Cá thài bai có hai loại, đều có màu vàng nhạt như cá bống cát, phân biệt nhau bằng một vệt đỏ sẫm chạy dài trên sóng lưng. Người ta bảo rằng, cá thài bai trưởng thành đẻ trứng ở thượng nguồn, trứng cá theo dòng nước trôi về phía biển. Đến vùng “nước chè hai” ở cửa sông thì kịp lúc vào xuân, thời tiết trở nên ấm áp, trứng nở thành cá con, nhanh chóng kết đàn theo bản năng để bắt đầu cuộc hành trình quay ngược dòng nước chảy.
Cũng vào lúc này, một số loài chim quen ăn cá nước ngọt (cò, bói cá, hoắc nước…) và một số loài cá sông như cá hanh, cá đối cũng quần tụ theo đường di chuyển của đàn cá thài bai để kiếm mồi.
Để bắt cá thài bai, người ta chọn những vùng bờ sông nhiều cát, bằng phẳng, dùng một vật dụng gọi là “trang” kéo cát be thành bờ, cách mép nước chừng 3 – 5 mét, tạo ra những con lạch nhỏ, men theo bờ sông, sâu xâm xấp cổ chân, dài chừng 10 m đến 30 m, tùy theo địa hình, rồi dựng “đăng”, đặt “đó” để bẩy cá.
Bầy cá thài bai trên đường di chuyển dựa vào những lạch nước nhân tạo nầy để bơi lên cho dễ dàng, gặp vùng sông êm và rộng thì tụ lại qua đêm.
Tảng sáng, người ta cho hạ bớt mực nước trong lạch bằng cách hạn chế nguồn nước chảy vào, mở rộng lối nước ra, khiến bầy cá vội vàng ngược dòng chảy theo bản năng, men theo các tấm đăng đã dựng sẵn rồi chui vào chiếc đó.
Bờ sông phía tây bến Tam Thương bên hữu ngạn và bãi Ân Phú bên tả ngạn là những nơi lý tưởng để be cát thành lạch bắt cá thài bai.
Quy trình bắt cá nghe có vẻ đơn giản, dụng cụ rẻ tiền, song đó lại là việc của một số ít người giàu kinh nghiệm, nắm bắt được tập tính sinh sống và di chuyển của đàn cá, địa hình của dòng sông.
Mùa xuân, nước sông Trà Khúc trong xanh, chỉ nhìn thoáng thấy bóng người phản chiếu trong dòng nước hoặc có tiếng động mạnh là đàn cá nhanh chóng tản ra xa. Lạch nước nhân tạo quá sâu hoặc quá cạn, dòng nước chảy không êm thì cá chẳng chịu vào.
Chiếc “đó” bẫy cá phải đan thật khéo với những nan tre mảnh, chuốt mịn, chừa lỗ thoát nước đều để dẫn dụ đàn cá bơi vào và dày nan khiến cá không thể thoát ra ngoài.
Vì vậy, dù đến ngày mùa, lượng cá thài bai bắt được vẫn không nhiều, nên thật khó để người ở xa vùng hạ lưu sông Trà Khúc có thể thưởng thức được những món ăn độc đáo chế biến từ giống cá này.
Người dân đôi bờ sông Trà Khúc thường chế biến cá thài bai bằng cách chiên dầu để xúc bánh tráng và đặc biệt là làm món chưng với trứng gà. Trong khi món chiên dầu phổ biến, ít tốn thời gian, phù hợp với bữa ăn của người bình dân, thì món chưng trứng gà có vẻ cầu kỳ, mang cốt cách của những người sành điệu.
Khi các ông chồng mang mớ cá thài bai từ ngoài sông về, việc đầu tiên của các bà nội trợ là nhặt hết tạp chất, rửa sạch rồi cho vào rổ tre, thêm ít muối để xóc cho hết nhớt trước khi đem ướp cá bằng mắm muối và các loại gia vị.
Nếu làm món chiên, các bà đặt chảo dầu phụng lên bếp, phi hành lấy mùi thơm khi chảo dầu đang sôi, sau đó cho cá vào rồi hạ lửa riu riu, thêm ít tiêu giã mịn, mấy củ nén đập giập, để khoảng 10 phút là cá vừa chín tới.
Cá thài bai chiên dầu có thể ăn với cơm, thích hơn thì xúc bằng bánh tráng mè nướng chín. Trong bữa cơm đạm bạc của người bình dân, một nhúm nhỏ cá thài bai chiên dầu cũng là nguyên liệu đủ cho trã dưa cải kho chua chua mặn mặn, hoặc nồi canh rau muống ngọt lừ.
Để làm món cá thài bai chưng trứng, các bà đem mớ cá đã chiên dầu cho vào một tô lớn. Đập mấy quả trứng gà, lọc lấy tròng đỏ đưa vào một tô khác rồi đánh lên thật đều, gia thêm hành tím xắt mỏng.
Tô lòng đỏ trứng lại được trộn vào tô cá chiên rồi đem chưng cách thủy. Chừng hơn 5 phút thì hạ nồi xuống, mở nắp vung, một mùi thơm khó tả nhè nhẹ lan ra theo làn hơi mỏng manh bốc lên trên miệng nồi khiến khứu giác người sành ẩm thực phải đê mê.
Đĩa cá thài bai chưng trứng gà, nậm rượu gạo Bạch Liên sực nức mùi thơm, vài ba người bạn tâm giao miên man câu chuyện ngỡ như không bao giờ vơi cạn về một vùng sông nước hữu tình là hình ảnh thân thuộc, yêu thương của những miền quê gắn với bến nước sông Trà, gắn với câu hò ông câu, bà lữ…
Bình luận (0)