Cua đá được người dân dùng đèn soi, thả lồng lưới đánh bắt quanh năm ở đầm nước mặn Sa Huỳnh. Vào những ngày tối trăng là thời điểm thịt cua săn chắc, ngọt và thơm ngon nhất. Cua đá có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon: cua rang me, kho rim mặn, nấu canh với rau đay, bồ ngót… nhưng với nhiều người, hấp dẫn nhất vẫn là món cua luộc chấm với muối tiêu chanh. Vì món này rất ngon lại chế biến nhanh và khá đơn giản.
Cua đá được người dân đánh bắt bằng lồng lưới trên đầm nước mặn Sa Huỳnh
Chọn những con cua vừa được đánh bắt, có trọng lượng khoảng 15 con/kg, rửa thật sạch rồi cho vào nồi nước đang sôi, rắc thêm vài hạt muối. Sau khoảng mươi phút, thịt cua chín và dậy mùi thơm, toàn thân chuyển sang màu vàng cam thì vớt ra đĩa. Muối Sa Huỳnh xay nhỏ, trộn thêm ít tiêu bột rồi vắt nước cốt chanh để làm gia vị chấm với thịt cua.
Dùng tay tách mai cua, chấm thịt vào muối tiêu chanh rồi đưa vào miệng thưởng thức hương vị thơm ngọt đặc trưng của thịt cua hòa cùng vị mặn mà của muối Sa Huỳnh, vị chua cay của tiêu, chanh. Có lẽ tạo hóa khéo an bày, cua đá sống ở đầm nước mặn (nơi lưu dẫn nước mặn để sản xuất muối ở cánh đồng muối Sa Huỳnh nằm bên cạnh), đem luộc chấm với muối Sa Huỳnh thì quả là tuyệt vời, hơn hẳn cua đá ở những nơi khác.
Món cua đá luộc
Vào những chiều lộng gió ven đầm nước mặn, bên cạnh đồng muối Sa Huỳnh, dăm bảy diêm dân quây quần bên bếp lửa với chiếc nồi kê trên những viên đá nhặt vội. Những con cua vừa bắt trong lồng lưới thả từ đêm trước được rửa sạch rồi cho vào nồi nước đang sôi giữa ráng chiều hư ảo. Mươi phút sau, món cua luộc màu vàng cam cùng với vài ly rượu đế giúp họ xua tan mệt nhọc sau một ngày lao động vất vả.
“Nhậu với cua thì phải ca hát cho vơi đi nỗi nhọc nhằn…” – một lão diêm dân trên 80 tuổi đã nói với tôi như thế. Và tiếng ca của ông lão cứ bay theo gió, lan tỏa trên mặt đầm trong buổi hoàng hôn.
Bình luận (0)