Cây si xóm Suối Cốc, xã Hòa Sơn có tuổi thọ 800 năm, vừa được công nhận là cây di sản.
Chúng tôi đến xóm Suối Cốc trong một ngày hè nóng nực. Đứng từ xa nhìn lại, cây si xóm Suối Cốc tựa như cái ô khổng lồ che chở cả xóm Suối Cốc. Càng đến gần, ai cũng phải sửng sốt trước vẻ kỳ vĩ của cây si. Cây si tỏa ra nhiều nhánh chiếm chọn cả một góc trời.
Các nhánh cây to bằng cả 1 người ôm, có nhánh vài người ôm mới hết. Chúng đan chéo vào nhau tựa như những người khổng lồ nối những cánh tay dài của mình lại. Hai nhánh ngoài cùng của cây si còn tạo thành một cái cổng làng như đứng đón khách đến thăm.
Trên mỗi nhanh cây là những u, cục mốc thếch và những thân dây leo rậm rịt, chất chồng lên nhau. Những rễ nhỏ mọc ra từ thân cây tựa như những tấm màn mỏng manh đung đưa trước gió. Mỗi nhành cây mỗi vẻ nhưng chúng liên kết liền nhau như để hứng hết phong ba bão táp.
Khi đến nơi, chúng tôi có cảm giác mát rượi giữa trưa hè . Cây si như một “máy điều hòa khổng lồ” giữa trời xua đi cái nóng oi bức của mùa hè. Vóc dáng cổ thụ và cổ kính của cây nên cây si này được chọn làm bối cảnh cho nhiều bộ phim về cảnh thôn quê miền Bắc.
Người đầu tiên đưa cây si bản Suối Cốc vào phim là đạo diễn Nguyễn Hữu Phần trong bộ phim “Đàn trời” đang được chiếu trên VTV1. Lần đầu nhìn thấy cây si xù xì, xum xuê tỏa bóng mát này, đạo diễn đã không ngần ngại quyết định chọn nơi này để quay và nó tạo nên một phần thành công của bộ phim. Giờ đây người ta thường gọi xóm Suối Cốc là xóm “cây si ma làng”.
Dưới tán cây, hàng chục người dân xóm Suối Cốc đang ngồi tránh nắng. Cụ Kiệm ở xóm Suối Cốc dáng khoan thai, ánh mắt hiền từ cười tươi mời chúng tôi ngồi nghỉ uống nước. Cụ kể, từ đời các cụ nhà tôi sinh ra đã có cây si này rồi. Ai cũng coi cây si như là báu vật của xóm. Ngày trước cây si này còn hơn 100 nhánh nối liền với nhau tạo nên một bức tường cây vững chắc.
Những năm chiến tranh, bom Mỹ thả xuống đây nhiều lắm. Chẳng hiểu sao riêng nơi cây si mọc lại không hề bị trúng bom Mỹ. Cứ mỗi khi nghe thấy tiếng máy bay Mỹ, cả bản lại ra trú ở gốc cây si này tránh bom. Giờ đây, cây si đã bị phá đi nhiều nhưng nó vẫn là nơi tránh nóng rất tốt đối với bà con. Những ngày hè oi bức, cả xóm kéo nhau ra đây hóng mát.
Cụ Kiệm còn bảo, ngày trước, cây si này xanh tốt um tùm. Riêng các nhánh của nó đã tạo thành một khu rừng khép kín. Chim chóc, rắn rết làm tổ đầy trên cây. Dưới gốc là chồn, cáo biến thành nơi trú ngụ an toàn. Ngay cả các vị quan lang ngày trước, khi đi qua cây si cũng đều ngả mũ để thể hiện lòng tôn kính. Các cụ cao niên trong bản đều căn dặn con cháu, đây là báu vật mà trời ban tặng cho bản, không ai được đụng đến mà đời đời con cháu phải giữ gìn.
Có một việc mà đến giờ người dân xóm Suối Cốc vẫn thấy ân hận là từng chặt nhiều nhánh cây si ươm cây cảnh bán. Cụ Kiệm kể tiếp, năm đó, bà con làm đường vào xóm và xây lại hệ thống kênh mương lại chạy qua các nhánh của cây si. Bà con đã chặt mất hàng chục nhánh to.
Chỉ cần 2 nhánh của cây si đã tạo nên một cái cầu vững chắc, xe máy có thể đi được. Nhiều người còn cưa nhỏ các nhánh của cây si này về ươm cây cảnh. Nhiều gia đình làm giàu nhờ bán si. Nhiều người định ra chặt si bán tiếp nhưng các cụ cao niên trong làng đã kịp thời ngăn lại.
Giờ đây cây si không còn giữ nguyên trạng được như trước nhưng nó vẫn là cây si “độc nhất vô nhị”, ít nơi nào có được. ông Hoàng ánh Điện, Chủ tịch UBND xã Hợp Hòa cho biết: Đây là niềm tự hào của bà con xóm Suối Cốc nói riêng và của huyện, tỉnh nói chung. Cây si cổ thụ là báu vật vô giá mà ông trời đã ban tặng cho bà con nơi đây. Do vậy, khi được công nhận là di sản văn hoá thì chính quyền địa phương và nhân dân phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ, chăm sóc “cụ” cây này.
Bình luận (0)