Miền Tây, nhất là Đồng Tháp, An Giang, hằng năm tới mùa nước nổi, cua - ốc nhiều vô số kể, nhiều đến nỗi người ta bắt cua đem phơi khô bán cho các cơ sở chế biến thức ăn gia súc và ốc thì làm thức ăn cho cá. Thế nhưng, từ 5, 6 năm trở lại đây con cua con ốc lại lên ngôi, nhất là mùa nắng, giá một ký cua đồng tương đương với 1 ký cá tạp, gấp 10 lần giá cua năm 2000.
Đặt lọp cua tại xã Trường Xuân - Đồng Tháp Mười.
Anh Nguyễn Văn Sơn, một thương lái chuyên thu gom cua đồng giao lại cho các vựa ở An Giang cho biết, sở dĩ giá cua tăng cao là vì sản lượng ngày càng ít, cung không đủ cầu, nhất là thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiêu thụ rất mạnh …
Hiện nay, tại các xã dọc theo biên giới, kinh Vĩnh Tế và Đồng Tháp Mười…số người chuyên sống bằng nghề bắt cua, bắt ốc lên đến hàng trăm. Tới mùa nước nổi họ tất bật chuẩn bị nào lọp, lờ, dớn, nào ghe xuồng để ra đồng đánh bắt. Nhiều nông dân ở An Phú, Tịnh Biên còn bơi xuồng qua khỏi biên giới Campuchia để thuê mặt nước đánh bắt thủy sản, không khí diễn ra thật rộn ràng.
Tại chợ Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú (An Giang) vào mùa này, ngày nào người dân Campuchia cũng chở hàng tấn cua, ốc sang bán cho bạn hàng Việt Nam.
Ở Cần Thơ, tại các huyện Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh… hiện nay bà con đang bắt đầu khai thác các đặc sản mùa nước nổi, rộn ràng nhất là cua và ốc. Hiện dọc theo các tuyến đường Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, nhất là đường 91B (thuộc địa giới Thới An Đông và ngang Bệnh viện Đa khoa Trung ương) nhiều nơi đã bày bán cua, ốc, chuột sống và các loại đặc sản miệt vườn gợi nhớ về những mùa lũ cơ man cá tôm và nhiều sản vật mùa nước nổi chỉ có ở xứ này.
Trước đây, cua là món ăn dân dã chỉ dành cho người nghèo. Hiện nay, cua đồng, ngoài việc sử dụng càng, thịt cua xay, nhiều người còn chế biến thành riêu cua để tung ra thị trường và mặt hàng này hiện đã có mặt tại một số siêu thị.
Cua bắt được bà con thường mang ra các chợ đầu mối để tuyển chọn, phân loại và vô bao trước khi giao cho thương lái. Có thể nói An Giang và Đồng Tháp là nơi có nhiều chợ cua và ốc nhất miền Tây. Nói là chợ, thật ra chỉ khoảng 20-30 người nhóm họp. Tuy nhiên, không khí cũng không kém phần sôi động. Người bơi xuồng, người dùng xe thồ hoặc xe ba gác rộn ràng chở sản phẩm từ đồng bưng ra chợ. Vào thời điểm này, ốc bán lẻ tại chợ có giá 20.000đồng/kg và cua đồng từ 20.000-40.000đồng/kg (tùy loại), cao gần gấp rưỡi năm rồi.
Cua và ốc miền Tây một phần được chuyển đi các vựa đầu mối để phân phối cho các nhà hàng, quán ăn và người mua lẻ tại địa phương, một phần được chuyển lên TP Hồ Chí Minh. Chỉ trong vòng 2 ngày, con cua và con ốc từ đồng bưng đã về tới phố chợ, qua cơ sở chế biến rồi vượt hàng trăm cây số để hiện diện trong các nhà hàng, quán ăn, biến thành các món ngon đặc sản, thỏa mãn khẩu vị của người sành ăn, không phân biệt giàu, nghèo.
Bình luận (0)