Sức khỏe, tuổi thanh xuân bà dành hết phụng dưỡng cha mẹ già, rồi khi hạnh phúc riêng đến lại chấp nhận làm vợ của người đàn ông từng có vợ. Bằng tình yêu thương, sự đồng cảm, bà Phạm Thị Lý đã xóa tan định kiến "dì ghẻ con chồng" mà bấy lâu người ta thường nghĩ. Bà xác định con chồng cũng như con mình và đã hiến một phần cơ thể để hồi sinh con của chồng.
Tìm vợ cho bố
Câu chuyện bà Lý hiến một quả thận cho con của chồng ở xóm nghèo Kiến Xá (Vũ Thư, Thái Bình) như thể một câu chuyện cổ tích có thật. Còn nhớ cái ngày bà Lý từ quê lên bệnh viện như con thoi để thử, xét nghiệm rồi nằm viện cả tháng trời để cắt một bên thận cho con của chồng khiến nhiều người bàn ra tán vào.
Có người độc miệng còn bảo "thà cho người dưng chứ không ai đi cho con chồng cả", nhưng cũng không ít người xuýt xoa thán phục vì sự nhân hậu, tình yêu chân thật mà bà Lý dành cho chồng và những đứa con chồng.
Bà Lý dồn hết tâm sức, tình cảm vì chồng và con chồng.
Với bà Lý, đây lại là điều rất đỗi bình thường, bởi bà đã xem con chồng như chính con đẻ của mình. Chúng tôi đến gia đình ông Ước đúng vào những ngày giáp Tết, mọi người tất bật bốc xếp hàng, ghi chép cho khách. Nhìn bà lý khỏe mạnh, xốc vác công việc chẳng ai nghĩ bà đã cho đi một quả thận. Ông Ước làm việc với tâm thế phấn khởi, đôi mắt luôn rực lên niềm hạnh phúc. Điều đó đủ thấy cuộc sống vợ chồng ông bà viên mãn thế nào.
Gạt mồ hôi, ông Ước cười với chúng tôi: "Đến bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao bà ấy lại đồng ý lấy tôi. Mà tôi có phải đi hỏi han, tìm hiểu gì đâu, tất cả là do con trai tôi mối lái. Tôi nghĩ bà ấy quyết định đến với tôi là vì thương cho hoàn cảnh của tôi, khi lấy bà ấy rồi tôi mới cảm nhận được tình yêu, hạnh phúc. Có lẽ tất cả là do duyên phận, do ông trời sắp đặt".
Năm 1978, ông Ước viết đơn tình nguyện tham gia quân ngũ, đóng quân tại Hải Phòng, Quảng Ninh. Được khoảng 4 năm, ông rời quân ngũ trở về địa phương, ông xây dựng gia đình với một người phụ nữ cùng quê.
Từ năm 1986 đến 1988 ông bà sinh được 2 người con trai, là Trương Văn Lượng, Trương Văn Lân. Khi các con học xong THPT, họ tiếp bước cha mình, hai anh em đi nghĩa vụ quân sự, anh Lượng đóng quân tại đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, hai anh em học nghề điện và lái xe tại Trường Trung cấp nghề số 19 (Bộ Quốc phòng).
Nhắc đến chuyện tình cảm của mình với ông Ước, bà Lý không khỏi ngượng ngùng: "Đúng là do duyên số cả. Dù biết và thương hoàn cảnh gà trống nuôi con của ông ấy nhưng tôi chưa khi nào nghĩ mình sẽ về làm vợ. Hồi ấy, cháu Lân chơi với con gái của chị tôi, từ chỗ quen biết đó, Lân thấy tôi nhiều tuổi mà chưa xây dựng gia đình. Sau nhiều lần dò hỏi, Lân đã mạnh dạn đặt vấn đề cho bố mình tìm hiểu".
Ngót nghét tuổi 40 bà Lý mới thực sự nếm trải cuộc sống gia đình cùng ông Ước và hai người con. Chưa khi nào bà oán thán, than thân trách phận vì mình thiệt thòi. Bà hết lòng hết dạ vun vén cho nhà chồng, đối xử với hai người con như thể con đẻ.
Mong có thêm 1 quả thận để hiến cho cả 2 con
Cứ nhìn cái cách mà bà Lý đối xử với hai con của chồng thì không ai có thể tin được bà chỉ là mẹ kế. Chứng kiến sự đầm ấm, vui vẻ trong gia đình bà Lý, ông Ước, ai cũng mừng cho mối duyên muộn. Vậy mà tai họa bỗng từ đâu ập đến khi người con cả của chồng bà mắc bệnh suy thận nặng.
Ba năm sau, người con thứ 2 cũng dính phải căn bệnh quái ác này. Vì phát hiện muộn nên bệnh tình của cả Lượng và Lân đều rất nặng. Chỉ trong một thời gian ngắn, hai người con của chồng - chỗ dựa cho hai ông bà sau này bỗng dưng mắc bệnh hiểm nghèo khiến vợ chồng bà suy sụp.
"Khi hay tin cả hai đứa bị bệnh đêm nào tôi cũng khóc. Bệnh này vừa khó chữa, lại vừa tốn kém, vợ chồng tôi biết xoay xỏa đâu ra tiền mà chữa bệnh cho các con. Mẹ của hai đứa cũng vì mắc phải bệnh này mà qua đời nên tôi thương chúng nó lắm. Cứ nghĩ đến chuyện không hay ập đến với chúng nó là lòng tôi đau thắt lại" - bà Lý nghẹn ngào chia sẻ.
Thời gian cả Lượng và Lân cùng chữa bệnh, bà Lý chạy long sòng sọc. Hết chăm con trai cả lại đến con trai út. Mà đâu chỉ có chuyện chăm người bệnh không, bà còn phải tranh thủ từng phút làm thêm để lấy tiền cho con của chồng chữa bệnh.
Thời gian đầu, khi anh Lượng đi chạy chữa, hầu như đêm nào bà cũng thức trắng vì những cơn đau hành hạ con. Lúc đó, bà chỉ biết ngồi xoa bóp, vỗ lưng cho con đến sáng. Mặc dù không phải con mình sinh ra, nhưng suốt bao nhiêu năm qua, bà Lý vẫn lặng lẽ chăm sóc tận tình hai con của chồng bằng tất cả tình yêu thương. "Khoảng tháng 1-2013, thằng Lân được bác sĩ thông báo bệnh tình đang ở giai đoạn cuối.
Nếu muốn duy trì sự sống, chỉ có cách ghép thận hoặc chạy thận nhân tạo. Gia đình tôi khi ấy thực sự bế tắc lắm. Chạy thận thì biết tiền nào cho đủ, mà ghép thận thì cũng phải tìm được người có chỉ số tương thích phù hợp. Hơn nữa chi phí cho một ca ghép thận cao lắm, lên đến 300 triệu cơ mà.
Bà Lý mong có thêm 1 quả thận để hiến cho hai con.
Nhưng trước sự sống chết của con, vợ chồng tôi đã quyết định sẽ đi xét nghiệm, nếu thận ai hợp sẽ cho Lân. Kết quả, mặc dù tôi là bố nó nhưng chỉ số tương thích lại rất thấp, còn bà ấy thì lại phù hợp" - ông Ước kể lại.
Về phần bà Lý, khi biết thận của mình có thể cho Lân bà đã rất mừng. Nhưng mừng đấy rồi lại lo ngay được vì bà không biết xoay đâu ra 300 triệu để chi phí cho ca ghép thận.
Cuối cùng vợ chồng bà đã quyết định bán tất cả những thứ có giá trị trong nhà, ngoài ra vay mượn của người thân, họ hàng, cộng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Cuối cùng ca phẫu thuật đã được tiến hành thành công.
Hỏi lý do vì sao lại quyết định hiến đi một quả thận cho con của chồng, bà Lý bảo: "Tôi chưa bao giờ nghĩ đấy chỉ là con của chồng. Mình đã xác định lấy ông ấy có nghĩa là phải yêu thương con của ông ấy. Tôi yêu thương chúng nó như máu thịt của mình. Chúng nó bị bệnh, tôi cũng như đứt từng khúc ruột. Nên làm được gì cho con thì tôi sẽ làm mà không cần phải nghĩ nhiều". Biết bố mẹ vất vả vì mình quá nhiều nên hai anh em Lượng và Lân ngoài thời gian đi chữa bệnh thì mở xưởng sản xuất lồng sắt công nghiệp và nuôi chim bồ câu bán.
Nói về người mẹ kế của mình, Lân không giấu được sự xúc động: "Mẹ đối xử với chúng em giống như là con ruột của mẹ đẻ ra. Anh em em bị bệnh, mẹ phải làm gấp năm gấp mười người khác để vừa có tiền chữa bệnh, vừa có thời gian chăm sóc cho bọn em. Em sống được tới ngày hôm nay cũng là nhờ mẹ đã cho em một bên thận".
Mấy ngày gần đây, gia đình bà Lý rất buồn vì Bệnh viện Trường Đại học y Thái Bình thông báo sẽ dừng việc chạy thận, trong khi bệnh viện tỉnh cũng không còn chỗ. Nếu muốn, Lượng sẽ phải lên tận Bệnh viện Bạch Mai để chạy thận.
Nghĩ đến người con cả, bà Lý rơm rớm nước mắt: "Nhiều đêm tôi chỉ ước giá mình có thêm thận, tôi sẽ cho Lượng để con nó không phải khổ sở như bây giờ. Tôi chỉ mong sao sau này chúng nó lấy được người yêu thương để vợ chồng nương tựa vào nhau mà sống. Chứ bố mẹ rồi cũng già và chết đi".
Bình luận (0)