Đồng chí Hà Thị Điểm, Chủ tịch Hội CTĐ TP Uông Bí cho biết: “Người sáng tạo ra bài thuốc là ông Phùng Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Hội CTĐ TP Uông Bí. Từ khoảng năm 1994, ông Hải đã dùng 3 loại cây lá thuốc lấy từ núi Yên Tử là địa liền, gừng gió và trầu 1 lá ngâm với rượu thành loại dầu xoa. Dầu này dùng để xoa ngoài da chữa các chứng đau xương, đau khớp. Đặc biệt, mỗi khi leo núi Yên Tử, cơ thể chân tay đau nhức, chỉ cần xoa bóp dầu vài lần là hết đau. Sau khi ông Phùng Hải mất, Hội CTĐ TP Uông Bí đã duy trì và phát triển bài thuốc này”.
"Sản phẩm” được bày bán tại Phòng khám y học cổ truyền, Hội CTĐ TP Uông Bí.
Những năm gần đây, dược sĩ Bùi Ngọc Tuyên - tình nguyện viên có thâm niên của Hội đã phát triển bài thuốc lên thành 5 vị (thêm hồi, quế ở miền Đông của tỉnh), tất cả được ngâm với rượu nấu từ gạo. Nhờ đó, “Dầu tiên Yên Tử” có hương thơm hơn, khi dùng hết có thể đổ tiếp rượu vào ngâm để sử dụng được nhiều lần hơn.
Dược sĩ Bùi Ngọc Tuyên cho biết: “Đây là bài thuốc gia truyền dễ làm, dễ sử dụng, hiệu quả cao. Dầu có thể dùng xoa bóp ngoài da cho người tê lạnh chân tay, đau xương khớp, hoặc pha với nước ngâm tay, chân; cũng có thể pha với nước ấm tắm, xông cho người ốm mệt. Dầu xoa này có thể dùng cho tất cả mọi người, cả trẻ em từ hai tuổi trở lên”.
Năm 2008, Hội CTĐ TP Uông Bí đã làm thủ tục và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng đăng ký nhãn hiệu độc quyền “Dầu tiên Yên Tử”. Mỗi năm, Hội sản xuất được từ 500 đến 1.000 chai dầu, dung tích 0,5 lít/chai.
Ngoài dầu nước, Hội còn cô đặc sản phẩm thành dạng cao để xoa bóp. Sản phẩm chủ yếu được trưng bày, bán ở Phòng khám y học cổ truyền (trụ sở Hội), Trạm Sơ cấp cứu Yên Tử (do Hội quản lý). Số tiền thu được từ bán dầu xoa được quay vòng sản xuất và đóng góp vào Quỹ để Hội hoạt động nhân đạo, từ thiện. Trong những chuyến thăm, khám bệnh nhân đạo do Hội CTĐ TP Uông Bí tổ chức, sản phẩm “Dầu tiên Yên Tử” còn được phát miễn phí cho người nghèo, người già có hoàn cảnh khó khăn.
Có thể nói, “Dầu tiên Yên Tử” là bài thuốc quý, dễ làm, dễ sử dụng, đóng góp vào việc phát triển y học cổ truyền, chăm sóc sức khoẻ người dân. Tuy nhiên, sản phẩm đã ra đời gần 20 năm nay nhưng lại phát triển chưa tương xứng với giá trị của bài thuốc.
Bà Hà Thị Điểm cho biết: “Dầu tiên Yên Tử được nhiều người sử dụng, tin dùng. Song, vì nhiều lý do như thiếu vốn, nhân lực, địa điểm bán, thông tin tuyên truyền v.v.. nên nhiều năm qua sản phẩm khó được phát triển rộng ra thị trường. Đây là điều đáng tiếc vì chúng tôi thường xuyên nhận được điện thoại, phản ánh của khách hàng, nhất là những người thường hành hương về Yên Tử hỏi dầu được bán ở đâu, còn sản xuất không...”.
Hiện, TP Uông Bí đang triển khai xây dựng thương hiệu cho mai vàng Yên Tử, rượu mơ Yên Tử với số kinh phí khá lớn nhằm phát triển, nâng tầm sản phẩm đặc trưng của Yên Tử nói chung, Uông Bí nói riêng. Sản phẩm “Dầu tiên Yên Tử” cũng là một trong những sản phẩm sử dụng lâm sản đặc thù vùng núi Yên Tử. Nếu có sự quan tâm, đầu tư thì việc “Dầu tiên Yên Tử” trở thành mặt hàng dược liệu quý, là sản phẩm phục vụ du lịch, nhất là trong mùa lễ hội Yên Tử hàng năm là điều không khó thực hiện.
Bình luận (0)