xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chuyện tình rơi nước mắt "ông câm bà còng" nơi phố núi

Theo Nông Vĩnh - Minh Phượng (CAND)

"Ông câm bà còng" đã dệt nên một chuyện tình khiến ai cũng cảm động khi nhắc tới

Ở khu thị trấn Đông Khê nhỏ hẹp thuộc huyện Thạch An (Cao Bằng), ai cũng biết vợ chồng ông Âu Văn Sáng (81 tuổi) và bà Lý Thị Siểu (67 tuổi) mà người dân gọi là "ông câm bà còng" vì ông Sáng bị câm bẩm sinh và bướu cổ, còn bà Siểu bị còng lưng do tai nạn từ thuở bé.

Hoàn cảnh, duyên số đã gắn kết hai phận người lại với nhau. Họ yêu thương và nương tựa nhau mưu sinh đến tuổi già. Bao nhiêu năm qua, đôi vợ chồng tật nguyền ấy đã cùng dìu nhau bước qua những khó khăn và thử thách trong cuộc sống. Niềm tin mãnh liệt, không chịu khuất phục trước định mệnh nghiệt ngã của họ không phải ai cũng có thể làm được. Chính tình yêu thương đã thắp lên nơi họ hi vọng để vượt qua hoàn cảnh nghiệt ngã.

Chuyện tình hai phận tật nguyền

Căn nhà cấp bốn nhỏ hẹp mà vợ chồng ông Sáng - bà Siểu sinh sống cùng người con trai và con dâu nằm ngay ven đường sát ngay Khu di tích lịch sử Đông Khê thuộc Tổ dân phố 1, thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An. Chúng tôi đến trong lúc ông Sáng đang lom khom phơi ngô trước cửa nhà. Gặp chúng tôi, ông Sáng lập tức mời vào nhà bằng ký hiệu cùng nụ cười thân thiện. Nghe tiếng khách lạ đến nhà, bà Siểu từ trong bếp đi ra tiếp chuyện. Lân la bắt chuyện, chúng tôi được bà Siểu và chị Trang (con dâu bà Siểu) kể về cuộc đời của hai vợ chồng già khuyết tật.

Vợ chồng ông bà Sáng-Siểu đều sinh ra trong gia đình nghèo và đông con ở nơi làng quê miền núi huyện Thạch An nên cuộc sống lúc nào cũng trong tình trạng thiếu ăn, thiếu mặc.

Năm vừa 8 tuổi, bà Siểu bị tai nạn lao động chấn thương nặng vùng lưng khi đi đốn củi thuê về nhà, nhưng vì gia đình không có tiền chữa trị nên phải để ở nhà tự chữa trị bằng những bài thuốc dân gian. Tuy nhiên, do chấn thương quá nặng nên bà Siểu đã bị gù lưng từ bé, bà phải tập quen dần với cuộc sống cách đi lom khom, chậm chạp và nằm nghiêng để ngủ.

"Số phận tôi không may nên mới thành ra như vậy. Tôi cũng không hề than trách bố mẹ mình. Họ nghèo khổ, đến miếng ăn còn phải chạy vạy từng ngày thì lấy gì mà thuốc thang cho tôi. Thay vì buồn tủi, tôi vui vẻ chấp nhận để tiếp tục cuộc sống của mình", bà Siểu nói.


Ông sáng, bà Siểu sống hòa thuận, tình cảm.

Ông sáng, bà Siểu sống hòa thuận, tình cảm.

Bà Siểu sinh ra và lớn lên ở xã Vân Trình, huyện Thạch An và từ nhỏ đã đi làm thuê hoặc lên rừng đào củ mài để mưu sinh. Ở tuổi đôi mươi, trong một lần đi chợ phiên, bà Siểu và ông Sáng đã gặp nhau rồi mến thương nhau từ lúc đó một phần cũng do cùng cảnh ngộ khuyết tật. Không lâu sau, họ tiến hành làm đám cưới, lập gia đình cùng chung sống.

Khi đó là thời kỳ chiến tranh biên giới, bộ đội đóng cả tiểu đoàn tại khu vực bản Bó Dường. Cả bản che chở cho bộ đội, sống cùng bộ đội suốt mấy tháng liền. Căn nhà đắp đất trộn cỏ khô của hai vợ chồng nhỏ hẹp, mái rơm lại dột nát mỗi khi trời mưa nhưng vẫn cho bộ đội ở nhờ. Đến năm 1982, vợ chồng bà Siểu chuyển về sống ở xã Thượng Pha (nay là thị trấn Đông Khê), cạnh đồi Đông Khê.

Ngồi cạnh ông Sáng để tiếp chuyện thay chồng, bà Siểu kể: "Lúc mới quen, gặp nhau ở chợ ông ấy không nói gì cứ vung tay ký hiệu mà tôi chẳng hiểu gì cả, vừa buồn cười vừa ngại khi mọi người trong chợ nhìn. Khi tôi đi đâu ông cũng đi theo, ban đầu tôi còn tưởng ông ấy bị điên khùng nên càng lo sợ, trốn tránh. Những chợ phiên sau tôi lại gặp ông, và lần nào ông ấy cũng đến gần tiếp xúc tôi. Lúc đó, tôi mới cảm nhận được ông ấy đã có tình ý với tôi. Thấy ông bị như thế trong lòng cũng thương, đồng cảm, sau rồi cảm mến. Không lâu sau, chúng tôi càng ngày càng thân thiết hơn, tuy không nói chuyện với nhau được nhưng mỗi khi ở cùng nhau thấy cảm giác gần gũi, ngày nào không gặp là cảm thấy như thiếu thiếu cái gì đó. Sau rồi đi đâu làm cứ đi theo nhau như vợ chồng. Đi làm giao tiếp với mọi người thì tôi nói thay ông ấy, còn những lúc tôi không làm được việc nặng hay mệt quá ông ấy lại làm thay, cõng tôi đi đường. Bây giờ già rồi nhưng những kỷ niệm đó chúng tôi vẫn không thể nào quên được".

Sau một thoáng ngượng ngùng, bà Siểu kể tiếp: "Ông ấy là con thứ tư trong gia đình có 6 anh chị em. Ông ấy bị khuyết tật không nói được từ khi sinh ra. Nhà nghèo lại đông con, nên ai nấy đều coi ông ấy là gánh nặng, đến giờ anh em còn không thèm nhận mặt. Vì vậy, lập gia đình là bươn chải kiếm sống, đi xã này xã kia để cày, lấy củi thuê, làm đồng để đổi lấy thức ăn, tiền công. Người thì gù, người lại câm nên làm gì cũng khó. Chúng tôi sinh được 3 người con nhưng một đứa từ nhỏ bị mắc bệnh không có tiền chữa trị đã mất sớm, lao đao mãi mới nuôi hai đứa còn lại lớn lên. Giờ một đứa đi lấy chồng xa, còn thằng Hải ở nhà lấy vợ sinh con. Nó đi làm phụ hồ nuôi gia đình, bị tai nạn lao động, mắt đã bị hỏng một bên. Còn cái Trang vợ nó, trước đi làm thuê bán hàng ở trong thị trấn Đông Khê, giờ không đi được nữa, phải ở nhà chăm con nhỏ".


Mặc dù bị lưng còng, có khối u to trên lưng nhưng bà Siểu vẫn làm được những công việc nhà.

Mặc dù bị lưng còng, có khối u to trên lưng nhưng bà Siểu vẫn làm được những công việc nhà.

Gieo niềm hi vọng vào những mầm cây

Chị Nông Thị Trang, con dâu của bà Siểu cho biết: "Hiện gia đình tôi chỉ dựa vào nguồn thu nhập từ công việc làm phụ hồ của anh Hải và phần tiền chế độ chính sách hộ nghèo, khuyết tật của ông bà, hai người mỗi người được 540 nghìn đồng. Trang trải, chi tiêu sinh hoạt và lo cho con nhỏ nữa nên tháng đủ tháng không vì công việc anh ấy ngày được ngày không, không ổn định. Nhà lại không có đất đai, muốn trồng trọt cây gì phải thuê đất hoặc trồng nhờ trên đất của người ta. May nhờ ông bà còn giúp được việc nhà, trông cháu được không thì còn vất vả hơn nữa".

Ở thị trấn Đông Khê nhỏ bé này, hiếm có gia đình nào nghèo như gia đình ông bà Siểu. May mắn cho ông bà vì tuổi già còn có cậu con trai Âu Văn Hải (sinh năm 1987) và cô con dâu làm chỗ dựa.

Gần 7 năm nay, vợ chồng ông bà Siểu đã phát cỏ dại, trồng cây và nhặt rác trong khu di tích lịch sử Đông Khê nằm ngay sau nhà. Họ làm mà không nhận một đồng tiền công vì vừa phát cỏ, làm sạch khu di tích gia đình bà Siểu còn xin nhờ một khóm đất dùng để trồng rau xanh. Còn ngoài ra anh Hải khi không có việc lại tranh thủ cày bừa, cấy hái trên mảnh đất rộng 600 m2 thuê lại của hàng xóm.

Bà Siểu cho hay: "Đồi Đông Khê là khu đồi đã ngấm bao nhiêu máu, nước mắt, và cả nỗi đau chiến tranh vì hàng trăm người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến sinh tử đánh đuổi giặc Pháp. Đây còn được xem là mảnh đất anh hùng vì nó gắn liền với trận đánh mở màn hết sức quan trọng của quân ta trong Chiến dịch biên giới Thu - Đông năm 1950. Chúng tôi sinh ra và lớn lên trong chiến tranh nên những kỷ niệm đó không thể nào quên. Những di tích lịch sử nên được giữ gìn, chúng tôi sống ở gần nên dành chút công sức, thời gian mỗi ngày để phát cỏ, dọn dẹp làm cho khu di tích này trông sạch sẽ, thoáng đãng hơn".

img

Vợ chồng già khuyết tật trong căn nhà nhỏ nơi phố núi.

Vợ chồng già khuyết tật trong căn nhà nhỏ nơi phố núi.

Từ sau chiến tranh, khu di tích lịch sử Đông Khê đã có thời gian dài bị lãng quên, không ai ngó ngàng để cỏ cao quá đầu người, trông như một khu đồi hoang tàn. Cho đến năm 2000, Nhà nước mới cho xây dựng thành khu di tích kiên cố, tường đá mới được xây quanh đồi, nhà lưu niệm xây khang trang. Các đoàn thể đã trồng rừng, phủ xanh khu đồi lịch sử. Tuy nhiên, khu di tích Đông Khê không có bảo vệ thường trực trông coi, trong đó mỗi năm, huyện Thạch An hợp đồng với các tổ chức đoàn hội phát cỏ 4 lần nhưng chỉ sau vài trận mưa rào cỏ lại mọc tua tủa. Thấy vậy, bà Siểu đã tình nguyện phát cỏ, làm sạch khu đồi rồi trồng rau xanh vào. Ban đầu, cán bộ quản lý huyện còn tưởng bà có ý định chiếm dụng đất công, nhưng sau khi nghe bà giải thích hợp tình hợp lý nên mới để cho gia đình bà trồng trọt.

"Nhiều năm nay, bọn nghiện hút lợi dụng chỗ vắng vẻ để chích thuốc ma túy ở trên đồi nhiều lắm. Nhiều buổi tôi gom được cả chục xi lanh. Có cái mũi vẫn còn dính nguyên máu và mũi tiêm hướng thẳng lên như muốn bẫy người khác nữa. Nếu không nhặt, gom lại để xử lý thì nguy hiểm lắm, vì ngày bình thường thỉnh thoảng vẫn có khách tham quan đi lên".

Bác Nông Văn Coóng (65 tuổi) hàng xóm đối diện nhà ông bà Siểu chia sẻ: "Từ trước tới nay, Khu di tích lịch sử Đông Khê không có bảo vệ thường trực. Hướng cửa nhà tôi nhìn trực diện về phía đồi nên thỉnh thoảng vẫn có những đối tượng xấu lân la tụ tập. Nếu không có vợ chồng ông bà Siểu lên phát cỏ, trồng cây để cho đồi thoáng đãng thì cũng không ai bao quát hết được. Tuổi già rồi nên hàng ngày tôi cũng hay sang nhà vợ chồng ông bà Siểu chơi, thấy hai người sống hòa thuận lắm. Chúng tôi hay ôn lại quá khứ, những người bạn năm xưa, chuyện cuộc sống thường ngày và quay đi quay lại thì lại nói về khu đồi này, chuyện bọn nghiện ngập chích hút, trồng cây cải có hoa… Loanh quanh chỉ có vậy thôi".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo