Cá song hoặc cá mú tươi làm sạch, nhúng chúng vào nồi cháo đang sôi (cháo được nấu trước, cháo trắng, chưa cho kèm thứ gì), cá chín, vớt ra gỡ lấy thịt (nhớ gỡ thật khéo sao cho không lẫn xương). Miếng thịt cá nào to, dùng tay xé nhỏ. Phần xương, đầu cá... cho vào cối giã nát, sau đó lấy nước cháo đổ vào, lọc, gạn rồi cho trở lại nồi cháo; giã, lọc, gạn vài lần như thế. Cháo nhừ thì cho thịt cá vào, khuấy đều.
Thịt cá trước khi cho vào nồi cháo có hai cách làm, tuỳ theo ý thích, mỗi cách có cái ngon riêng. Hoặc cứ để nguyên như thế cho vào. Thứ cháo này sẽ dậy mùi thơm của thịt cá tươi. Hoặc phi hành mỡ nóng già, cho thịt cá vào xào, nêm chút nước mắm, hạt tiêu, xong mới cho vào; cháo sẽ dậy mùi hành mỡ phi thơm, thịt cá săn chắc (nếu muốn cho bát cháo dậy màu, khi xào thịt cá cho thêm chút bột nghệ xào lẫn).
Những gia vị không thể thiếu cho một bát cháo cá, đó là hành hoa thái nhỏ (hành củ tươi thái mỏng cũng tốt), rau mùi tàu thái nhỏ (hoặc cho rau mùi thái nhỏ cũng được, nếu về mùa có thứ rau đó) và một ít rau răm thái nhỏ.
Cá mú, cá song nấu cháo là ngon hơn cả.
Cháo cá không được đặc, cũng không được loãng quá, vừa sánh là được. Nêm mì chính, gia vị. Nếu ai ưa nước mắm thì nêm nồi cháo sẽ cho nhiều nước mắm hơn bột canh, và ngược lại, có thể chỉ dùng bột canh để nêm cháo. Cháo cá phải ăn nóng, ăn đến đâu múc từ nồi ra tới đó. Chịu được cay thì rắc hạt tiêu.
Tôi để ý, có người rất “mê” nước mắm, khi ăn cháo cá họ có thêm một bát nước mắm ngon để cạnh, thỉnh thoảng họ lấy thìa múc chút xíu nước mắm, chiêu, rồi lại múc cháo ăn tiếp. Tôi đã thử ăn như họ, thấy cũng thú vị, thấy cháo có vẻ ngọt và đậm đà hơn.
Nếu nói về cháo cá kể ra còn có cách làm khá là độc đáo mà tôi đã từng chứng kiến, từng được thưởng thức: Cách làm của những ngư dân, chính xác ở đây là những người kéo lưới giã đêm trên vùng vịnh Hạ Long. Họ làm suốt đêm, cứ hai tiếng lại kéo lưới một lần. Trên thuyền, họ đặt sẵn một nồi cháo âm ỉ sôi vần ghé cạnh bếp than. Khi đánh được cá, tôm, lúc nào cần ăn cháo, thích ăn con gì thì họ mở vung nồi, bỏ nhanh con đó vào, úp nhanh lại vung, giữ chặt. Cá, tôm còn sống nguyên gặp nóng, giãy rất mạnh trong nồi, nhiều khi muốn đẩy bật nắp vung ra. Chờ chín, họ gỡ lấy thịt, bỏ lòng, xương, cho muối vào, khuấy đều. Thế là được cháo.
Cứ hình dung: Làm suốt đêm, rét mướt, gần sáng bụng đói cật rét, mẻ lưới cuối cùng đã kéo xong, tàu quay mũi trở lại bờ, lúc ấy mà ngồi húp bát cháo cá nóng thì còn gì bằng! Không hiểu sao lần thưởng thức thứ cháo cá này cùng ngư dân lênh đênh trên biển đánh cá suốt đêm, tôi lại nhớ đến câu thành ngữ trong đó có từ “...cá tươi”(!!). Có thể là lạ, là hoang sơ... như cá tươi, gạo tươi, muối tươi... quyện nên thứ cháo này chăng(!?).
...Bà xã tôi ngồi soạn bài bên cạnh. Nàng bỗng tò mò ghé nhìn xem tôi gõ lạch cạch cái gì trên máy vi tính. “Viết về cháo cá à? Ô... Thích ăn thì hôm nay nhà mình nấu cháo cá được đấy. Hôm nọ đi chợ thấy cá mú không đắt như mọi hôm, em mua mấy con, làm sạch, đang để trong ngăn tủ lạnh ấy. Nhắc đến cháo cá cũng thấy thèm thèm. Mấy hôm nay trời se se lạnh thế này ăn cháo cá cũng hợp. Tý soạn bài xong em nấu cho. Mà anh này, sao người ta không làm cháo cá bán nhỉ? Nó rất ngon đấy chứ!?”.
Tôi thì tôi đồ rằng có lẽ do cá đắt. Mà một bát cháo cá thì không thể bán quá đắt được. Nhưng, nếu người bán hàng chấp nhận “ăn mỏng” thì làm cháo cá không thể là không có lãi, lãi vừa vừa thôi. Song nếu ý thức nó là một thứ đặc sản ở một vùng đất thì nên làm. Mà chẳng cứ cháo cá, cháo trắng (tôi sẽ kể hầu bạn, có thể là vào số báo tới) làm bán, tôi chắc cũng không ít kẻ ăn...
Bình luận (0)