Lê Văn Tây (sinh năm 1974, ngụ TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp) bỏ quê sang xã Mỹ An thuê đất làm rẫy. Một thời gian sau, anh quen biết với Lê Văn Kiệt Anh (sinh năm 1980, bà con với Bình). Trong những buổi nhậu cùng Kiệt Anh, Tây cũng đã có dịp gặp mặt và nói chuyện với Bình. Nhưng không hiểu sao, Bình lại không thích Tây, dù cả hai chẳng có xích mích gì.
Chiều ngày 8-9-2012, cả gia đình Kiệt Anh tổ chức uống rượu, với sự có mặt của Nhanh, Bình, Lê Thị Nì (vợ Kiệt Anh) và nhiều người khác. Buổi nhậu kéo dài đến tối, từ rượu chuyển sang bia, từ trò chuyện chuyển sang hát karaoke và nhảy múa. Lúc ấy, ai cũng ngà ngà say. Kiệt Anh nổi hứng muốn mời Tây đến chơi cho vui.
Thấy bạn có lòng, Tây đồng ý tham gia, và trở thành người tỉnh nhất trong cuộc vui. Những người khác nhảy múa, ca hát một cách phấn khích vì hơi men. Tây cũng hòa nhập vào không khí ấy.
Nhưng Bình thì lại cho rằng có một vấn đề bất thường. “Tôi thấy Tây đứng nhảy múa cùng Nì, sợ vô ý đụng tay đụng chân, người ngoài nhìn vào sẽ đánh giá không hay. Lúc ấy, Kiệt Anh đã ra ngoài đi vệ sinh. Tôi ra hiệu cho Nhanh “xử lý” chuyện này, trước khi chồng Nì và người khác nhìn thấy. Nhanh chưa hiểu ý, hỏi lại: “Sao mà đánh nó?”. Tôi nói: “Đánh nó đi, có gì bác Út chịu!”. Nhanh không hỏi gì thêm nữa, bỏ ra ngoài. Tôi ngồi lại, tiếp tục quan sát hoạt động của mọi người” – Bình khai.
Nhanh và Bình trước vành móng ngựa
Với cái đầu ong ong vì rượu, Nhanh vừa đi vệ sinh, vừa nghĩ cách “xử” Tây theo lời bác Út. Khi trở vào, Nhanh đụng mặt Kiệt Anh nên cho hay: “Chút tao đánh thằng đó, ông Bình kêu”. Kiệt Anh không rõ ý của Nhanh, nhưng cũng vội gạt đi: “Mày đừng có tào lao à!”. Khi mọi người đã trở lại đông đủ nơi uống rượu, Nhanh quyết định hành động. Anh ta cầm cổ chai bia đang uống dở, đập thẳng lên đầu của Tây.
Tiếng “bụp” vang rõ to, khiến mọi người im bặt, quay lại. Tây ôm đầu la lớn, phía dưới chân là mảnh vụn của chai bia thủy tinh. Không biết người thanh niên vừa đánh mình là ai, vì lý do gì, Tây hỏi khi cơn đau vừa ập đến: “Sao mày đánh tao?”. Nhanh chưa kịp trả lời, Bình lên tiếng trước: “Tao xúi nó đó, mày làm gì tao?”.
“Tính tôi vốn hiền lành, không muốn đụng chạm đến ai nên không làm to chuyện nữa. Tôi ráng ôm đầu bước ra khỏi nhà, nhờ mấy người bạn đưa đi đến Trạm y tế xã Mỹ An. Sau khi được sơ cứu vết thương xong, tôi ghé lại trình báo Công an địa phương. Chẳng hiểu sao, tôi chợt thấy chóng mặt, hoa mắt, trong người rất khó chịu. Rồi tay chân cứ tê dần. Tôi lịm đi, không còn biết gì nữa. Khi tỉnh lại, tôi mới hay mình đã bị chấn thương sọ não.
Đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao Bình lại kêu Nhanh đánh tôi, tôi đâu làm gì có lỗi với họ? Vết thương mà họ gây ra vẫn chưa lành hẳn. Sức khỏe tôi bị giảm sút nghiêm trọng, không mang vác vật gì quá 10kg. Chưa kể, tôi phải điều trị tốn kém cả trăm triệu đồng.
Từ ngày tôi bị đánh đến nay, gia đình Bình không có thiện chí thăm hỏi, khắc phục hậu quả cho tôi, mà còn tỏ ý thách thức. Tôi chỉ mong Hội đồng xét xử tăng nặng hình phạt đối với Bình. Riêng Nhanh, do chỉ làm theo lời xúi giục của Bình nên tôi yêu cầu giảm nhẹ hình phạt cho Nhanh” - Tây chia sẻ.
Hậu quả, Nhanh và Bình đều bị truy tố về tội danh “Giết người”, phải ra đứng trước vành móng ngựa. Suốt phiên tòa, Nhanh như một cái bóng bên Bình: “Bác Út kêu đánh đi, có gì ổng chịu, nên bị cáo không suy nghĩ gì thêm. Sẵn trong mình có rượu, bị cáo chụp chai bia đánh Tây. Khi Tây bị chảy máu nhiều quá, bị cáo hoảng sợ chạy về nhà.
Thấy mẹ đang ăn cơm, bị cáo kể lại cho mẹ nghe chuyện vừa xảy ra. Mẹ bị cáo kêu trời: “Sao con đi nhậu rồi còn đánh nhau làm chi? Nhà mình nghèo khổ, con gây ra chuyện thì con phải gánh chứ có ai chịu cho con!”. Rồi cả hai mẹ con ôm nhau khóc. Bị cáo tỉnh rượu mới thấy hối hận quá, chỉ vì nghe lời người lớn mà làm bậy”.
Bình bối rối: “Thưa quý tòa, bị cáo chỉ có ý kêu Nhanh đánh dằn mặt Tây để Tây đừng đến gần em bị cáo nữa. Trong bữa nhậu đó, tất cả đều là người trong gia đình, chỉ có Tây là người lạ. Nếu xảy ra chuyện xấu, người ta cười chê cả dòng họ. Bị cáo muốn ngăn chặn lại, chứ đâu có ngờ Nhanh lại đánh Tây bằng chai bia”.
Hội đồng xét xử nhận định, Nhanh là người trực tiếp đánh Tây bằng hung khí nguy hiểm, có tính chất côn đồ nên bị khép vào tội danh “Giết người”. Bình dù không tham gia việc đánh Tây, nhưng lại dùng “câu nói nguy hiểm” xúi giục Nhanh hành động. Hậu quả xảy ra đến đâu thì Bình cũng phải chịu hậu quả đến đó giống như Nhanh, theo quy định của pháp luật. Xem xét tất cả các tình tiết trong vụ án, Tòa án nhân dân tỉnh quyết định xử phạt mỗi bị cáo 8 năm tù, đồng thời buộc cả hai phải liên đới bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.
Phiên tòa kết thúc, nhưng dường như sóng gió vẫn chưa kết thúc trong gia đình bị cáo. Một diễn biến khác xảy ra bên ngoài phòng xử án: Vợ chồng Nì bỏ ra một góc riêng để tránh tiếng chì tiếng bấc từ những người thân còn lại. Họ cho rằng, giá như hôm ấy Nì đừng “ham vui” quá, đừng tham gia nhậu nhẹt thì đã không có vụ án này. Giá như Kiệt Anh đừng gọi người lạ đến dự tiệc vui của gia đình, thì Bình chẳng phải “lo lắng”. Bình chỉ vì thương em, bênh em mà phải chịu tù tội khổ sở… Họ tìm đủ mọi lý lẽ để mắng nhiếc nhau, để đổ lỗi cho nhau. Chẳng biết những điều ấy có đúng không, vì đó là chuyện riêng của họ, nhưng tôi chợt nhận ra: Họ chỉ muốn bào chữa cho lỗi lầm của bị cáo, mà quên mất sự bất hạnh của người bị hại… Kiểu bênh vực mù quáng ấy sẽ đem lại điều gì tốt đẹp cho vụ án này?
Bình luận (0)