Cận cảnh nấm độc có tên “nấm hòm”
Chuyến đi công tác về xã vùng cao An Toàn thuộc huyện An Lão vừa qua, sau 1 đêm nghỉ nhờ tại nhà 1 người dân địa phương, sáng ra tôi thấy trên sàn ván của ngôi nhà sàn đang phơi 1 số sản phẩm phụ dưới tán rừng. Hỏi ra thì được chủ nhà cho biết: “Đây là trái sa nhân, kia là nấm linh chi, mấy bó này là vỏ quế”. Tôi chỉ tay về những chiếc nấm màu đen sì, cả thân nấm khá dài cũng màu đen đang được phơi trên 1 chiếc bao ni-lon nằm cách biệt phía xa xa, hỏi: “Chắc loại nấm kia quí hiếm lắm hay sao mà phải phơi riêng rẻ ra vậy?”. Anh chủ nhà cười: “Hiếm gì mà quí, đó là loại nấm cực độc, ăn vào là chết ngay đó!”. Tôi trố mắt kinh ngạc: “Vậy thì hái phơi làm gì?”.
“Để bán, có người mua thì mình hái bán. Biết nó độc mình không ăn là được, còn nếu có người mua thì mình cứ hái bán kiếm tiền chứ!”, anh chủ nhà nói như không có gì phải lo lắng.
Hỏi thăm thêm nhiều đồng bào dân tộc Bana khác tại thôn 2 (xã An Toàn), tất cả người dân địa phương đều khẳng định đó là loại nấm cực độc, có tên gọi là “nấm hòm”. Họ giải thích: “Ai ăn phải nó thì chắc chắn sau đó phải vào hòm (quan tài) nên nó được đặt tên là… nấm hòm”. Nấm hòm mọc nhan nhản khắp nơi trong cánh rừng đặc dụng An Toàn, nhất là tại các khu vực ẩm ướt.
Trước đây, người dân địa phương vào rừng thấy nấm hòm là tránh xa, nhưng bây giờ họ không bỏ lỡ cơ hội, hái ngay cho vào 1 túi riêng rồi bỏ vào gùi để khỏi lẫn lộn với các sản phẩm khác của rừng. Sau khi được phơi khô, nấm hòm được bán với giá 30.000đ/kg. Nếu ai ngại phơi nấm độc trong nhà thì cứ mang nấm tươi đến điểm thu mua đặt tại thôn 2, xã An Toàn để đổi mì tôm, thuốc lá hoặc mấy xị rượu.
Nấm hòm có mùi hăng hắc rất khó chịu.
Chị L., 1 người chuyên thu mua lâm sản phụ dưới tán rừng của người dân địa phương, cho biết: “Nấm hòm còn tươi vừa mang từ rừng về cũng có màu đen sì như khi nó đã khô. Sau khi phơi, những cái nấm không teo lại nhỏ hơn là mấy, nấm tươi chỉ nhẹ hơn nấm khô chút đỉnh”.
Lúc vốc những chiếc nấm vào 2 tay để chụp hình, tôi nghe 1 mùi hăng hắc nồng xộc vào mũi rất khó chịu. Ngay sau đó, chị L. bảo tôi phải đi rửa tay ngay chứ không thì nguy hiểm. Cái mùi hăng hắc của những chiếc nấm hòm còn theo tôi dai dẳng suốt ngày hôm ấy với cảm giác rất khó chịu.
Cũng theo chị L., sau khi thu mua được số lượng kha khá nấm hòm khô, chị mang về xã Hoài Tân (Hoài Nhơn) để bán cho đại lý thu mua của ông Sơn. Rồi từ đại lý này, nấm hòm được bán cho những thương lái chuyên buôn bán với các lái buôn người Trung Quốc.
Buôn bán nấm độc quả là 1 hiện tượng khá “độc”. Có lẽ các ngành chức năng và các cơ quan chuyên môn cần quan tâm đến chuyện mua bán nấm độc này. Trước mắt, cần ngăn chặn không để loại nấm độc này lưu thông trên thị trường để phòng trừ hậu họa.
Bình luận (0)