QL 20 hiện đang được Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng công trình 79 đảm trách việc duy tu, sửa chữa. Công tác dặm vá mặt đường hiện nay của đơn vị này đang được thực hiện bằng một “công nghệ” có một không hai khiến nhiều người bất bình.
Càng vá càng xuống cấp
Tháng 1-2012, Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải (GTVT) đã có văn bản chỉ đạo, theo đó, trong khi chờ hoàn tất dự án khôi phục cải tạo toàn tuyến QL20 (dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2015) thì đường phải được duy tu, sửa chữa những đoạn xung yếu để đảm bảo an toàn giao thông. Đơn vị đảm nhận việc duy tu, sửa chữa dù được Bộ GTVT giao, nhưng lại thực hiện theo kiểu chắp vá một cách khá cẩu thả, gây lãng phí. Theo các nhà chuyên môn, điều này còn làm đường xuống cấp nhanh hơn.
Công nhân Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng công trình 79 dặm vá đường nhựa bằng “công nghệ” đất trộn đá. Ảnh: V. Nam
Người dân khi lưu thông trên tuyến QL này gần đây thường xuyên bắt gặp đội duy tu, sửa chữa đường mà máy móc công nghệ được sử dụng rất đơn sơ, như: cuốc, xẻng… Bên cạnh đó, nguyên liệu dùng sửa chữa chỉ là đất đỏ cấp phối trộn chung với đá rồi đắp vào những “ổ gà” trên đường!
Ông Nguyễn Văn Hùng, một người dân ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất bức xúc: “Tôi không thể hình dung được kiểu vá đường nhựa bằng cách này. Sau mỗi trận mưa là chỗ vá lại như ban đầu, đất đá trôi hết. Đất đỏ chảy ra làm đường dơ thêm, lúc đường ướt, xe chạy qua sình lầy văng tứ tung, khi nắng thì bụi mù. Đá trôi ra mặt đường lởm chởm, xe máy cán lên trượt, rất nguy hiểm. Hình như họ vá đường cho có chứ không nghĩ đến việc nó được hay không”.
Không chỉ ông Hùng mà nhiều người dân ở các huyện Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú cũng bất bình với kiểu dặm vá đường không giống ai này.
Nguy hiểm chết người
Ông Ngô Sỹ Bảng, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú nhận xét, cần phải đề nghị đơn vị thi công xem lại cách dặm vá đường. Theo ông Bảng, kiểu dặm vá theo “công nghệ” độc nhất vô nhị này không chỉ gây bẩn mặt đường mà còn rất nguy hiểm do đá trôi tràn lan ra mặt đường, ngoài ra rất lãng phí. Ông Bảng cũng cho biết, nhiều người dân lưu thông trên tuyến đường này phản ánh tình trạng đá trên mặt đường bị xe ô tô cán lên văng trúng người, rất nguy hiểm. 9 tháng của năm 2012, đoạn QL20 qua huyện Tân Phú đã xảy 12 vụ tai nạn giao thông, cũng do một phần mặt đường bị hư.
Ông Bảng đã đưa ra dẫn chứng về một vụ tai nạn giao thông gần đây khá đau lòng. Theo đó, một người dân chở vợ đi sinh, khi đi trên QL20, do tránh “ổ gà” đã bị xe phía sau đụng, gây tử vong người vợ và đứa con sắp chào đời. Ông Bảng nói: “Khi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, cử tri phản ứng rất gay gắt về tình trạng đường xuống cấp quá nặng nhưng công tác duy tu, sửa chữa không kịp thời. Đơn vị sửa chữa phải có phương án hợp lý hơn”.
Theo giải thích của Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng công trình 79, việc dặm vá đường bằng đá, đất này chỉ là tạm thời do thời tiết xấu không thể thi công bằng bê tông nhựa nóng được (?).
Ông Lê Quang Liêm, Phó tổng giám đốc công ty cho rằng, nguồn vốn dành cho duy tu, sửa chữa đường được cấp khá ít, chỉ có 53 triệu đồng/km/năm nên việc thi công cũng khá khó khăn. Tại buổi giám sát QL20 cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội vừa qua, ông Nguyễn Văn Điệp, Giám đốc Sở GTVT đã yêu cầu Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng công trình 79 ngưng phương án dặm vá đường bằng đất và đá, mà phải có phương án duy tu cụ thể, khi cần thiết phải thi công cả ban đêm để đảm bảo.
Kiểu dặm vá đường bằng “công nghệ” có một không hai này không những không mang lại hiệu quả mà còn làm tăng thêm nỗi bức xúc và mất niềm tin của người dân. QL20 xuống cấp nghiêm trọng, đúng ra đơn vị được giao trách nhiệm duy tu, sửa chữa phải có phương án căn cơ và đề xuất với Bộ GTVT để có thêm kinh phí sửa chữa, thay vì thực hiện một cách thiếu trách nhiệm như trên.
Bình luận (0)