Cụ thể là 8/11 mẫu kiểm nghiệm không đạt, trong đó có một số mẫu vượt giới hạn cho phép ở mức cao, có mẫu đến 265,02mg/kg (trong khi theo quy định của Bộ Y tế là không được quá 1mg/kg).
Trong số 8 mẫu đó, có 5 mẫu lấy tại thị trường TP.HCM, 3 mẫu tại thị trường Tây Ninh.
Ngoài ra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh cũng đã phát hiện có 1 mẫu ngoài thị trường và 2 mẫu - lấy ngay tại cơ sở sản xuất nước tương Đông Cô ở ấp Trường Thiện, xã Trường Hoà, huyện Hoà Thành do ông Trần Văn Giàu làm chủ có chứa hàm lượng 3-MCPD tuy chưa vượt giới hạn cho phép của Bộ Y tế nhưng lại vượt quá tiêu chuẩn công bố của cơ sở.
Chẳng hạn hàm lượng 3-MCPD có trong 2 mẫu sản xuất ngày 14.1.2011 lần lượt là 0,57mg/kg (MSM: 36/HT/ĐC) và 0, 62mg/kg (MSM: 45/HD/ĐC) so với tiêu chuẩn công bố là 0,1mg/kg.

Tại cuộc họp này, ông Giàu khẳng định: các sản phẩm nước tương có hàm lượng 3-MCPD vượt quá giới hạn cho phép của Bộ Y tế như nói trên đều là sản phẩm Đông Cô giả.
Cái rắc rối là hiện tại cơ quan chức năng cũng khó mà xác định được đâu là sản phẩm Đông Cô thật, đâu là sản phẩm ăn cắp nhãn hiệu?
Để “minh oan” cho mình, ngày 24-3-2011 ông Giàu đã gửi văn bản thông báo bổ sung cho Chi cục ATVSTP Tây Ninh, trong đó nêu rõ: “Kể từ ngày 19-6-2007 nước tương mang nhãn hiệu Đông Cô do cơ sở sản xuất nước tương Đông Cô (ấp Trường Thiện, xã Trường Hoà, huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh) xuất xưởng đều được kiểm nghiệm hàm lượng 3-MCPD theo quy định của Bộ Y tế không lớn hơn 1mg/kg. Hàm lượng 3-MCPD được ghi cụ thể ở mặt sau tấm nhãn, đồng thời trên mặt trong của nắp chai có in chữ ĐÔNG CÔ (tất cả đều được thực hiện bằng máy in phun điện tử)”.
Căn cứ vào thông báo trên, BCĐ VSATTP tiếp tục ra văn bản số 324/BCĐ ngày 24-3-2011, đề nghị các đơn vị liên quan tiến hành thu hồi toàn bộ các sản phẩm nước tương tàu vị yểu dán nhãn hiệu Đông Cô đang lưu thông ngoài thị trường không có những đặc điểm như ông Giàu đã nêu (thay vì chỉ thu hồi các lô sản phẩm có qua kiểm nghiệm như Công văn số 290 ngày 21-3).
Biện pháp trước tiên là yêu cầu cơ sở tạm dừng sản xuất, kinh doanh, báo cáo bằng văn bản toàn bộ số sản phẩm đã sản xuất, đã bán ra, số còn tồn.
Qua trao đổi với phóng viên báo, bác sĩ Nguyễn Văn Cường- Phó trưởng BCĐ VSATTP, Phó Giám đốc Sở Y tế Tây Ninh khẳng định: các cơ sở chỉ được phép sản xuất, kinh doanh các sản phẩm bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm như đã công bố.
Bình luận (0)