Từ trung tâm thành phố Đà Lạt, du khách đi hướng về núi Langbiang rồi rẽ theo đường 722, qua đập nước An Kroet vài cây số nữa là đến làng du lịch Cù Lần. Bao bọc làng là khoảng 200ha đồi rừng, gồm 150ha rừng thông thuần loại và 50ha rừng lá rộng. Làng Cù Lần như một thiên đường xanh, với tiếng suối chảy róc rách, tiếng thông reo vi vu, văng vẳng tiếng chim rừng thánh thót. Giữa không gian ấy, thời gian như ngừng nhịp, thiên nhiên và con người hòa quyện giữa chốn bình yên, khoáng đạt.
Làng Cù Lần ở thôn Suối Cạn, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Dường như người ta gọi làng du lịch Cù Lần do những hàng cây cù lần bao bọc ven hồ, ven suối; và những chú cù lần hiền lành, lặng lẽ cứ cuộn tròn bất động trên các nhánh cây, chỉ có ánh mắt trong veo sinh động như dõi theo du khách.
Từ trên đầu dốc nhìn xuống, ấn tượng đầu tiên chính là từng mái nhà của làng Cù Lần được che phủ thêm một lớp lá thông khô như làng muốn giấu mình trong thiên nhiên. Giữa thung lũng là một bãi cỏ xanh mướt, một hồ nước rộng. Theo lõi nhỏ lát đá xuống trung tâm làng là gặp cả một rừng hoa kim châm vàng điểm xuyết bằng những đóa hoa tú cầu tím…
Không chỉ có rừng đồi, suối hồ và cỏ cây nguyên sơ, làng Cù Lần còn là địa điểm vui chơi giải trí thú vị. Để khám phá thiên nhiên, khách có thể dùng dịch vụ xe jeep hoặc đi xe đạp hay đi bộ. Băng qua những đồi dốc uốn khúc là những con suối róc rách nước chảy mát lạnh. Làng Cù Lần có sức hấp dẫn riêng. Những nhà đầu tư đã khai thác hợp lý để tôn tạo vẻ đẹp của thiên nhiên.
Đi bằng xe jeep, khách ngồi lắc lư băng qua rừng thông. Thỉnh thoảng, khách xuống đi bộ vượt qua một con suối nhỏ. Thú vị nhất là đi qua chiếc cầu treo đong đưa dài chừng một trăm mét. Nếu sợ độ cao và không chịu sự rung lắc mạnh, khách sẽ khó đi qua hết chiếc cầu. Cung đường khám phá này dài khoảng 4 cây số để khách chiêm ngưỡng rừng thông thiên nhiên và địa hình đồi dốc với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Ở đây, cây "dớn" được người dân bản địa cho rằng thể hiện cuộc sống bất tử. Đó là loại cây khá giống với dương xỉ. Chúng mọc khá nhiều ở vùng rừng này. Khi rừng thông chẳng may bị cháy, cây dớn bị cháy gần như thành tro. Thế nhưng, chỉ sau vài cơn mưa đầu mùa, chúng hồi sinh nhanh chóng và mọc lên tươi tốt.
Du khách có một không gian rộng 5-7 ha để khám phá. Chỉ với hồ nước, du khách đã mất một thời gian khá dài. Thật thú vị khi tự tay kết bè tre rồi chèo ngang hồ thiên nhiên rộng lớn này. Du khách có thể sử dụng thuyền độc mộc, tự chèo để trải nghiệm. Khi mỏi chân, khách dừng lại chợ Chồm Hổm để khám phá nét chợ búa dân dã. Hay dừng chân lại phòng tranh, du khách thỏa sức thưởng thức những bức tranh sơn nước, sơn dầu của các họa sĩ nổi tiếng từ mọi miền đất nước.
Cảnh quan thiên nhiên và không gian kiến trúc làng du lịch Cù Lần đáng để du khách rời bỏ trung tâm Đà Lạt để lên đây…ở trọ. Một nơi đáng để ở lại không chỉ một vài ngày, một vài lần. Những mái nhà gỗ nằm dưới tán thông, bên cạnh hồ nước vàng rực hoa kim châm đủ để khách thư thái, xua đi những mệt nhọc, lo toan của đời thường. Khi lang thang, khách có thể dừng chân lại ở những ngôi nhà sàn đó. Chủ nhân đã khéo léo thiết kế những ngôi nhà nghỉ chân để khách ngồi ngắm cảnh, hóng mát.
Giá vé vào cổng chỉ 30.000 đồng/người, khách tự do khám phá du du lịch Cù Lần tùy thích, không giới hạn thời gian. Khách có thể mang theo thức ăn vào đây mà không cần trả phí gì thêm. Hàng ngày, có rất nhiều đoàn du khách đến đây để khám phá và chơi các trò chơi tập thể, như thi kết bè tre vượt hồ nước rộng 2 ha; thi bắt vịt thả trên hồ nước rộng và rất nhiều trò chơi hấp dẫn. Làng Cù Lần đã trở thành điểm đến dã ngoại lý tưởng. Không chỉ đến để khám phá, người ta còn đến Cù Lần để ở trọ giữa rừng !
Bình luận (0)