Thỉnh thoảng, trời nóng nực, làm một bát chè đỗ đen cũng thấy mát ruột. Đêm đông, đi chơi khuya với bạn bè hay lang thang một mình, tạt vào một con hẻm nhỏ làm bát lục tàu xá cũng thấy ấm lòng. Tết đến, làm một miếng chè kho, chiêu một ngụm nước chè cũng hơi cảm thấy nhẹ người và lâng lâng thần thái.
Lâu rồi dường như chẳng còn nhà nào nấu được chè kho ngon. Quá quen với nếp sống tất bật, vội vã, không ai đủ kiên nhẫn ngồi mười mấy tiếng đồng hồ để có được một thứ chè thật mịn, thật thơm, đặt vào một cái là thấy mát dịu nơi đầu lưỡi. Đôi khi đi chơi với vợ con tôi cũng chiều lòng ngồi lại một cái quán bên hè ăn một cốc chè bưởi, cố lục tìm mùi vị của miếng cùi bưởi trong cái thứ nước sền sệt, ngòn ngọt ấy.
Chè hạt sen tiếng là sang, là quý nhưng tôi thấy nó như cô con gái lá ngọc cành vàng chỉ quẩn quanh trong khuê các, không biết gì hơn là những lời giáo huấn của cha mẹ. Trông các cô cậu học trò hăm hở bên những cốc chè thập cẩm xanh đỏ tím vàng thì thấy thích, song thích là thích cái tuổi trẻ mà mình không còn nữa chứ bảo ăn thì cũng chẳng lấy làm ham.
Chỉ có chè củ súng là tôi thích nhất.
Nói đến chè củ súng không mấy người không tỏ ra ngạc nhiên vì chưa được ăn hoặc nghe nói đến bao giờ. Ngay cả tôi cũng mới chỉ được ăn lần đầu cách đây chắc đã hơn chục năm.
Hoa súng
Củ súng có hai loại, củ con và củ cái. Củ cái to bằng ngón tay, mọc từng khóm như củ gừng, củ riềng, loại này thường người ta chỉ luộc, nếu nấu chè thì phải cắt miếng như quân cờ; nhưng mà không ngon. Mọc cùng củ cái là vô số củ con bám quanh nó như những hạt ngô quanh lõi ngô, “hạt” nào cũng tròn, đều tăm tắp, bọc một lớp vỏ ngoài đen nhánh, người ta vẫn bảo “đen như củ súng” là vậy.
Những củ súng con con ấy ở quê mẹ tôi người ta gọi là củ súng dê, có lẽ liên tưởng đến những viên cứt dê chăng. Củ súng dê mọc cùng với củ súng cái hay đó là hai loại súng khác nhau tôi cũng không dám chắc, vì mỗi người nói một phách.
Củ súng dê luộc lên ăn cũng ngon nhưng phải cái vừa ăn vừa nhè vỏ, người ta bảo đấy là ăn “chè nhè”. Ngày xưa những người đi làm đồng hoặc trẻ chăn trâu bắt gặp một hai khóm moi lên ăn sống ngay tại ruộng. Những nơi có nhiều, người ta luộc lên, đựng vào rổ đem ra chợ bán, cũng là một thứ quà cho cả người già và trẻ nhỏ...
Lại nhớ, hồi tôi có dịp ở lâu ở Nam Định, vào độ cuối thu, bắt gặp đây đó trong những con chợ nhỏ một hai người mang củ sen đi bán, chúng tôi bảo nhau mua mấy lạng về hầm với thịt bò. Củ sen hầm với thịt bò có lẽ là ngon nhất hạng, nhất là cái nước của nó, húp vào cứ ngọt lừ đi, kích thích con tì con vị người ta, ăn đến đâu tỉnh người ra đến đấy.
Ăn củ sen lại nhớ ra củ súng. Củ súng không dễ gặp như củ sen. Chỉ có một bà già người nhỏ thó, hôm có hôm không, ngồi ở một góc chợ phố Lý Thường Kiệt với một cái thúng nhỏ, ai biết tìm đến mà mua.
Củ súng đã bóc sạch, “hạt” nào “hạt” nấy bóng mượt, ngà vàng đều tăm tắp, mỗi “hạt” lại có một cái lỗ nhỏ, có lẽ dấu tích của rễ bám vào. Cho vào nồi, đổ nước, đun sôi lên là đã thấy một mùi thơm rất dễ chịu. Để liu riu lửa một lúc là có thể ăn được. Chỉ cần cho đường vào, khuấy tan và múc ra bát. Nếu thích ăn sánh hơn thì hoà một chút bột sắn cho thêm vào.
Những củ súng bé con con trong bát chè hình như có ngả vàng thêm đôi chút nhưng vẫn giữ được hình dáng ban đầu, khi ăn nó lăn đi lăn lại trong khoang miệng, vừa dẻo, vừa thơm lại vừa bùi, thỉnh thoảng có “hạt” như thế nào đó lại còn nổ lép bép ở kẽ chân răng. Đặc biệt là nó có vị của sự hoang dã.
Có lẽ củ súng càng già thì vị hoang dã càng nhiều, người nào chưa ăn quen thì phải luộc đổ đi nước đầu, nhưng đã ăn một hai lần thì cái vị hoang dã ấy cứ bám chặt lấy cuống lưỡi làm người ta lại mong có nữa để mà ăn.
Ăn chè củ súng phải ăn nóng nhưng không cần phải nóng sút lưỡi như ăn sủi ìn (bánh trôi Tàu). Những chiều se se lạnh, trong ánh nắng hoe hoe vàng, bưng bát chè củ súng ấm nóng trên tay, ngửi cái mùi hương dìu dịu của nó đang từ từ lan toả thì còn gì thú bằng.
Bấy lâu nay sống ở Quảng Ninh, rồi ở Hà Nội nữa, chẳng thấy ai nói đến chè củ súng, chẳng biết ở đâu có bán củ súng mà mua. Cuộc sống bận bịu suốt quanh năm ngày tháng, thoảng vài Tết mới về quê nội, quê ngoại được dăm hôm, hối hả rồi lại ra đi, chẳng kịp tìm về với củ súng, chè củ súng, thành ra nỗi nhớ thèm vẫn chỉ là nỗi nhớ thèm mãi mà thôi...
Bình luận (0)