Chỉ mới tờ mờ sáng, chị Trần Thị Thu Cúc, một bạn hàng ở chợ Cây Mít, xã Nhơn Hưng (Tịnh Biên) đã cân được đầy rọng rắn từ người đánh bắt tại cánh đồng ven biên. Năm nào cũng vậy, hễ con nước tràn đồng là vựa của chị Cúc bày bán đầy đủ các sản vật miệt đồng. Mua riết quen mặt, thấy chúng tôi chạy xe ngang qua chị mời chào rôm rả: “Hôm nay có rắn bông súng mập, mới cân, mua đi ngon lắm!”.
Chị Cúc cho biết: “Hổm rày, rắn đồng được đánh bắt khá hơn so với năm ngoái. Bình quân mỗi ngày, vựa của tôi cân hơn 100kg rắn các loại, như: Rắn bông súng, rắn nước, rắn trun và hổ hành. Mỗi loại có giá khác nhau, ví dụ như: Rắn nước 70.000 đồng/kg, rắn bông súng cỡ 300gram/con, có giá 120.000 đồng/kg, còn rắn trun và hổ hành 150.000-200.000 đồng/kg.
Ở đây bán giá gốc như vầy chứ rắn được chuyển về các chợ đầu mối thì có giá cao hơn. Chỉ có mùa lũ mới có loại rắn ngon và giá rẻ, nếu lọt qua tháng 11, 12 thì rắn sẽ có giá đắt đỏ”.
Cũng tại vùng ven biên huyện An Phú, nhiều chủ vựa chuyên thu mua rắn đồng ở xã Vĩnh Hội Đông cho hay, mặt hàng rắn đồng năm nay từ Campuchia chuyển sang nhiều. Hầu hết, nguồn rắn được cư dân nước bạn đánh bắt được đem sang bán. Ngoài bán rắn sống, bạn hàng ở huyện đầu nguồn An Phú còn bày bán các loại khô rắn, một đặc sản ở vùng biên giới. Khô rắn rất ngon vì đã được rút xương và ướp thêm gia vị vừa ăn, mỗi ký có giá từ 300.000-350.000 đồng.

Buổi trưa, đi dọc biên giới xã Khánh An (An Phú) sẽ thấy hết cảnh nhộn nhịp của những vựa buôn ốc đồng mùa nước nổi. Từ cánh đồng lũ xã Pet Chray, huyện Kohthum, tỉnh Kandal (Campuchia), hàng chục chiếc xuồng cui, vỏ lãi chở ốc khẳm đừ băng sang sông Bình Di cân giao cho thương lái. Tính đến nay, bà Đỗ Thị Lẹ đã có hơn 20 năm trong nghề buôn ốc đồng mùa nước nổi tại vùng biên giới này.
Bà nói, mặt hàng ốc đồng tại đây chủ yếu là ốc bươu, ốc lác, ốc hương có từ đầu tháng 6 âm lịch chủ yếu dân nghèo ở đây sang Campuchia khai thác. Bên cạnh đó, cũng có rất đông thương lái Campuchia sang bán ốc. Theo ước lượng hằng ngày, vựa ốc của bà Lẹ thu mua khoảng 8-10 tấn ốc các loại. “Hiện nay, thương lái ở tận các huyện xa của tỉnh Kandal thu mua, chuyển ốc xuống các vựa dưới này rất đông. Bởi lẽ, đường sá gần, ít tốn kém chi phí và mau hơn vận chuyển ngược lên Phnom Penh.
Năm nay lũ cao hơn năm ngoái, tạo điều kiện cho dân nghèo làm ăn và có thu nhập ổn định. Hiện tại, mỗi ngày tại vựa ốc của tôi, có trên 30 đầu xuồng đem ốc đồng lại cân. Sau đó, ốc được phân loại lớn nhỏ, rồi vận chuyển xuống chợ Long Xuyên, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh và miền Đông. Đặc biệt, các nhà hàng trong và ngoài tỉnh, kể cả thị trường TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng rất ưa chuộng và tiêu thụ mạnh, với giá khoảng 10.000-15.000 đồng/kg (ốc loại I)…”- bà Lẹ cho biết.
Vào buổi chiều, ở Cửa khẩu Vĩnh Hội Đông, hàng chục chiếc xuồng cui khẳm đừ từ cánh đồng chở cua về cân cho bạn hàng. Theo tư thương Nguyễn Hồng Thanh, cua đồng mùa lũ có giá dao động từ 10.000-15.000 đồng/kg (để nguyên càng). Ở đây, mỗi ngày có đến 4-5 thương lái đến cân cua chuyển bằng xe tải hàng chục tấn đem giao cho các chợ đầu mối.
Cua đồng dân nghèo đặt lọp nên mặt cua to và tốt hơn so với cua đặt đú. Bình quân, mỗi đầu xuồng đặt được khoảng 50kg cua/ngày, bỏ sở hụi cũng kiếm được trên 300.000 đồng. Nếu người nào không có điều kiện mua phương tiện, dụng cụ đi đặt, bạn hàng cho ứng tiền trước sắm xuồng, lọp sau đó trả dần…
Chỉ mới đầu mùa lũ mà không khí làm ăn của bà con có vẻ chộn rộn hơn. Năm nay “lũ đẹp”, là cơ hội để dân nghèo và bạn hàng có thu nhập ổn định.
Bình luận (0)