Canh măng rừng.
Ở Tây Nguyên, những vùng đất màu mỡ, người ta trồng cà phê, hoa màu. Vùng đất nào cằn cỗi, không có nguồn nước tưới, bị bỏ hoang thì trở thành nơi phát triển của tre rừng hoang dã. Mùa mưa, người ta chặt măng tre về để thay đổi khẩu vị trong bữa ăn. Măng tươi dùng không hết thì luộc, làm chua để dành. Hiện nay, nếu ăn canh măng chỉ được ăn măng nghịch vụ, đã qua sơ chế.
Măng rừng luộc hay làm chua có mùi hăng hăng, vị đăng đắng. Nếu không quen, thực khách khó nuốt nổi. Nhưng cứ ăn thử một vài miếng, khách đâm ghiền. Canh măng rừng nơi đây nấu khá giống canh mẳn của người Bắc, lai canh chua của miền Tây.
Canh chua măng rừng được nấu với cá hoặc thịt. Tận dụng nguồn cá tươi bắt được từ các hồ, các hàng quán thường nấu măng rừng với cá, ngon nhất là nấu với cá lăng. Canh măng rừng không dùng nhiều gia vị, chỉ với hương vị tự nhiên đã tạo ra vị độc đáo. Cái mùi hăng và vị đắng kết hợp với vị béo ngọt của cá tự nhiên thì không lẫn vào đâu được. Càng ít gia vị, món ăn càng ngon và mang tính riêng.
Băng rừng chinh phục con thác mệt bở hơi tai, giữa trưa đói bụng gặp món canh chua măng rừng thì khách ăn thỏa thích. Canh chua măng rừng ăn với cơm trắng - được nấu từ gạo nương thì hết ý. Người dân bản địa trồng lúa theo mùa, gần như không có thuốc trừ sâu, hóa chất. Năng suất không cao. Phần lớn là trồng để dùng gia đình chứ ít khi mang ra bán chợ. Vì thế, ăn được cơm nấu từ gạo nương là điều không phải ai cũng được hưởng.
Bình luận (0)