xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chuyện tình yêu của hai người bước ra từ cõi chết

Theo KHÁNH HƯNG (An Giang Online)

Tôi từng gặp chú ba Lê (Bùi Văn Lê, ngụ thị trấn Ba Chúc, Tri Tôn) một lần để phỏng vấn về ngón nghề đờn ca tài tử của chú. Bẵng đi một thời gian, tôi lại tìm đường về gặp chú, để được sống lại những ký ức về cuộc đời, tình yêu và hạnh phúc của người đàn ông đặc biệt này. Chuyện tình của vợ chồng chú đẹp lắm, đẹp như tiểu thuyết, mà không kém phần dữ dội, bi thương. Họ là hai trong số ít nhân chứng may mắn sống sót trong trận thảm sát Ba Chúc ngày trước.

Hôm tôi đến, lễ giỗ tập thể lần thứ 34 của người dân Ba Chúc bị giặc Pol Pot thảm sát đã diễn ra mấy ngày trước. Trong không khí xúc động, chú kể lại câu chuyện của mình bằng chất giọng trầm buồn – mà nhiều đoạn phải lắng tai lắm tôi mới nghe rõ.
 
Năm 1978, khi giặc Pol Pot tràn vào Ba Chúc, chú đưa người vợ, con cùng người cô ruột lên hang trên núi Tượng ẩn nấp. Chiếc hang làm tròn nhiệm vụ, bảo vệ mọi người an toàn trong suốt nhiều ngày sau đó. Nhưng không may, bọn giặc thả chó săn ra...
 
Lần theo tiếng chó sủa, bọn Pol Pot xả súng vô tội vạ vào hang, mang theo mạng sống của hàng chục người. Sau đó, chú ba Lê nghe im tiếng súng nên lách mình ra khỏi miệng hang, phát hiện bọn giặc vẫn còn ở ngoài nên nhanh chóng lao mình xuống hẻm đá. Bọn chúng quăng hai quả lựu đạn nữa vào hang.
 
Ngày định mệnh ấy, chú đã đặt thi thể của từng người thân yêu nằm ngay ngắn trên bộ ván, rồi lấp miệng hang lại từ đó, kết thúc sứ mệnh lịch sử của nó và chôn vùi những nỗi đau khôn tả của mình.
 
33 tuổi, lúc tràn trề sinh lực nhất, chỉ sau một thời gian ngắn, chú lại mất tất cả: Gia đình, vợ con, tài sản, ý nghĩa cuộc đời... Chú chuyển sang nhà người bà con ở xã Lương Phi để vơi bớt phần nào đau thương. Nhưng nào có thể? Hơn 1 năm trời, chú chỉ nằm trên võng, tới bữa cơm ráng ngồi dậy lùa cho xong 1 chén rồi lại nằm xuống, không hề bước chân ra nhìn xem trời hôm nay nắng mưa thế nào.
 
Chú như một người câm, không nói không rằng. Hễ ai có hỏi thì chỉ trả lời dăm ba từ cho có lệ. Người dân ở đó họ hiểu tình cảnh chú, dặn dò nhau: “Đừng hỏi thằng Ba gì nhiều, tội nghiệp nó lắm! Gặp nó thì chào một tiếng là đủ rồi”. Thời khắc đêm về là lúc chú sợ nhất: Sợ khoảng thời gian dài vô tận với những nỗi đau xâm chiếm trái tim.
 
“Nhiều khi tôi mòn mỏi lắm rồi, muốn ngủ cho quên một lát, nhưng không thể ngủ được. Cả con người trở nên ốm yếu, gầy gò, không còn sức sống” – chú vuốt mặt, như muốn thoát ra khỏi ám ảnh. Buồn, chú lại ôm cây đàn, cây sáo rỉ rả, như tự sự với chính mình và những người đã khuất. Tiếng nhạc vang trong đêm uất nghẹn đến thắt lòng, len lỏi vào không gian tĩnh mịch của núi rừng, bóp nghẹt trái tim người nào nghe phải. Hình dáng vợ con đâu? Tiếng nói của họ thế nào? Giờ họ ra sao? Tiếng đàn, tiếng sáo cứ mãi thắc mắc, ngẩn ngơ…
img
 Vợ chồng chú ba Lê.
 
Có lẽ, chú sẽ mãi chìm vào buồn đau, nếu như không có sự tác động từ mọi người. Hơn 2 năm sau, họ rụt rè đến nhờ chú chữa bệnh giùm, những căn bệnh ngặt nghèo, đau đớn. Không nỡ ngoảnh mặt làm ngơ, chú gật đầu. Mấy tay đờn tri kỷ ghé lại bày tiệc rượu, gảy đàn cho chú vui, chú vẫn lẳng lặng không đáp lời. Một lần, hai lần, rồi nhiều lần, thấy tấm chân tình của họ to lớn quá, chú mỉm cười nâng ly rượu uống quên nỗi đau. Vậy là chú bắt đầu “sống” lại. Thế nhưng, lửa lòng trong chú đã tắt, không một lần chú có ý định lập gia đình nữa, dù nhiều phụ nữ quan tâm, dù cha mẹ vẫn thắc thỏm yêu cầu…
 
Một ngày, có một cô gái tên Võ Thị Ngọc Châu, gần 30 tuổi, cõng đứa cháu đến nhờ chú chữa trị. Hơn 10 ngày chăm sóc, đứa bé lành lặn, cô lại cõng về. Chuyện chỉ có vậy, nhưng cha mẹ chú lại ngấm ngầm để ý cô gái xinh xắn, hiền ngoan ấy. Họ lân la dò hỏi chuyện, mới biết ra cô cũng đã từng chạy trốn cái chết, may mắn hơn hàng ngàn người đồng hương: Ngày thảm họa của dân làng, cô cùng 40 người khác núp dưới bàn thờ Phật. Bọn giặc bắn tỉa, rồi ném lựu đạn vào, 37 người lần lượt ngã xuống. Riêng cô nằm khuất trong góc, nên chỉ bị đạn sượt qua đầu. Trong lúc hoảng sợ, cô không hề hay biết điều đó, chỉ nhận ra khi líu ríu theo du kích tìm đường chạy trốn.
 
Để đảm bảo tính mạng của những người dân còn sống sót, các anh du kích yêu cầu mọi người phải núp sau ngôi mộ. Khi tiếng súng đì đùng nổ sát bên tai, cô không hề run sợ. Vậy mà lúc đêm khuya vắng lặng, nằm giữa ngổn ngang thây người, lòng cô bỗng lo lắng không yên.
 
Cô thủ thỉ với một phụ nữ núp mộ bên cạnh: “Chị em mình nằm chung nha chị, em sợ quá”. Đến sáng, mặt trời ló dạng, cũng là lúc cuộc đời cô bước sang trang mới: Là một trong số rất ít người may mắn thoát khỏi bàn tay thần chết! Cảm mến hoàn cảnh cô, cha mẹ chú ba Lê rất muốn cô về kết nghĩa vợ chồng với chú.
 
Không nỡ làm phật ý gia đình, cũng không thể phụ tấm chân tình của “người ta”, chú quyết định tìm hiểu tình yêu thêm một lần nữa. Nhưng tình cảm của cả hai luôn có nhiều khoảng cách vô hình. Cả năm sau đó, chú vẫn còn lên rẫy ngồi thổi sáo mình ên. Một lần, cô Châu lẳng lặng đứng sau lưng, rồi buông lời: “Thôi anh ơi, anh đừng thổi sáo nữa, về với gia đình đi! Nếu có thể, cho em được san sẻ với anh trong thời gian tới. Được không anh?”. Chú Ba ngẩn người, chợt thấy mình lần này mới thật sự sống lại!
 
Và sự sống ấy khởi nguồn cho 2 bé trai, 2 bé gái lần lượt ra đời sau đó. Mỗi ngày trôi qua, chú nhận ra người bạn đời của mình có nhiều đức tính tốt đẹp lắm: Hiền dịu, nhu mì, hết mực thương chồng; thuận thảo với cha mẹ chồng, cơm bưng nước rót hàng bữa; nuôi dạy con khôn lớn, ngoan hiền. Cô luôn tin tưởng chồng mình, dù có xảy ra chuyện gì đi chăng nữa. Chú ưng bụng lắm, bởi chú đã thực sự tìm cho mình một hậu phương vững chắc sau những phong ba bão táp của cuộc đời.
 
Giờ, bình yên đã về với nhân dân Ba Chúc. Họ vẫn đón tiếp nhiều lượt khách đến tham quan, phóng viên từ khắp nơi đổ về, và kể cho khách nghe những đau khổ đã qua, để luôn nhớ về một thời đau đớn. Đám giỗ tập thể hàng năm vẫn được diễn ra với sự tham dự của hàng ngàn người. Nhưng, họ đã có thể mỉm cười với thực tại và tương lai, dẹp lòng thù hận mà vẫn tự nhắc mình phải sống tốt. Chú ba Lê và cô Châu cũng thế: Họ bước qua cõi chết và tự đơm hoa cho cuộc sống của mình.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo