Lương y Võ Hoàng Yên đang điều trị bệnh bằng phương pháp bấm huyệt
LY Võ Hoàng Yên (SN 1975, ngụ ấp Cái Nước, thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), cha tên Võ Hồng Gấm, mẹ tên Nguyễn Ngọc Tươi. Do hoàn cảnh gia đình nghèo, từ thuở nhỏ, ông đã được cha mẹ gửi vào chùa Hưng Nghĩa Tự (thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) để học chữ. Đến năm 16 tuổi, ông vừa học chữ vừa theo học nghề khám bệnh, bốc thuốc theo phương pháp y học cổ truyền tại ngôi chùa này. Người thầy đầu tiên truyền đạt nghề đông y cho ông chính là thầy thuốc nổi tiếng Trần Văn Ba - hiện là Trưởng ban Y tế chùa Hưng Nghĩa.
Sau khi học hết lớp 12, LY Yên tiếp tục thi đậu và tốt nghiệp Đại học Luật TP.HCM (khóa 1997-2001).
Trong quá trình tìm hiểu về nghề đông y nhiều năm, ông đã miệt mài nghiên cứu phương pháp trị bệnh bằng phương pháp bấm huyệt đạo. Và phương pháp của ông ngày càng hoàn thiện theo thời gian.
Theo ông, việc hoàn hảo phương pháp này để chữa bệnh cứu người chỉ trong vòng 3 năm nay trở lại đây. Hiện nay, ông có tổng cộng 51 học trò trong cả nước theo học nghề phương pháp bấm huyệt đạo để trị bệnh. Trong số đó có cả học trò là mục sư và nhiều học trò đã từng được ông chữa hết bệnh nan y nên đề nghị theo ông học nghề cứu người, cứu đời.
Đối với nhiều BN bị bệnh nhẹ như: Thoái hóa cột sống, xương khớp tay, chân, viêm xoang, học trò của ông cũng trị hết bằng phương pháp bấm huyệt đạo do ông truyền dạy.
Trả lời qua điện thoại, LY Võ Hoàng Yên cho hay, hiện nay ông đang trị bệnh cho bà con ở Hà Tây. Sau đó sẽ trị bệnh cho bà con nghèo ở tỉnh Phú Thọ và một số tỉnh miền Trung.
Sau khi đi qua miền Trung và phương Bắc, ông sẽ trở lại Bình Phước trị bệnh.
Sau đó, ngày 17 và 18 âm lịch tháng 4, ông sẽ chữa bệnh cho bà con ở một ngôi chùa thuộc xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên.
Ngày 19 và 20 âm lịch tháng 4, ông sẽ trở lại trị bệnh cho bà con ở chùa Thiên Ân (TX.Thuận An).
Bản đồ đi đến chùa Thiên Ân, Bình Dương
Trả lời câu hỏi của chúng tôi "Tại sao ông không chữa bệnh ở một nơi cố định để BN dễ tìm để nhờ trị bệnh?" Ông trả lời rằng, thứ nhất, hiện nay, ông chưa có giấy phép hành nghề, thứ hai là do ông chưa có một nơi chữa bệnh ưng ý, rộng, thoáng mát để đáp ứng nhu cầu bà con. Riêng phía nhà dân, cũng có nhiều người mời ông nhưng vị trí chữa bệnh nhỏ, hơn nữa ông sợ nhiều bà con tụ tập đông sẽ ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Sở dĩ nói điều này là ông đã từng bị phạt hành chính gần 80 triệu đồng vì tội "hành nghề không giấy phép".
LY Võ Hoàng Yên cho hay, ông sẵn sàng hợp tác với cơ quan chuyên môn và cơ quan quản lý ở địa phương. Ông mong rằng, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho ông khám, chữa bệnh cho người dân để giúp nhiều người dân không may mắn lành bệnh.
Ông thông tin thêm, hiện nay, đang có một người tên Minh, chủ một chủ doanh nghiệp ở Bình Phước mời ông về trị bệnh. Vị giám đốc này sẵn sàng hợp tác và xây dựng một nơi đạt chuẩn để ông trị bệnh giúp đời. "Thú thật, tôi không có nơi đủ lớn, thoáng mát để trị bệnh giúp đời. Do vậy, nơi nào tạo điều kiện giúp tôi, tôi sẽ đến đó trị bệnh giúp bà con" - LY Yên cho biết.
Xin đừng thần thánh hóa việc làm của tôi!
Biết tôi là nhà báo, LY Võ Hoàng Yên có nhắn nhủ thêm rằng: "Xin mọi người đừng thần thánh hóa cách chữa bệnh của tôi, đừng gọi tôi là thần y này nọ! Điều này tôi đã có một bài trả lời trên một tờ báo rồi. Tất cả những gì tôi làm là mong muốn đem kiến thức về y học cổ truyền của mình ra giúp đời. Việc tôi không nói trước được nơi chữa bệnh sắp tới và ngày chữa bệnh cụ thể là vì tôi không muốn làm người thất hứa. Thực tế, bệnh nhân (BN) quá đông và nhiều nơi dự kiến chữa 1 - 2 ngày nhưng phải ở lại 3 - 4 ngày vẫn chưa hết BN. Thế nên tôi không nói nơi mình sắp đến là thế. Chứ không có gì là "hành tung bí mật cả". Điều này cũng rất mong bà con thông cảm". Tôi cũng không mong muốn bà con nhìn vào cách chữa bệnh của tôi một cách mê tín. Tôi theo đạo Phật, ăn chay trường và luôn lấy chuyện giúp người bệnh làm niềm vui.
Hơn một buổi chứng kiến lương y Yên chữa bệnh, tôi càng nhìn rõ hơn được một con người chất phác, trọng tình cảm nơi thầy. Một cô bạn học đi cùng người nhà gọi điện cho thầy khi thầy đang chữa bệnh. Thế là thầy hướng dẫn đường đi đến chùa Thiên Ân rất cụ thể. Chưa yên tâm, thầy Yên đưa điện thoại cho một học trò của mình nhờ đi đón bạn giúp với lời nói pha nụ cười mừng rỡ: "Bạn học hồi trung học của tui đó. Chia tay hơn 15 năm nay giờ mới được gặp lại".
Không thể phụ lòng hàng trăm BN đang chờ, thầy Yên đành vừa chữa bệnh vừa chuyện trò về trường lớp, thầy cô, bạn bè với cô bạn học. Rất dí dỏm, thầy còn đùa: "Hồi đó nhà tui quá nghèo nên đi học chung mười mấy năm có bao giờ dám mở miệng ra tán tỉnh cô gái nào đâu. Nhà nghèo đến không đủ ăn, đủ mặc làm sao dám có bạn gái?".
Có lẽ "cơ duyên" với cái nghèo này và được nhiều chùa giúp đỡ trên bước đường ăn học nên thầy Yên rất thương và lo cho người nghèo. Nơi thầy đến chữa bệnh, nhà chùa thường tổ chức nấu cơm từ thiện để phát cho BN. Cụ thể là chùa Thiên Ân đã nấu hơn 1.000 suất cơm chay phục vụ miễn phí BN và người nhà đi khám, chữa bệnh.
THẦY THUỐC LÊ HƯNG (P.CHÁNH NGHĨA, TX.TDM):
"Nên có giấy phép hành nghề để bệnh nhân yên tâm"
Qua 2 bài báo đăng trên báo Bình Dương về việc lương y Võ Hoàng Yên bấm huyệt chữa bệnh đạt hiệu quả bước đầu trước sự chứng kiến đông đảo của bệnh nhân (BN) (số thứ bảy và thứ hai ngày 23 và 25-4), tôi nhất trí với các đề xuất của bác sĩ Nguyễn Quốc Chính, Phó Chủ tịch Hội Y học cổ truyền tỉnh Bình Phước và ý kiến của TS.Nguyễn Thị Bay (ĐH Y dược TP.HCM) là: Khuyến khích nhóm của thầy Võ Hoàng Yên làm đề tài nghiên cứu khoa học; khi chữa bệnh cho nhiều người (dù là miễn phí) cũng cần phải được một hội đồng y học công nhận hiệu quả bước đầu của phương pháp điều trị, có giấy phép hành nghề để BN yên tâm khi đến điều trị.
Về mặt tác nghiệp khi chữa bệnh, nhóm điều trị cần mặc áo blouse trắng khi thao tác trên người bệnh, kể cả việc rửa tay bằng cồn sát trùng sau mỗi khi chữa xong một ca bệnh. Rất cần thiết có sổ ghi chép sơ lược vài hàng nhân thân người bệnh (họ tên, tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ, bệnh chứng...). Về mặt nguyên tắc khi hành nghề: Phải có giấy cho phép chữa bệnh của ngành y tế (chủ yếu là Sở Y tế địa phương) bất kể việc chữa bệnh có phí hay miễn phí (theo tinh thần luật hành nghề y tế). Cho nên, việc tổ chức bấm huyệt chữa bệnh của thầy Võ Hoàng Yên cũng nên được sự cho phép của ngành y tế địa phương, để bảo đảm tính an toàn cho người bệnh.
Thiện chí của thầy Võ Hoàng Yên và các cộng sự là rất đáng khâm phục, cần phải phát huy vốn y võ quý hiếm của thầy Yên bằng cách: Đề nghị thầy Yên và các cộng sự nên đăng ký với Sở Y tế và Sở Khoa học - Công nghệ làm một đề tài nghiên cứu khoa học theo chủ đề "Bấm huyệt chữa bệnh" để được Nhà nước công nhận chính thức phương pháp này. Lúc đó, thầy Võ Hoàng Yên sẽ dễ dàng xin giấy phép hành nghề. Giải pháp này vừa có lợi cho ngành y tế, vừa có lợi cho đông đảo BN vốn đã tín nhiệm tài năng chữa bệnh của thầy bấy lâu nay là không phụ lòng hảo tâm hảo ý của thầy Võ Hoàng Yên là "cứu nhân độ thế"!
* Chùa Thiên Ân nằm trên đường Thủ Khoa Huân, phường Thuận Giao, TX. Thuận An, Bình Dương. Cách đi đơn giản nhất là theo đường Quốc lộ 13 hướng từ TPHCM, đến ngã tư Hòa Lân (Thuận Giao, Thuận An) và quẹo phải khoảng 1km thì sẽ đến chùa Thiên Ân.
Bình luận (0)