Băng qua khu đô thị mới của thị trấn Minh Tân (Kinh Môn, Hải Dương) với lô xô những ngôi biệt thự cao tầng hiện đại, tôi thật không thể tưởng tượng được trong xóm Hạ Chiểu 3 lại có gia cảnh nghèo đến thế. Trong căn nhà cấp 4 tồi tàn chẳng có gì đáng giá, cả 3 mẹ con chị K. đều đang ốm, mỗi người nằm một giường. Thấy chúng tôi đến, mẹ chị, bà Nh. - người duy nhất trong nhà còn lành lặn mệt nhọc trở dậy đón khách.
Chị Phạm Thị K. trở về từ bên kia biên giới với một bên chân bị liệt và mắc bệnh tâm thần
Tận cùng nỗi bất hạnh
Đã tiếp xúc với nhiều chị em bị lừa bán sang bên kia biên giới và tìm được đường trở về nhưng tôi chưa từng gặp hoàn cảnh nào nghiệt ngã như trường hợp chị K. Ngồi với khách một lát, chị K. lơ ngơ lết đi với một bên chân bị teo liệt - di chứng của vụ tai nạn ô tô mà chị không nhớ nổi đã xảy ra ở đâu - đảo lại đống vỏ mía đang phơi ngoài sân để làm cái đun nấu. Giọng bà Nh. khô khốc vì dường như bà đã khô hết nước mắt: “Ngày ra cửa khẩu đón con mà không thể tin vào mắt mình đó là đứa con tôi đã dứt ruột đẻ ra. Nó không còn ra hồn người nữa: tơi tả, lê lết và điên dại”. Với giọng kể đều đều không một chút biểu cảm, vậy mà bà khiến người nghe không khỏi xót xa khi hình dung nỗi đau của người mẹ ngày đón đứa con đã mất tích hàng chục năm bỗng bất ngờ trở về. “Tôi sinh được 5 người con. Nó (ý bà nói chị K.) sinh năm 1967, lớn lên rồi cũng lấy chồng, sinh con. Gia đình không hạnh phúc, vợ chồng nó chia tay. Lúc nó bị lừa bán là vào khoảng năm 1992 hay 1993, tôi cũng không nhớ rõ”. Sau này, trong những lúc tỉnh táo (không nhiều), chị K. kể lại với mẹ về chuyện đã bị bạn bè rủ đi làm rồi lừa bán sang Trung Quốc, chứ trước đó bà đã đi tìm con khắp nơi, đã có lúc tắt hết hy vọng vì nghĩ chị đã chết.
Chị bị bán làm vợ một người chồng Trung Quốc. Nhà chồng ở Quảng Đông, có nghề trồng mía. Chị phải đi trồng, chặt mía suốt ngày. Chị có sinh được 2 người con nhưng khi sinh con thứ nhất xong thì phát bệnh hoang tưởng. Suốt ngày đêm chị gào thét, hát hò. Hình như nhà chồng cũng cho chữa bệnh vì chị nhớ có vào ở viện với những người tâm thần. Sau đó, chắc không thể nuôi nổi, chồng chị đã gửi chị lên một chuyến xe đêm chạy về biên giới Việt Nam. Còn chuyện xuống xe ở đâu, bị ô tô đâm phải thế nào… chị không nhớ. Bà Nh. bảo, lúc ra đón con ở cửa khẩu, nghe những người dân làm ăn, sống quanh đó kể lại đã thấy chị lê lết lang thang nhiều ngày, quần áo rách rưới, đi nhặt đồ thừa để ăn, tối thì ngủ ở rìa suối… Một số người thương tình hỏi han, chị cũng dần nhớ ra quê, nhớ ra tên của mình. Từ đó, công an cửa khẩu mới có thông tin để chắp mối điện về cho mẹ ra đón.
Chị K. về nhà với một bên đùi dập nát, tâm thần hoảng loạn. Mẹ chị chạy chữa khắp nơi, chị mới bước lại được những bước tập tễnh. Nhưng cay đắng tiếp tục đổ xuống đầu mẹ chị bởi mỗi khi trái gió, trở trời, chị lên cơn hò hét, đập phá, chửi bới suốt ngày đêm. Có đợt giáp Tết Nguyên đán, chị bỏ nhà đi cả tháng trời khiến mẹ lặn lội khắp nơi tìm kiếm vì xót con lang thang, rét mướt. Bây giờ, nhà chị K. là hộ nghèo của thị trấn vì mẹ chị đã trên 75 tuổi, không có bất cứ nguồn thu nhập nào mà phải nuôi chị và một người em trai đang chạy thận nhân tạo. Mẹ con chị bữa đói, bữa no. Điều bà Nh. lo nhất là sau này khi không còn mẹ chị sẽ ra sao? Bà còn đau đáu vì có một người con gái lớn hơn chị K. cũng bị bán đi lấy chồng Trung Quốc nhưng giờ ở đâu, khỏe hay yếu... còn chưa hay biết.
Theo lời Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu Hạ Chiểu 3, cũng là bạn học của chị K. năm xưa: “Xóm này có đến 30 chị lấy chồng Trung Quốc”. Tôi nhờ chị dẫn đến gặp một số chị em nhưng chị bảo đấy là tính trên số chị em biệt tích nghi là bị lừa bán chứ số trở về không nhiều. Rồi chị chỉ cho tôi đến gặp chị Dương Thị T. (khu 2, thị trấn Phú Thứ) cách nhà chị K. khoảng 5-6 cây số.
Ba mẹ con chị T. sống trong căn nhà cũ ẩm thấp được bố mẹ, anh em gom góp mua cho sau khi chị trở về. Chị giờ đi làm công nhân cho một công ty giày da ở xã bên. 2 con của chị được làm giấy khai sinh lại theo họ mẹ. Con gái lớn của chị bỏ học từ năm lớp 8, nay đã 19 tuổi, nói, viết thạo tiếng Trung nhưng chưa có việc làm. Chị cũng không dám cho con đi làm, không dám để con đi xa vì sợ sa chân như mẹ.
Nhắc lại những ngày mới bị bạn lừa đem bán, chị T. đau đớn kể: “Tôi đã chứng kiến có nhà chị bán em ruột, có người bị lừa rồi lại trở về lừa người khác. Nhiều chị em bị đánh đập tàn nhẫn vì không nghe theo lời của những kẻ môi giới. Bị mua đi bán lại nhiều lần nên chị em người Việt cũng lừa lọc, không tin nhau. Tất cả cũng chỉ vì mờ mắt trước đồng tiền”. Chị T. coi như “may mắn” khi được bán cho người chồng hơn mình đến hơn 20 tuổi. Sợ chị trốn về, nhà chồng bắt chị làm quần quật, không cho liên lạc về nhà. 15 năm chị bặt tin, bố mẹ chị thậm chí đã đi xem bói khắp nơi xem con còn sống hay chết. Bị lừa bán từ năm 16 tuổi, năm 2008, chị T. bỗng nhiên trở về quê đem theo 2 con vì người chồng Trung Quốc của chị đã mất vì tai nạn. Giờ chị lại bắt đầu làm lại từ đầu với đôi bàn tay trắng.
Kinh Môn từng là 1 trong số 3 huyện có nhiều phụ nữ mất tích nghi là bị lừa bán đi Trung Quốc nhất tỉnh. Bây giờ, dù nạn buôn bán phụ nữ đã tạm lắng thì đến bất cứ làng, thôn, khu dân cư nào trong tỉnh cũng vẫn có thể nghe những câu chuyện kể về những phụ nữ là nạn nhân. Chuyện vui thì ít, chuyện buồn rất nhiều.
Không đơn độc
Chưa có con số chính xác về số phụ nữ bị buôn bán, tôi làm phiền các chị ở Hội Phụ nữ (HPN) tỉnh để tìm số liệu. Nhưng con số này cũng chỉ được thống kê theo số chị em trở về và số có tên cụ thể cũng chỉ vài chục người.
Nhiều đối tượng mua bán phụ nữ, trẻ em đã bị xét xử. Ảnh tư liệu
Chị Vũ Thị Thủy, Chủ tịch HPN tỉnh cho biết, qua nắm bắt của tổ chức hội, những năm qua tình hình tội phạm mua bán người đã giảm nhưng tính chất vụ việc, phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, có tổ chức chặt chẽ, liên quan đến nhiều địa bàn, nhiều tỉnh, thành phố và xuyên quốc gia. Bọn tội phạm thường sử dụng những thủ đoạn như: dụ dỗ, lừa đưa phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài dưới dạng tìm việc làm có thu nhập cao, làm quen qua mạng internet, kết hôn giả, xuất khẩu lao động, du lịch… Đối tượng bị lừa bán thường là những phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm, đời sống bấp bênh, có hoàn cảnh éo le, học vấn thấp, nhận thức xã hội hạn chế, có người do thích hưởng thụ, ăn chơi đua đòi.
Các cấp HPN có nhiều cách giúp đỡ để các chị trở về. Nhiều hoạt động đã được HPN triển khai nhằm giúp các chị nhanh chóng hòa nhập, sinh sống ổn định tại quê hương. Từ năm 2010 đến nay, các HPN cơ sở huyện Kim Thành đã giúp đỡ 15 chị bị buôn bán trở về có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với nhiều hình thức như giúp con giống, ngày công để chị em sản xuất, tái hòa nhập cộng đồng; tham mưu với chính quyền xã Kim Xuyên cấp đất và hỗ trợ xây nhà cho một chị trở về. HPN các huyện Thanh Hà, Thanh Miện, Cẩm Giàng hỗ trợ gần 50 triệu đồng xây nhà “mái ấm tình thương” cho 3 chị trở về; phối hợp với chính quyền các địa phương làm giấy khai sinh cho các cháu theo mẹ trở về. HPN thị xã Chí Linh tín chấp cho 2 chị vay 50 triệu đồng để buôn bán, chăn nuôi…
Cùng phối hợp ngăn chặn, phòng ngừa và giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán còn có các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử. Từ năm 2010-2014, lực lượng công an trong tỉnh đã phá 4 ổ nhóm buôn bán người, bắt giữ 29 đối tượng gây ra 7 vụ mua bán phụ nữ và trẻ em.
Để không còn những cảnh đời như chị K., chị T. rất cần sự chung tay bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em của các ngành, đoàn thể, hội các cấp.
Theo báo cáo kết quả thực hiện chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người năm 2014 của Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ, năm 2014, toàn quốc vẫn xảy ra 469 vụ, với 1.031 nạn nhân, trong đó số vụ mua bán người đưa sang Trung Quốc chiếm trên 70% tổng số vụ.
Bình luận (0)