Quang cảnh câu cá bên hồ
Cái biển hiệu chỉ đường dựng bằng một cột đá, đứng tưng tửng bên đường dễ làm người ta bỏ qua, nhưng khi nhìn thấy nó rồi lại không chống nổi sự tò mò. Băng qua lối mòn nguyên thuỷ qua rừng thông thảm đầy những chiếc lá hình kim mượt mà, với những phướn chào mời, quảng cáo về Tập đoàn Liên Minh tạo cho người lạ chút cảm giác... lạc đường. Nhưng chiếc cổng vào hồ câu cá với lời mời gọi chân tình, nồng nhiệt sẽ hối thúc bước chân bạn hơn với những điều “quái” dần hiện...
“Cần thủ sẽ được thưởng xe SH nếu câu đủ 1.000 điểm (tương đương 1.000 giờ) và xe Toyota Vios nếu câu đủ 10 ngàn giờ đầu tiên”. Thông thường, người đi câu phải trả tiền cá (tượng trưng) cho số cá họ câu được, nhưng ở hồ Thủy Quái có “Chính sách tự nguyện trích thưởng cho các cần thủ”. Theo đó, khách được làm chủ những chú cá có trọng lượng từ 1-5kg do mình câu được. Cá bé dưới 1kg phải trả lại hồ. Cá trên 5kg cũng không được mang về, nhưng có thưởng tuỳ vào số cân nặng.
Hồ Thủy Quái là ý tưởng của các ông chủ trẻ lãnh đạo Tập đoàn Liên Minh, với tiêu chí là nơi thư giãn, giải trí sau những giờ làm việc bàn giấy, với những con số và các sự kiện. Các ông chủ trẻ cũng thường xuyên mời nhà đầu tư, chủ các doanh nghiệp đối tác đến thưởng thức cái vẻ hoang sơ, nhưng chẳng thiếu phần lãng mạn là câu cá, ngắm hoa, cắm trại dưới tán rừng thông, thưởng thức các món ăn giản dị: dưa, cà, rau, cá... Nhưng cũng bởi cái thú giải trí dân dã, mà hồ này thu hút khá nhiều cần thủ đủ mọi lứa tuổi, mọi giới.
Chủ nhật và các ngày lễ, có lẽ hồ Thủy Quái đông hơn bình thường, bởi cứ như hẹn trước, các ông chủ của Tập đoàn Liên Minh đều có mặt ở đây trò chuyện, hướng dẫn và vui đùa cùng khách, sẵn sàng sà xuống gỡ dây, bắt mồi, kể cả đào giun làm mồi câu cho khách...
Trong số những ông chủ của hồ Thủy Quái, Ngô Quang Phúc được cho là “quái” nhất, bởi cái vẻ ngoài lãng tử với mái tóc đuôi gà, khăn choàng, áo bành tô, giày tây... lịch lãm không lẫn được. Ông chủ Phúc vài năm nữa mới đến tuổi 40, đã gây dựng kinh doanh ở Đà Lạt nhiều năm rồi mà vẫn chưa thôi tha thiết với khung cảnh xứ núi: “Đà Lạt đẹp lắm chị ơi! Chỗ nào càng hoang sơ, nó càng đẹp. Chị hãy nhìn những bụi cỏ sậy bên hồ nước kia, những bông hoa dại kia... Chị đã bao giờ ngắm trăng khuya ở hồ Xuân Hương chưa? Trăng lung linh trên trời. Trăng long lanh dưới nước. Trăng lấp ló trong những tán thông... Đẹp lắm...!”.
Khung cảnh ở hồ Thủy Quái dễ làm người ta quên lãng những bản thu chi tính toán lời lỗ của thương trường: Nếu không nín thở hồi hộp dõi theo mồi câu đang lay động, hoặc vỡ oà mừng reo sung sướng vì một chú cá đã cắn câu; thì cũng có thể thả bước qua những vườn hoa hồng, cẩm chướng, đồng tiền... lúc nào cũng rực rỡ; lại có thể trêu trọc vài chú khỉ, hay nấn ná xem con trăn khổng lồ và lười biếng kia bao lâu mới duỗi mình, chớp mắt...; hoặc thong dong xem chơi các bài thơ ngẫu hứng của chủ nhân nhân lúc thăm thú các mồi câu của mình; hay chỉ đơn giản là thả hồn theo tiếng chim hót, ngắm nhìn khoảng rừng thông bao quanh hồ như che chắn, giữ gìn một không gian thật yên bình, thanh thản và “quái” ở nơi này.
Bình luận (0)