Sau khi chiếc chiêng gió đeo làm bằng tre, nứa được tạo ra từ nguyên lý của những chiếc chuông gió, vận dụng theo lối biểu diễn nhạc cụ của người M’nông ra đời, được công nhận và đưa vào sử dụng, Nghệ sĩ Trương Ân lại tiếp tục sáng tạo nên chiếc đàn đá san hô - một loại nhạc cụ độc đáo, mang về từ Trường Sa thân yêu.
Hơn 30 năm công tác ở Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh, trong đó gần 14 năm tham gia biểu diễn, nghiên cứu và chế tác nhạc cụ bằng những loại vật liệu thô sơ như tre, nứa, lồ ô, đá… đóng góp không nhỏ vào kho tàng âm nhạc dân tộc Tây Nguyên, nhưng với nghệ sĩ Trương Ân chiếc đàn đá san hô có lẽ là nhạc cụ độc đáo và mang nhiều ý nghĩa.
Ông không tự nhận mình là người đầu tiên thổi hồn cho đá san hô và bắt nó ngân lên tiếng ca của biển cả mênh mông mà với ông đàn đá san hô và âm thanh của nó như làm mọi người được gần gũi hơn với Trường Sa thân yêu, để gửi sự cảm thông chia sẻ của mình đến những người lính đầu sóng ngọn gió ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc.
Cơ duyên đưa ông đến với nhạc cụ đàn đá san hô cũng thật tình cờ. Đó là vào những ngày cuối tháng 4-2008, trong chuyến công tác tại đảo Trường Sa, khi đang tận hưởng không khí trong lành của biển khơi và đi dạo trên bờ cát trắng, ông bắt gặp những phiến san hô theo từng làn sóng cuộn vào bờ. Nhìn ngắm chúng ông tự hỏi liệu mình có bắt được chúng hát như chiếc chiêng gió đeo làm bằng tre, nứa hay không. Câu hỏi đó cứ thôi thúc ông suy nghĩ và nuôi dưỡng ý tưởng sẽ làm một cây đàn đá san hô để bắt chúng hát những giai điệu đến từ biển cả.
Nghệ sĩ Trương Ân giới thiệu và biểu diễn trên Đàn đá san hô do mình sáng tạo.
Không để ý tưởng và cơ hội qua đi, vậy là ông cứ miệt mài nhặt từng viên đá, gói bọc cẩn thận đem về, lựa chọn, phân loại những viên đá có âm thanh ưng ý, theo từng nốt và âm điệu khác nhau, để ghép lại thành một cây đàn hoàn chỉnh. Rồi ông say sưa đánh và tìm những bài hát phù hợp với âm điệu của chiếc đàn độc đáo này để phối nhạc.
Niềm đam mê sáng tạo của ông được đền đáp xứng đáng bởi âm thanh của cây đàn đá san hô không chỉ sử dụng để độc tấu hoặc hòa tấu với dàn nhạc mà nó còn hợp với cả dàn nhạc dân tộc lẫn dàn nhạc điện tử.
Ông nhớ lại: “Khi đưa từng viên đá san hô gõ vào nhau chuỗi âm thanh phát ra khác thường trên nền sóng vỗ rì rào của biển khơi như kích thích cuốn hút niềm đam mê sáng tạo và thôi thúc tôi phải làm bằng được cây đàn”. Nhờ âm thanh lạ, độc đáo, trong trẻo thánh thót, không bị bồi âm và rất ổn định đã khiến nhạc sĩ Sĩ Hùng (Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh) trào dâng cảm hứng, viết liền một mạch tác phẩm độc tấu mang tên “Hát với đảo xa”, kết hợp sự hài hòa giữa tiếng sóng biển dạt dào với âm hưởng dân ca Tây Nguyên và dân ca vùng Nam Trung bộ.
Sau gần một tháng nghệ sĩ Trương Ân miệt mài tập luyện cho diễn viên múa kiêm biểu diễn nhạc cụ dân tộc H’Joanh Niê Kdăm thể hiện tác phẩm này trên đàn san hô. Tiết mục độc tấu đàn san hô “Hát với đảo xa” trong “Liên hoan Đội tuyên truyền Văn hóa tuyến Biên giới, Bờ biển Khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ VI” tổ chức tại tỉnh Phú Yên đã giành được Huy chương Vàng vào đầu tháng 8-2008.
Năm 2009, tại “Hội diễn liên hoan toàn quân khu vực miền Trung- Tây Nguyên” tổ chức ở Gia Lai, chiếc đàn đá lạ tiếp tục mang về Huy chương Bạc cho đoàn.
Với nhiều người nhắc tới đàn đá san hô họ không khỏi ngỡ ngàng, ngạc nhiên bởi đá san hô chủ yếu được dùng để trang trí cho bể cá, tủ kính, nhưng dưới bàn tay khéo léo, sáng tạo của nghệ sĩ Trương Ân những hòn đá san hô từ đảo xa phải thổ lộ hết tâm tình chất chứa trong mình qua từng tiếng nhạc mang chất biển đến với những người yêu nhạc.
Bình luận (0)