Ngày 7-9, gia đình nạn nhân tổ chức đám tang cho bà Nguyễn Thị Huệ, 68 tuổi, ở số nhà 30/7 kiệt 38, đường Lê Thánh Tôn, TP. Huế. Theo anh Tường, người nhà nạn nhân cho biết, sáng 15-8, bà Huệ đi chợ Sép mua cá ngát về nấu bữa ăn trưa. Trong lúc đang làm, do bất cẩn nên bà bị cá ngát đâm phải vào ngón tay.
Sau khi bị đâm, thấy sức khỏe trong người thay đổi, bà được cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng hôn mê, toàn thân tím tái, tay bị sưng. Tại đây, bà Huệ phải thay máu 4 lần với số tiền điều trị hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, do cá ngát có nọc độc nên bà bị nhiễm trùng máu, sau hơn 3 tuần điều trị tại bệnh viện thì bà Huệ đã tử vong.
Ở Việt Nam, việc cá ngát đâm chết người là rất hy hữu. Ngày 24-5-2012, Bệnh viện Việt Nam-Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) cũng tiếp nhận một bệnh nhân nam tên N.V.K. (30 tuổi, ngụ xã Bảo Ninh-TP Đồng Hới) được đưa vào cấp cứu do bị cá ngát đâm gây nhiễm trùng độc ở chân. Do bệnh quá nặng lại đưa vào cấp cứu muộn nên anh K. đã tử vong.
Những người dân sống gần nhà bà Huệ cho biết cá ngát là loài cá da trơn, giống cá trê nước ngọt, có 2 ngạnh cứng nhọn ở hai bên mang rất độc nên có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người nếu không kịp thời xử lý khi bị đâm.
Theo một bác sĩ ở Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Huế, cá Ngát có nọc rất độc và tập trung nhiều ở những đầu ngạnh. Do đó, khi nọc độc của cá đã thấm sâu vào trong cơ thể thì sức khỏe bệnh nhân diễn biến rất nhanh theo chiều hướng xấu, dẫn đến tử vong.
Bình luận (0)