những bài thơ xuất sắc thời bấy giờ. Đến nay, câu hỏi này vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.
 
Tuy nhiên, điều thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều thế hệ con cháu dòng họ Nguyễn Đức lại là hai chữ “Kỉnh họa” được khắc dưới bài thơ cổ - tức là mời mọi người đối đáp, viết thêm. Có lẽ vì thế mà con cháu họ Nguyễn Đức luôn nêu cao ý thức trong việc tìm hiểu cái hay, cái đẹp của từng bài thơ cổ và không ngừng trau dồi vốn hiểu biết để có thể viết tiếp những bài thơ tương xứng.

Dù phản ánh nhiều vấn đề khác nhau trong đời sống nhưng các bài thơ cổ ở nhà thờ dòng họ Nguyễn Đức đều hướng đến giáo dục con cháu cách đối nhân, xử thế. PGS. Tiến sĩ Nguyễn Tá Nhí và Tiến sĩ Hoàng Hồng Cẩm (công tác tại Viện nghiên cứu Hán - Nôm) khi dịch thuật các bài thơ này đã thốt lên: “Không cần tìm đâu xa, đây chính là kho báu văn hóa”. Hiểu giá trị ấy nên các câu thơ Hán vốn khá xa lạ với lớp trẻ ngày nay lại được con cháu dòng họ Nguyễn Đức khắc tạc vào tâm.

Những câu thơ như: “Tiên năng liễu tận thế gian sự/ Nhiên hậu phương ngôn xuất thế gian” (tạm dịch: Trước tiên hãy hiểu biết mọi việc trong thế gian/ Rồi sau mới nói đến việc ra khỏi thế gian), “Nhân sinh bất thức kì trung vị/ Cẩm tú y quan thổ dữ khôi” (tạm dịch: Sống trên đời chẳng biết ở trong đó có mùi vị gì/ Thì áo gấm mũ thuê cũng chỉ là đất với tro mà thôi)... đã trở thành phương châm sống của không ít bạn trẻ.
 
Em Nguyễn Đức Phúc, sinh viên năm 3, Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ: “Từ nhỏ, em đã được bố mẹ giới thiệu về các bài thơ cổ trong nhà thờ họ. Càng lớn, em lại hiểu thêm về những bài thơ ấy. Bây giờ, dù đi học xa quê nhưng em vẫn không quên những bài thơ cổ và luôn nhắc mình lấy đó làm bài học quý”.
 
Trải suốt 180 năm, dẫu được con cháu cố công gìn giữ nhưng những bài thơ cổ trong nhà thờ dòng họ Nguyễn Đức vẫn không tránh khỏi sự tác động của khí hậu miền Trung vốn nổi tiếng khắc nghiệt. Hiện tại, 4 bài thơ khắc chạm trên bản gỗ mít đã mờ nét. Đó cũng là nỗi trăn trở lớn của con cháu dòng họ Nguyễn Đức.
 
Trầm ngâm nhìn những nét thanh, nét đậm trên bài thơ cổ, ông Nguyễn Đức Đa chia sẻ: “Chúng tôi rất mong các sở, ban ngành có kế hoạch phục dựng, bảo tồn những bài thơ 180 năm tuổi này. Đó sẽ là tài sản văn hóa, tinh thần quý giá cho con cháu sau này. Mong rằng đôi câu đối trên tấm bình phong: “Thân trụ địa duy vạn cổ/ Giang phong sơn nguyệt thiên thu” sẽ mãi mãi trọn vẹn ý nghĩa”.
 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo