Lên liếp nhiều, cưa gốc cũng nhiều
Rẽ vào ngôi nhà đang chất một đống “củi cam”, chúng tôi gặp chị Hai Hường (ấp Vĩnh Thành- Vĩnh Xuân). Chị Hường chỉ tay ra phía sau nói: “Bỏ ở đây một mớ, còn một mớ phía sau vườn nữa kìa. Cưa gần chín trăm gốc lận mà”.
“Thấy người ta trồng cam, nghe đài nói thu nhập cả trăm triệu đồng một công, nên ba tui ham quá”. Vậy là bỏ lúa, đắp mô 2,5 công ruộng, trồng cam. Tới nay đã qua 5 năm, cây cam đã cao khỏi đầu, tiền đầu tư vào vườn đã có bạc trăm triệu nhưng thu lại thì chẳng đáng là bao.
Chị Hai Hường nói: “Ba tui không rành kỹ thuật, hỏi người ta cũng chỉ sơ sịa thôi hà, nên trái toàn ra mùa thuận, lại không to đẹp nên bán giá không cao, thu nhập không bao nhiêu. Làm lỗ không hà. Đợt triều cường năm ngoái ụp lên, cây bệnh cây chết. Đầu tư thêm nữa thì đâu có tiền nên mới đốn bỏ hết”.
Kế bên vườn của chị Hai Hường là cam tơ, “mới cho trái chiếng, mà cũng sắp tiêu, bị vàng gần hết vườn luôn” nên “cũng chuẩn bị đốn”.

Chị Hường bên đống cam khô.
Chỉ cách đó một đoạn đường ngắn, chúng tôi bắt gặp “củi cam” chất đống để phía trong vườn. Chị Kim Nhung ở ấp Mỹ Thuận (Tân Mỹ) cho biết: “Đó là 2 công cam 5 năm tuổi, đã bị cỗi (già). Cây chỉ ra trái nhỏ nhỏ, bán không bao nhiêu tiền nên đốn bỏ”. Chị giải thích thêm: Giá bán nếu dưới 16.000 đ/kg là coi như không có lời, vì phân thuốc bây giờ rất đắt. Thà đốn bỏ cho… chắc ăn. Sợ là đầu tư quá nhiều mà lấy lại không bao nhiêu.
Chị Kim Nhung từng thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm từ cam sành, nhưng nay chị cũng sợ: “Phân thuốc cho 5 công cam, mỗi lần trả tiền cho đại lý là tới cả trăm, trăm mấy triệu. Hễ được cam, được giá thì một lời một, nhưng một mùa thất bại là coi như đứt vốn vài trăm triệu như chơi”.
Cho nên quyết định “xuống cam” làm ruộng của chị Nhung đã được tính toán kỹ càng: “Mấy vườn cam của cậu, chú, bạn bè tui cũng đã đốn và sắp đốn rất nhiều. Vì ở đây, hễ vườn nào đã nhiễm (bệnh vàng lá greenning) rồi thì chỉ có nước đốn bỏ, để lại càng đầu tư càng mất vốn. Có đốn bỏ trồng lại cũng vẫn bệnh nữa”.
Hiện chị Nhung vẫn còn 8 công cam đang cho trái. Nhưng theo chị, để đạt năng suất và chất lượng, phải đầu tư vài trăm triệu mỗi năm. Do đó, “chuyện tương lai” vẫn chưa thể nói trước: “Tui định 2 công đang bị hư sẽ đốn làm lúa luôn, đợi vài năm mới tính tiếp”.
Bà Bùi Thị Tươi ở ấp Gia Kiết (Tân Mỹ) vừa bửa củi cam, chất cự, vừa nói: “Tui xin mấy trăm cây này là của vườn ông Mười Đông”. Hàng trăm cây cam, cưa thành củi xếp gọn gàng. Bà nói “cây này già không à, chứ không phải bị hư, cũng ăn được một mớ rồi”.
Cách đó một đoạn, thấy một nhà từ trước ra sau toàn là củi cam, chúng tôi bước vào chưa kịp hỏi thì chủ nhà hỏi ngược lại “Bán cam hư hả? Mấy công?” Chủ nhà cho biết, gần đây có nhiều người bán cam hư tại vườn, giá vài ngàn đồng/cây, nên mua về để dành nấu rượu.

Nhiều nhà củi cam chất thành đống
Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Tám– Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Trà Ôn, huyện có 2.165ha cam sành, trong đó, 1.390ha hiệu quả kinh tế khá cao. Đồng thời, mỗi năm có hơn 40ha cam đốn làm ruộng, hoặc hoa màu thì cũng có tương đương chừng 40- 50ha lên liếp mới trồng cam.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Tám, nguyên nhân đốn cam một phần là do cam già, cam bệnh… nhưng đa số là do người dân trồng những nơi không được khuyến cáo, trồng nhiều mà không có vốn đầu tư và vật tư tăng cao mà giá cam không cao nên người ta chuyển qua trồng lúa liền.
Nhà nông đang đánh cược?
Theo thực tế các nhà vườn cũng như tính toán của Phòng Nông nghiệp và PTNT Trà Ôn, thu nhập từ vườn cam sành rất cao. Năm 2011, với gần 800ha cam mùa thuận trong huyện, năng suất bình quân đạt 22- 25 tấn/ha, giá bán 10.000- 15.000 đ/kg, tổng thu nhập 220- 375 triệu đồng/ha, trừ chi phí từ 100- 120 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân đạt 100- 255 triệu đồng/ha.
Trong mùa nghịch, có 1.390ha, năng suất bình quân 20- 22 tấn/ha, giá bán 20.000- 23.000 đ/kg, tổng thu nhập 400– 506 triệu đồng/ha, chi phí 150– 190 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt 250– 316 triệu đồng/ha. Cá biệt, một số vườn đạt năng suất 30- 40 tấn/ha, gặp lúc bán giá cao, nên thu nhập trên 600 triệu đồng/ha, trừ lợi nhuận, lời trên 410 triệu đồng/ha.
Chính lợi nhuận “khủng” đã khiến cho rất nhiều nông dân “lao” vào cam. Những triệu phú cam sành tại địa phương càng làm “nức lòng người hâm mộ”. Tuy nhiên, từ đây đã nảy sinh những vấn đề như đã nói ở trên: không ít hộ dân chỉ vì ham lợi nhuận mà trồng cam, bất chấp địa điểm có nằm trong khu quy hoạch, khu vực khuyến cáo hay không; đồng thời, bất chấp cả việc không rành về kỹ thuật.
Như theo lời của chị Kim Nhung, em của chị, cũng vì thấy trong xóm nhiều người “trúng mánh” cam sành nên lên liếp làm theo. Chưa ăn được thì cây cam đã bị vàng lá, phải đốn bỏ hết, “tốn mấy triệu đồng mướn máy cào, móc gốc, ban đất mới sạ lúa lại được”.

Người dân xót xa dọn vườn cam.
Trong khi đó, theo các kỹ sư nông nghiệp, cây cam sành là cây đòi hỏi kỹ thuật và chăm sóc, đầu tư phân thuốc rất cao, nhất là muốn cho trái vụ nghịch. Mặt khác, bệnh vàng lá greening vẫn đang hoành hành chưa có thuốc đặc trị, còn bệnh vàng lá thối rễ tuy đã có thuốc trị rồi, nhưng nếu đầu tư không tốt thì hiệu quả cũng không cao. Vì vậy, việc nông dân tự phát đắp mô trồng cam, để rồi vài năm sau phải đốn bỏ là rất tốn kém chi phí về thời gian, công sức cho gia đình lẫn xã hội.
Theo khuyến cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Trà Ôn, người dân chỉ nên lên liếp ở những vùng đất chủ động được nước (như từ phía Quốc lộ 54 trở lên kinh Trà Ngoa, một phần xã Thiện Mỹ, Vĩnh Xuân, Tích Thiện và Thuận Thới,...).
Còn khu vực xã Nhơn Bình, Hòa Bình và một phần của Trà Côn,… thì phèn nhiều và tới mùa nước bị ngập, nên rất khó trồng. Nếu ai giữ được mực nước (từ gốc đến mặt nước ao khoảng 80- 100cm) thì có thể trồng. Nhưng chỉ nên làm với diện tích vừa sức mình để chăm sóc đầu tư thật tốt. Bởi nói như Thạc sĩ Nguyễn Văn Tám, cây cam là cây nhà giàu, nếu nhà vườn không đầu tư nhiều, đúng kỹ thuật, thì sẽ còn… đốn dài dài. Và bài toán trồng- chặt vẫn là câu chuyện đau đầu của nhà vườn lẫn nhà quản lý.
Để “đón đầu” nhà vườn trồng mới vườn cam sành, năm 2011, chú Hai Minh (xã Tân Mỹ) đã ươm một công cam giống trên đất ruộng (gốc cam mật rồi ghép bo cam sành). Thấy nhà vườn hỏi mua nhiều, năm nay chú tiếp tục làm thêm 2 công (giá 8.000 đ/cây).
Bình luận (0)