Các ngành chức năng đang quan sát pho tượng Phật bằng vàng.
Vào mùng 10 tháng Chạp (13-1-2011) khi mọi người đang tất bật công việc buôn bán cuối năm để chờ đón Tết Tân Mão 2011 thì nhóm môi giới cổ vật đưa pho tượng Phật từ Kiên Giang về cất giấu tại nhà bà Atyca (tổ 1, ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành). Đồng thời, hẹn với nhóm buôn bán cổ vật TP.Hồ Chí Minh giao hàng khoảng 9 giờ cùng ngày với giá 300.000 USD (khoảng 6,3 tỷ đồng-PV).
Ông Lê Văn Bốn, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 cho biết, nhận được tin báo của quần chúng, Đội Quản lý thị trường số 1 báo cáo khẩn cấp với lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường An Giang và được phân công nhiệm vụ ngăn chặn kịp thời. Khoảng 7 giờ 30 phút ngày 13-01-2011, lực lượng Quản lý thị trường có mặt tại hiện trường với sự hỗ trợ của Công an xã Vĩnh Hanh và Công an huyện Châu Thành tiến hành kiểm tra nhà bà Atyca, phát hiện pho tượng Phật bằng vàng cất giấu cạnh tủ chén trong nhà bếp, phủ tấm vải che kín. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm quả tang, niêm phong pho tượng trước sự chính kiến của chính quyền và nhân dân địa phương.
Ngành chức năng đã tạm giữ pho tượng Phật bằng vàng và mời nhóm môi giới cùng với chủ nhà về Công an huyện để làm rõ vụ việc. Theo lời khai của nhóm môi giới, pho tượng Phật này có nguồn gốc từ Thái Lan, do một ngư dân ở Kiên Giang đánh cá trên vịnh Thái Lan vớt được. Sau đó, pho tượng được trao đổi, mua bán qua nhiều người, chủ hàng cuối cùng (theo nhóm môi giới) là một người đàn ông trạc tuổi 50, không rõ họ tên, địa chỉ nơi cư trú… nhờ nhóm môi giới vận chuyển về cất giấu tại nhà bà Atyca.
Nhóm môi giới cổ vật gồm bốn đối tượng (ba nữ và một nam) là bà Nguyễn Thị Minh Hương (sinh năm 1967, ngụ số 11, đường Mạc Cửu, phường Vĩnh Thanh, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang), ông Võ Quang Trạng (sinh năm 1958, ngụ ấp Tô Trung, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), bà Nguyễn Thị Ny (sinh năm 1970, ngụ ấp An Lộc, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) và bà Nguyễn Thị Năng (sinh năm 1967, ngụ khóm I, phường Châu Phú A, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang).
Các cơ quan chức năng xác định ban đầu, pho tượng Phật bằng kim loại vàng 14, cao 116 cm, vòng ngực 76 cm, vòng eo 85 cm, đường tròn đế 116 cm, cân nặng 81,9kg. Đặc điểm, hiện trạng mặt, ngực, hai tay và chân màu sậm, phần còn lại phủ sơn đen đã đóng rêu.
Đường vào làng Chăm Vĩnh Hanh đi theo đường Tỉnh lộ 941, đến cầu kênh Đào, rẽ trái qua cầu Dây, chạy cặp theo kênh Núi Chóc – Năng Gù vào khoảng 600 mét là đến nhà bà Atyca. Căn nhà tường có hàng rào kiên cố, được gia chủ khóa cổng cận thận, hầu như quanh năm đều đóng cửa im ỉm.
Ông Nguyễn Văn Tượng, Trưởng ban nhân dân ấp Vĩnh Hòa cho biết: Vợ chồng bà Atyca làm đại lý phân phối bếp gas và quanh năm đi buôn bán ở xứ người. Việc bà Atyca thân thiết và cho nhóm người môi giới cổ vật gởi pho tượng tại nhà, chồng bà Atyca không hề hay biết và sau khi bị ngành chức năng phát hiện, ông đã phản ứng với vợ rất dữ.
Còn theo Giáo cả Chàm Du Số: Người Chăm theo đạo Hồi nên không chấp nhận việc đưa tượng Phật vào làng mình, việc cất giữ trong nhà của dân làng Chăm càng không nên. Làng Chăm có 176 hộ, chiếm 50% tổng số hộ dân ấp Vĩnh Hòa, đa số làm nghề buôn bán phương xa, đến các dịp lễ lớn của người Chăm hay Tết cổ truyền dân tộc, họ mới về sum họp gia đình. Chúng tôi luôn giáo dục cộng đồng trong làng làm ăn chân chính, dù đi buôn bán xa xứ, tuyệt đối không được vi phạm pháp luật- giáo cả Chàm Du Số nói.
Ngày 15-2-2011, Chi cục Quản lý thị trường An Giang đã mời Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Bảo tàng, Sở Tài chính, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ- Công an tỉnh để khảo sát sơ bộ về pho tượng Phật. Quan sát ban đầu cho thấy, nhóm buôn bán cổ vật đã lấy mẫu ở đế và vạt áo để thử chất lượng vàng.
Về thông tin “pho tượng Phật được vớt lên từ vịnh Thái Lan”, theo nguyên lý, các đồ vật nằm lâu dưới đáy biển sẽ có dấu hà đóng vào, màu sơn hoặc mạ xi sẽ bị nước biển ăn mòn. Tuy nhiên, khi quan sát kỹ cả mặt ngoài và mặt trong pho tượng Phật này chỉ bị dính chút ít bùn đất.
Về cấu trúc, ông Ngô Quang Láng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch nhận định, kỹ thuật đúc định hình bên trong, sau đó đắp khối bên ngoài để tạo tác nên có khả năng là cổ vật. Nhận định về chất liệu tượng Phật, theo ông Nguyễn Minh Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, có khả năng là chất liệu đồng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải giám định kỹ chất liệu của pho tượng.
Ông Nguyễn Ái Việt, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường yêu cầu các khâu giám định cần phải bảo vệ nguyên vẹn tượng cổ, không làm hư hại. Bởi pho tượng Phật còn liên quan đến yếu tố tinh thần, phải tôn trọng tính ngưỡng tâm linh.
Ông Ngô Quang Láng đồng tình với việc thành lập Hội đồng giám định chất liệu pho tượng, giám định niên đại, khối lượng… để có biện pháp bản tồn cổ vật.
Bình luận (0)