Dưới hàng ghế sau vành móng ngựa, bà Ngô Thị Tám, mẹ bị cáo đang lặng lẽ lau vội những giọt nước mắt. Nước mắt bà tưởng đã cạn khô vì những năm tháng sống trong khổ đau bởi sự bạo hành của người chồng, nay lại trào ra khi hứng chịu nỗi đau tột cùng bởi con trai bà chính là thủ phạm giết cha…
Năm 1992, 3 năm sau khi kết hôn, ông Lê Văn Tây (cha Phương) cùng vợ chí thú làm ăn, cố gắng vun vén, xây đắp tổ ấm gia đình. Thời gian trôi qua, Phương và em gái lần lượt chào đời. Ông Tây rất cưng chiều con trai, đi đâu, làm gì cũng dắt Phương theo. Do sức khỏe yếu, thường xuyên nghỉ học nên không theo kịp bài vở, Phương đâm ra chán nản, cố gắng học hết lớp 11 thì nghỉ, ở nhà phụ mẹ buôn bán.
Khoảng năm 2010, ông Tây thường bỏ bê việc gia đình và tụ tập nhậu nhẹt với những người đàn ông ăn chơi trong xóm. Không dừng lại ở đó, ông Tây còn quan hệ bất chính với một phụ nữ. Cũng từ đó, ông thường bỏ nhà đi biệt, vài tháng mới về một lần.
Đầu năm 2012, ông Tây về nhà và bất ngờ đòi chia tài sản. Sau đó, mỗi lần đi nhậu về, ông lớn tiếng chửi mắng vợ con và nằng nặc “điệp khúc” phân chia tài sản, với lý lẽ, căn nhà vợ con ông đang ở có phần công sức của ông.
Ở độ tuổi bắt đầu nhận thức được chuyện gia đình, Phương và em gái lớn lên trong cảnh thường xuyên chứng kiến và nghe những trận cự cãi của cha mẹ. Mỗi lần như thế, ông Tây lại bỏ nhà đi, mẹ Phương thì buồn bã, than thân trách phận bạc bẽo, đến mức phát bệnh.
Quá bức bối, khi bao nhiêu phẫn uất dồn nén bấy lâu lên đến đỉnh điểm làm nẩy sinh trong đầu Phương ý định táo bạo. Đêm 6-1-2013, như mọi khi, ông Tây đi nhậu về đến nhà thì bắt đầu la hét, quát tháo vợ.
Nghe tiếng cha mẹ cự cãi, Phương đi ra nhà trước khuyên can cha mẹ đừng lớn tiếng nữa, đã hơn 10 giờ khuya rồi, để bà con lối xóm yên giấc ngủ. Vừa nghe con trai nói thế, ông Tây chụp nhanh chai bia Sài Gòn đánh mạnh vào đầu Phương. Bị đánh vào đầu, Phương đau đớn ôm đầu, loạng choạng đứng dậy, định chạy ra nhà sau, chợt thấy con dao để trên bàn gần đó. Phương chụp lấy con dao, chém một nhát trúng vào vùng ngực ông Tây, rồi bỏ chạy.
Ông Tây say máu đuổi theo, tay cầm ghế nhựa đánh liên tục vào người Phương. Phương chạy vào nhà để nhờ sự trợ giúp của người thân. Vào đến nhà, Phương nhìn thấy con dao lúc nãy nằm trên mặt đất do Phương bỏ rơi lúc bị ông Tây đuổi theo. Trong hoàn cảnh bị cha dồn ép, cùng bao nhiêu bất nhẫn mà ông Tây đã gây ra cho mẹ con mình, Phương chụp lấy con dao đâm vào lưng ông Tây rồi tiếp tục bỏ chạy.
Ông Tây đuổi theo Phương được vài bước chân thì ngã xuống và bất tỉnh. Khi hay tin cha chết ở bệnh viện, Phương đã cùng cậu ruột đến Công an phường Phước Thới, quận Ô Môn để đầu thú.
Những giọt nước mắt khóc chồng đã mất, khóc con đang đứng trước vành móng ngựa và có lẽ bà Tám đang khóc cho hoàn cảnh bi thương của gia đình. Đứng trước vành móng ngựa, bị cáo Phương cũng cúi gằm, mặc cho những giọt nước mắt tuôn rơi. HĐXX hỏi: “Khi bị cha đánh, bị cáo có thể bỏ chạy, sao lại nỡ cầm dao đâm cha?”. Bị cáo Phương nghẹn ngào trả lời: “Lúc đó, bị cáo không biết bản thân mình nghĩ gì? Bị cáo chỉ mong muốn cha không còn đi nhậu say xỉn, rồi về chửi mắng, đánh đập mẹ con bị cáo. Bị cáo rất hối hận vì đã lỡ tay giết chết cha mình. Nỗi đau này sẽ còn đeo mang, giày vò bị cáo trong suốt quãng đời còn lại”.
Vị chánh án HĐXX phân tích: “Bị cáo đã gây ra tội lỗi. Dù gì thì đó cũng là người sinh thành và nuôi dưỡng bị cáo đến khi khôn lớn, trưởng thành. Mạng người là vô giá, đằng này lại là cha ruột của bị cáo. Vì vậy, bị cáo phải bị cách ly khỏi cộng đồng xã hội, đủ thời gian ăn năn, hối lỗi, cải tạo tốt, để có cơ hội rút ngắn thời gian tù tội, về với gia đình”. HĐXX quyết định, tuyên phạt bị cáo Phương 10 năm tù về tội giết người.
Ông Lê Văn Năm, ông nội của Phương, cho biết: Tôi sinh con nên tôi hiểu tính nết của nó. Nhiều lần tôi khuyên bảo nó về nhà tu tỉnh làm ăn, lo cho vợ con. Thế nhưng nó vẫn chứng nào tật nấy. Ở gần nhà nó nên tôi thường chứng kiến, mỗi lần say xỉn, nó về nhà chửi mắng, đánh đập vợ con. Tôi cũng có lỗi vì không khuyên dạy được con, để xảy ra thảm cảnh đau lòng ngày hôm nay…”. Ông Năm xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho cháu nội, để Phương sớm trở về nhà, phụ tiếp mẹ nuôi em.
Gia đình là tế bào của xã hội, câu nói thể hiện vai trò quan trọng của gia đình, đặc biệt của cha mẹ trong giáo dục con cái. Cha mẹ không chỉ có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dạy mà còn là tấm gương để các con học tập, noi theo. Giá như ông Tây làm tròn bổn phận của người chồng, người cha thì có lẽ vợ con và những người thân của ông sẽ không phải gánh chịu nỗi đau mất mát, thảm kịch đau lòng và miệng đời mãi gièm pha.
Bình luận (0)