xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cồn cào nỗi nhớ mùa sa mưa

Theo ĐĂNG HUỲNH/Báo Cần Thơ

Giữa đêm mưa phố thị, nghe tiếng bù tọt kêu rền vang, tôi bỗng nhớ tuổi thơ, nhớ những buổi dầm mưa đi soi nhái, bắt cá, ... Mùa sa mưa bắt đầu quay về

Vậy là sau bao ngày nắng hạn, những cơn mưa đầu mùa đã trút xuống vùng đất đồng bằng. Mùa sa mưa đã về. Giữa đêm mưa phố thị, nghe tiếng bù tọt kêu rền vang, tiếng ve sầu nức nở, tôi bỗng nhớ tuổi thơ, nhớ những buổi dầm mưa đi soi nhái, bắt cá lên hay cùng cha đi soi ếch, cắm câu… Những ký ức ngọt ngào, chưa quá xa xôi mà sao nhớ cồn cào mỗi bận mùa sa mưa.

Quê tôi là một cánh đồng rộng lớn trong xứ Đồng Chó Ngáp của miệt Bạc Liêu với tên gọi đồng Bến Bàu. Nhà tôi nằm day mặt mé sông, phía sau là bạt ngàn đồng ruộng, mà mỗi khi mùa mưa đến là lúc người dân quê tôi sạ lúa mùa. Những mầm lúa non tơ, lướt mướt được tưới mát bởi những cơn mưa tươi tốt lạ thường. Hồi chừng tám, chín tuổi, hễ có mưa là tôi đòi chị Ba cho cái đụt để đi soi nhái. Đụt là vật dụng dùng đựng nhái, cá, có hình túi bằng vải hoặc lưới, miệng có dây gút. Trời chập choạng là tôi xin cha mượn cây đèn soi- loại đèn có chụp và chá sáng đội trên đầu, phía lưng tôi quảy bình ắc quy 3 hộc để đi soi cùng tụi thằng Ốc, thằng Giang...

Thời đó, hễ có mưa là nhái nhiều lắm: trên bờ mẫu ruộng, ven ven bờ lá dừa nước hay thậm chí ở lối cỏ ven đường đi. Những chú nhái buổi tối trở nên chậm chạp khiến lũ trẻ chúng tôi dễ dàng bắt bằng tay. Nhái đầu mùa nhiều và mập mạp nên người dân quê tôi chỉ bắt nhái cơm, kế đến là nhái bầu chứ ít khi bắt nhái bén, nhái chàng và nhái hương vì thịt không ngon và không thơm. Những bữa bắt nhái ít, má tôi lột da kho tiêu hoặc bằm nhuyễn dồn khổ qua cho cả nhà ăn. Lên bàn ăn má giới thiệu: "Nhái này của thằng Út bắt tối qua đó nghen", khiến tôi có cảm giác tự hào thật tuyệt. Những đêm bắt nhiều, má tôi bưng thau nhái đã lột da, làm sạch đi bán dọc xóm. Thời đó xứ tôi không bán nhái bằng cách cân ký như bây giờ mà "bán mớ"- nghĩa là nhắm chừng định giá hoặc đếm chục để tính.

***

Lớn lên một chút, tôi không thể nào quên những buổi tối mưa dầm theo cha đi bắt ếch. Bận đó nhà tôi ít đất, lại đông con nên hễ mùa mưa là cha tôi lại tranh thủ soi cá, ếch để kiếm tiền chuẩn bị cho anh em tôi vào mùa tựu trường. Với tôi, đồng Bến Bàu những đêm soi ếch lung linh không có vẻ đẹp phố thị nào sánh bằng. Đèn soi cứ sáng rực, nhấp nháy trong đêm. Mùa mưa, ếch gọi nhau bằng thứ âm thanh của sự quyến rũ và yêu thương. Ếch gọi, tìm nhau để sinh sôi, mà theo cách gọi dân dã là "ếch bắt cặp". Để dẫn dụ ếch, mỗi người soi đều có một máy cassette phát băng dây thiều thu sẵn tiếng ếch kêu, đặt trên gò đất cao. Nghe tiếng ếch phát ra từ máy hát, những chú ếch nhảy lại tìm bạn, vậy là cha con tôi tha hồ lượm chiến lợi phẩm. Với những cặp ếch đang "bắt cặp", chỉ cần một cú bắt là đã có 2 con ếch mập tròn.


Quăng chài. Ảnh: DUY KHÔI

Quăng chài. Ảnh: DUY KHÔI

Cha tôi được các chú bác trong xóm gọi là "lão làng" trong việc soi ếch. Cứ nghe tiếng ếch là cha biết hướng nào có ếch để soi. "Tiếng kêu ngắn, đứt quãng là con ếch; kêu nhanh, dài là con nhái. Đang đêm, giữa mịt mùng mắt các loài vật sáng chói, nhìn thấy ánh mắt đỏ là mắt ếch hoặc nhái, để phân biệt với mắt cóc, chuột, rắn… Hễ thấy trời sáng trăng thì nên ở nhà vì ếch không bao giờ ra hang"- cha tôi chia sẻ kinh nghiệm như vậy. Mỗi đêm trúng đậm, cha con tôi có thể bắt gần nửa bao 2 giạ. Cứ tưởng tượng mà xem, đêm giữa ruộng đồng, đèn sáng rực, nối dài như bất tận; tiếng ếch nhái từ máy hát, từ thiên nhiên vang vọng; đâu đó có tiếng có anh Bảy, chú Ba bàn chuyện lúa, chuyện vườn thâm trầm trong đêm lạnh. Làn khói thuốc gò nhập nhòe trong cơn mưa rả rích. Với tôi, đó là bức tranh quê đẹp mà không màu sơn nào vẽ nổi.

Mùa mưa phải chăng còn là mùa của sự thương nhớ những món ăn đồng quê. Ếch từ đồng chẳng phải lột da, chỉ cần trụng nước sôi sạch nhớt rồi làm sạch. Tôi trèo cây lá cách sau vườn chọn những lá đã qua non nhưng vẫn chưa già để xào. Anh Hai leo dừa hái trái dừa khô vắt nước cốt. Vậy là có món ếch xào lá cách nước cốt dừa thơm lừng, béo ngậy cứ đưa hương trong mái nhà lá xập xệ. Quê tôi thời ấy mọc rất nhiều loại rau mui. Đó là loại rau rừng có bông màu vàng, lá thơm nhẹ, rất "bắt" khi xào với ếch, nhái. Ôi, nồi cơm gạo một bụi đỏ đặc sản Hồng Dân- Bạc Liêu nóng hổi, dẻo thơm, chan thứ nước xào bằng nước cốt dừa, nhẩn nha với miếng đùi ếch, mớ rau mui thật khó quên. Vị the the, béo dậy nơi đầu lưỡi, vừa đưa vào miệng đã hòa tan cùng bao xúc cảm của đồng quê mùa sa mưa.

Nhắc đến soi ếch, tôi nhớ đến hai từ "chụp ếch". Đường làng quê tôi chừng 20 năm về trước toàn là đường đất, mưa xuống trở nên sình lầy, trơn trợt. Bọn trẻ chúng tôi đi học phải xắn quần quá gối, tháo dép quảy trên cổ và đi phải biết cách: bấm 10 ngón chân chặt vào đất mà đi để không bị té. Thế nhưng có vài bạn nhỏ liếng thoắng, đùa giỡn té sõng soài nên bị chúng tôi chọc là "chụp ếch". Tuổi thơ tôi cũng đi liền với chiếc trống ếch. Cha tôi chọn những con ếch lớn lột da, phơi khô để bịt vào lon sữa bò cho chúng tôi chơi. Cha còn dùng nước sơn sơn lon sữa bò, rồi vẽ bát quái lên mặt trống rất đẹp. Âm thanh trống ếch không vang vọng mà trầm đục; và với riêng tôi, phảng phất chút gì man mác những buổi sa mưa giông…

***

Mùa mưa cũng là mùa cá lên. Nếu như mùa hạn, ruộng đồng khô nẻ, cá không có chỗ trú ngụ nên tìm đường bơi ra sông rạch, gọi là mùa cá ra. Mùa mưa đến, những dòng nước mưa xối xả xuống ruộng đồng, làm mềm đất, ngập tràn bờ mẫu, chảy ra sông rạch. Từ những đường chảy ấy, cá ngược dòng tìm về "cố hương" để sinh sôi nảy nở, gọi là mùa cá lên hoặc cá lên đồng. Đây là mùa cá đồng ngon nhất trong năm vì con nào cũng no tròn và bụng căng đầy trứng.


Bắt nhái mùa mưa. Ảnh: DUY KHÔI

Bắt nhái mùa mưa. Ảnh: DUY KHÔI

Những cơn mưa đầu mùa như trút nước ngập tràn đồng ruộng, trắng xóa làng quê, lũ trẻ chúng tôi lại xách đụt bắt cá lên. Những chú cá về "cố hương" như ngập ngừng, như xa lạ, chẳng biết bơi đi đâu, về đâu được chúng tôi… tóm gọn cho vào đụt. Thời đó, xứ tôi cá nhiều vô số mà nhiều người miêu tả bằng hai từ "minh thiên". Giờ, khó mà tưởng tượng nổi, chú bé sáu, bảy tuổi vẫn có thể lượm được vài con cá "lóc cửng" hoặc dăm ba con cá rô "trộng trộng". Má tôi tinh ý lắm, bà ngắm nhìn những con cá tìm đường về đồng và rút ra những phương cách: cá trê trắng, cá trê vàng dùng hai cái ngạnh nhọn mà leo trèo qua những bờ đất; cá rô tận dụng hai cái mang bén để bò, trườn qua những vách cao ao hồ; cá lóc không có ngạnh cũng không có mang bén nhọn thì tận dụng sức mạnh và thân hình thon dài để phóng lên cao… Rồi má kết luận với tôi rằng: "Để tìm đường sống, con cá phải tận dụng mọi thứ mình có, phải biết thế mạnh của riêng mình". Câu nói của má, tới giờ tôi vẫn suy nghĩ nhiều!

Mùa mưa cách đây 25 năm trước, anh Hai tôi 15 tuổi, tập tành giăng lưới, cắm câu phụ giúp cha mẹ nuôi 4 đứa em. Nhà không có tiền sắm cần câu cắm nên anh Hai mượn của người anh trong xóm 50 cần, về hì hục bắt dế, nhái làm mồi. Chập choạng tối, anh Hai vác cần câu ra ruộng, không quên nựng tôi mà nói: "Anh Hai đi cắm câu, sáng về có cá trê vàng anh nói má nướng, làm nước mắm gừng cho cưng ăn". Tôi chờ đợi trong sự thèm thuồng. Sáng hôm sau, anh Hai về, mặt mày mếu máo: "Cha ơi, mất cần câu hết rồi!". Hỏi ra mới biết, anh Hai tôi cắm câu mà không biết làm dấu và đi theo tuyến mà cứ "đụng đâu cắm đó". Đồng Bền Bàu hàng ngàn công đất, 50 cái cần câu cắm xuống, biết tìm kiểu nào! "Chết hôn, cha quên dặn mày"- cha nói. Vậy rồi cha với má tôi đi tìm cần câu kiểu "được bao nhiêu hay bấy nhiêu". Kết quả là mất gần 20 cần câu, phải mua thường anh hàng xóm. Món cá trê vàng nướng chấm nước mắm gừng của anh Hai hứa hẹn cũng dang dở từ ấy đến nay. Giờ mỗi khi nhắc lại, anh Hai vẫn còn bẽn lẽn...

***

Tôi viết những dòng cuối của bài viết này khi phố thị đang mưa vần vũ. Tôi lại nhớ những buổi dầm mưa lạnh căm căm soi ếch cùng cha; nhớ bữa cơm trong mái lá nghèo vừa ăn vừa hứng mưa dột; nhớ biệt tài giả tiếng ếch kêu của cha khi mà nhà không đủ tiền mua máy hát; nhớ cái thời trẻ dại soi nhái, bắt cá lên… Nỗi nhớ cứ nhập nhòe trong tâm trí của người xa quê và tôi biết ơn những nỗi nhớ ấy đã dung dưỡng ký ức mùa sa mưa thật đẹp trong lòng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo