Ngang dọc cái bang
Muốn viếng chùa Hang, khách du lịch phải bước… qua lớp lớp “đệ tử cái bang” ăn mặc vá víu, ra vẻ rách rưới, ngồi dọc lối đi, tay đưa, nón giở xin tiền. Trong số họ, có không ít cụ ông, cụ bà. Họ ngồi thành hàng nơi bậc thềm, mũ, nón để trước mặt, miệng liên tục lẩm nhẩm những câu kêu gọi lòng bác ái. Khắc khổ và “nghèo” nhất trong số này, có lẽ là bà Lê Thị N. Bà N. gia nhập “cái bang” lúc lục tuần, đã hơn 10 năm lặn lội khắp các chùa chiền lớn nhỏ ở phương Nam, đến nay, sức cùng lực tận, bà trở về chùa Hang “kiếm sống”.
Hoạt động mạnh nhất là các “tiểu cái bang”. Đó là hàng chục đứa trẻ trai, gái, từ 3 - 7 tuổi, đầu tóc bời xời, da rám nắng, quần áo lấm lem, đứng ngồi chen chúc dọc lối đi. Khi có người đi qua, chúng tranh nhau giơ tay nài nỉ, xin tiền.
Anh Lưu Bá Ất, bảo vệ chùa nói “Đây là những đứa trẻ ở làng Bình Thạnh. Chúng đông quá đến nỗi, mình là người làng mà không biết hết tên chúng. Thứ bảy, chủ nhật là chúng tụ tập về đây, bám khách xin tiền”. Rất nhiều du khách phải chôn chân trước sự bao vây của đội quân ăn mày nhí.
Bà T., chủ hàng nước giải khát nói: “Ăn mày cửa Phật, nhiều quá! Là người dân Bình Thạnh, tôi biết mấy đứa trẻ này không phải là con của những gia đình nghèo khổ, mồ côi. Cha mẹ chúng ăn nên làm ra, nhưng lại cho con đến cửa chùa ăn xin… Nói người ta ghét, thấy chúng bao vây người viếng cảnh chùa là tôi không chịu nỗi”. Bà T., cho biết, trong số người xin ăn cũng có người hoàn cảnh đáng thương như 3 mẹ con chị Nguyễn Thị Chín ở Cây Cà, xã Phong Phú. Mấy năm trước, chị Chín sinh đôi 2 bé gái, nhưng cả hai đều bị tật bẩm sinh.
Gánh nặng nghèo khó trút lên đôi vai vợ chồng không nghề nghiệp ổn định. Người chồng tha phương làm thuê, còn 3 mẹ con chị nương nhờ cửa Phật, kiếm sống. Khi chúng tôi đến, chị Chín đang chạy bán dạo từng chai nước ở đâu đó, còn 2 đứa trẻ lăn lóc ở bậc thềm cửa Phật. Nhiều du khách cảm thương cho tiền, nhưng chúng quá nhỏ để nhận biết, cầm tiền chơi một lúc rồi vứt. Bà T., vừa bán hàng vừa trông hai đứa trẻ, mỗi khi ai đó cho tiền là bà cầm giúp, chờ mẹ nó về đưa lại.
Rảo bước trong khu vực chùa hang, chúng tôi thấy người viếng cảnh chùa, ngại nhất cái bang choai choai. Số này tập trung đông nhất trước sân chùa, chờ khách lễ phật xong, là xốc tới, nài nỉ đưa đi thăm cảnh. Chúng tỏ ra nhiệt tình làm “hướng dẫn viên du lịch”, nhưng kỳ thực là “buộc” khách để mình làm việc ấy. Xong việc, nếu khách trả tiền ít, chúng liền văng tục, chửi thề bất kể khách đáng bậc cha mẹ.
Tôi đã có dịp chứng kiến một cậu bé ngồi trên ghế đá, bành chiếc mủ đen kịt ra đếm, xếp lại những đồng bạc lẻ. Thấy một nhóm khách bước qua cổng chùa, cậu ta liền đứng dậy, chạy sấn tới, nắm tay khách, miệng liếng thoắng, tay chỉ trỏ, làm cả nhóm khách du lịch khựng lại. Một vị khách ra sức giải thích, nhưng cậu này vẫn bám theo nhì nhằng, đến khi không chịu nổi, vị khách phải rút tiền cho cậu ta để được yên thân.
Du khách than phiền !
Việc có quá nhiều đệ tử cái bang khiến cho nhiều người khó mà biết đâu là thật, đâu là giả. Bà Nguyễn Thị Diễm, một du khách từ Tp.HCM ra, bức xúc: “Người ăn xin nhiều quá… Chúng tôi thông cảm với người thật sự hoàn cảnh khó khăn, mất sức lao động, nhưng còn người hoàn toàn khỏe mạnh nhưng không hiểu sao vẫn cứ đi xin?”. Không chỉ bà Diễm, mà còn nhiều khách du lịch rất phiền lòng, không thật sự thoải mái, bởi đi đâu, làm gì cũng bị đội quân cái bang vây lấy xin tiền…
Trước đây, địa phương đã đôi lần dẹp loạn cái bang. Những người già đưa về Trung tâm bảo trợ xã hội, trẻ em giao lại cho gia đình giáo dục, quản lý. Không hiểu sao, một thời gian họ lại xuất hiện tại chùa, với số luợng đông hơn. Có lẽ đã đến lúc, chính quyền địa phương cần có giải pháp mạnh, để Khu du lịch chùa Hang trở lại là hình ảnh đẹp, văn minh trong lòng du khách.
Bình luận (0)