Nước ta hiện có gần 13.000 ngôi chùa. 60% trong số đó theo hệ phái Bắc tông, số còn lại theo hệ phái Nam tông. Chùa cổ thường khiêm tốn về diện mạo nhưng sắc sảo về trang trí, tinh tế về kiến trúc, không gian trầm mặc, linh thiêng và thường ở vị trí đẹp nhất. Khác hẳn nhiều chùa mới bề thế khoa trương mà kém phần trang nghiêm và thiếu chất Phật.
Xuân này, thử làm một chuyến hành hương xuyên Việt, viếng các ngôi chùa độc đáo, nổi tiếng cả nước. Từ phương Nam nắng ấm ta có thể ghé lần lượt:
Bửu Sơn tự, còn gọi là chùa Đất Sét. Chùa ở phường 5, TP Sóc Trăng. Có lẽ đây là ngôi chùa độc nhất vô nhị, không chỉ của Việt Nam mà với cả thế giới vì đúng như tên gọi, chùa được làm bằng đất sét, được lấy từ ruộng gần nhà để xây chùa. Trừ kèo, mái nhà và cửa, toàn bộ chùa đều làm bằng đất sét không nung, kể cả những pho tượng như tượng "Bảo tòa thỉnh Phật trụ thế truyền tháp luận" có đến 1.000 cánh sen, mỗi cánh sen là 1 vị thần ngự.
Phía dưới đài sen là "Bát quái Thiên tiên" gồm 8 cung Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Mỗi cung có 2 tiên nữ đứng hầu; dưới đài sen và bát quái có Tứ Đại Thiên vương trấn giữ. Gần đó là Tháp Đa Bảo cao 3, 5 m, có 13 tầng với 208 vị thần, dưới chân tháp có 126 con rồng nâng đỡ. Lục Long đăng (có 3 chóp đỉnh lớn), 7 lư hương nhỏ và các cặp Kim Lân, Thanh sư, Bạch tượng, Bạch hổ, Long mã... đều là những hiện vật được tạo tác tinh xảo.
Chùa do ông Ngô Kim Tòng (1909 - 1970), cư sĩ tu tại gia, chỉ học tới lớp 3, tự mày mò thiết kế và xây dựng suốt 42 năm ròng rã.
Chùa còn có 3 cặp đèn cầy khổng lồ, cao 2, 6 m, đường kính cặp nhỏ là 0,7m, 2 cặp lớn là 1 m. Cặp nhỏ đốt từ năm 1970 đến nay còn 1/5.
Một góc Bảo tòa Liên Hoa ở chùa Đất Sét. Ảnh TL.
Linh Quang tự, còn gọi là chùa Căm Xe, chùa Tây Thiên Nhất Trụ ở xã Điểm Hy, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Nằm cạnh di tích chiến thắng Ấp Bắc. Chùa nguyên thủy đã bị bom đạn phá nát vào năm 1967. Sau này, chùa được tái lập vào cuối năm 2017.
Nét độc đáo của chùa là toàn làm bằng lõi gỗ căm xe. Đặc biệt giữa hồ sen là chùa Một Cột, theo đúng từng nét họa tiết, góc cạnh, chu vi, chiều cao kể cả màu sắc và tỉ lệ 1/1 của chùa Một Cột (ở TP Hà Nội). Gần 500 m3 gỗ căm xe được được chạm trổ sắc sảo để dùng xây chùa. Màu nâu của ngói và tự nhiên của gỗ nổi bật giữa màu xanh ruộng vườn và cây trái, nối với trời xanh, lồng lộng mây trắng, cò trắng.
Linh Quang tự, phía trước là chùa Một Cột, phía sau là chánh điện, toàn làm bằng gỗ căm xe. Ảnh NTH.
Chùa cổ Phật Quang, tên gốc là Bồ Đề, trú phường Hưng Long, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Chùa được xây vào cuối thế kỷ XVII. Xưa dân cư thưa thớt, toàn cát, chạy dài tới biển nên dân gian gọi là chùa Cát. Trải qua 18 đời truyền thừa; thầy Thích Huệ Tánh, đời 44 phái thiền Lâm Tế về làm trụ trì từ năm 1987. Năm 2002, chùa được trùng kiến, to đẹp hơn với 15 vườn tượng Phật nhưng chùa cũ vẫn giữ nguyên với nhiều pho tượng và pháp khí cổ.
Xưa, chùa có khuôn viên khá rộng nhưng thiếu người chăm sóc, tu sửa nên bị lấn chiếm rất nhiều. Năm 1987, trong lúc trùng tu, thầy Huệ Tánh phát hiện dưới tượng Phật chánh điện có hầm bí mật. Hầm dài 2 m, rộng 1 m và sâu 1,2 m. Trong hầm có 2 báu vật: bộ kinh Pháp Hoa và 100 cuốn tài liệu Việt Minh "Muốn thành cán bộ tốt" in ngày 30-7-1947, khổ 15 x 20 cm, gói cẩn thận trong mo cau. Bộ kinh được Vietbook công nhận kỷ lục năm 2006 là "Bộ kinh Pháp Hoa khắc gỗ đầy đủ và xưa nhất Việt Nam". Bộ kinh chữ Hán, khắc ngược trên 118 tấm ván gỗ thị đỏ, gồm 110 tấm khắc 60.000 chữ, 8 tấm khắc tranh về cuộc đời của Đức Phật. Mỗi tấm dày 4 cm, dài 80 cm, rộng 35 cm.
Thầy Huệ Tánh và các nhà báo chụp ảnh với bộ kinh Pháp Hoa. Ảnh NVM.
Chùa Hương Tích hay Hương Tích cổ tự (chùa Thơm), ở độ cao 650 m, trên đỉnh Hương Tích, thuộc dãy Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Hỏa hoạn năm 1885 đã thiêu hủy phần lớn các công trình và hiện vật của chùa. Năm 1901, Đào Tấn- ông tổ Tuồng cổ Việt Nam và tổng đốc An Tĩnh đã khởi dựng lại.
Chùa xây dựng vào đầu thế kỷ XIII, trước chùa Hương (Hà Tây, Hà Nội) gần 450 năm. Hương Tích cổ tự là cả quần thể di tích gồm chùa thờ Phật, đền thờ Thần, đền tín ngưỡng nông nghiệp và thờ mẫu.
Chùa chia làm ba phần chính: Thượng điện, đền Thiên Vương và am Thánh Mẫu. Theo truyền thuyết, am Thánh Mẫu là nơi công chúa Diệu Thiện, con vua Trang Vương, tu hành và hóa Phật Quan Âm.
Chùa có kiến thúc thuần Việt, từ bậc thang đá đến tường và mái ngói cổ xưa. Quanh chùa có nhiều cảnh quan như động Tiên Nữ, am Phun mây, miếu Cô, suối Tiên tắm, khe Quỷ khóc…Chùa gắn liền truyền thuyết vua Hùng tìm đất đóng đô và 99 con Phụng hoàng, về ông Đùng xếp 99 ngọn núi để cưới bà Đùng và nhiều di tích trên núi Hồng Lĩnh.
Cung Tam Bảo là kiến trúc tiêu biểu nhất của chùa, lưu giữ nhiều pho tượng Phật có niên đại hàng trăm năm. Điện thờ có 50 pho tượng Phật ngồi, cao ngang tầm ngực, vô vi, ưu tư trầm mặc giữa sương, mây, ánh nến và hương đồng gió nội.
Từ năm 1960-1975 để tránh bom đạn, các tăng ni đã bí mật chôn giấu các pho tượng Phật vào lòng đất và năm 2006, các tượng này mới được đưa lên phúng viếng, thờ phụng. Như có phép lạ, trải qua bao nhiêu năm bị vùi sâu, các pho tượng vẫn bóng loáng, không có dấu hiệu ố tàn.
Mái chùa Hương Tích cổ kính, rêu phong. Ảnh NVM.
Quần thể chùa Yên Tử với chùa Đồng hay Thiên Trúc tự (chùa Cõi Phật), trên đỉnh núi thiêng Yên Tử, còn gọi là Bạch Vân sơn, cao 1.068 m. "Trăm năm tích đức tu hành. Chưa lên Yên Tử chưa thành quả tu". Hành hương viếng chùa Yên Tử ngày xưa cực kỳ vất vả. Phải có lòng thành lẫn sức khỏe và ý chí vì lên được đỉnh Yên Tử gian nan không kém lên đỉnh Fansipan thời chưa có cáp treo. |
Chùa xây dựng từ đầu thế kỷ XVII. Sau nhiều lần trùng tu, được khởi dựng mới vào năm 1993. Chùa được xây theo kiến trúc chữ Đinh, theo mẫu chùa Dâu Keo (Bắc Ninh), đậm phong cách đời Trần.
Chùa nặng 70 tấn, dài 4, 6, rộng 3, 6 m, cao 3, 35 m, tựa bông sen đang nở vươn lên.
Hành trình thăm viếng Yên Tử bắt đầu từ suối Giải Oan với cây cầu đá xanh nhỏ cổ kính, vững chãi. Tục truyền xưa, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi lại cho con là Trần Anh Tông rồi tìm đến cõi Phật. Rất nhiều cung tần và mỹ nữ khuyên vua trở về cung nhưng không được nên gieo mình tự vẫn. Thương cảm họ, vua lập ngôi chùa siêu độ, từ đó con suối mang tên Giải Oan.
Chùa có 6 ngọn tháp, lớn nhất là tháp mộ vua Trần Nhân Tông, hai bên là tháp mộ sư Pháp Loa và sư Huyền Quang. Đường đi uốn lượn bên sườn núi, giữa rừng nguyên sinh rợp bóng cây. Ở độ cao 543 m là chùa Hoa Yên (chùa Cả, chùa Phù Vân) với hàng cây tùng cổ, tương truyền được vua Trần Nhân Tông trồng khi lên Yên Tử.
Ở độ cao 700 m là chùa Vân Tiêu lẩn khuất trong mây. Dọc đường, du khách có thể viếng tháp Tổ, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, tượng đá Yên Kỳ Sinh, am Ngọa Vân, bàn cờ tiên, Phật đài Trần Nhân Tông, Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử xây trên nền dấu tích chùa Lân mà đức Điếu Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông từng thuyết giảng chúng sinh…
Nay chùa đã có cáp treo 2 chặng nhưng hành trình vẫn còn hơn 2.000 m đi bộ và một đoạn leo dốc để lên chùa Đồng.
Từ đỉnh Yên Sơn, bạn sẽ thỏa thuê ngắm nhìn cả vùng Đông Bắc hùng vĩ. Trời quang, có thể thấy vịnh Hạ Long và sông Bạch Đằng.
Chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử, nhìn từ xa. Ảnh TL.
Chùa Đậu, chùa thờ bà Đậu hay nữ thần Pháp Vũ nên còn gọi là chùa Đậu hoặc Pháp Vũ tự (trú ở Thường Tín, Hà Nội). Tương truyền, chùa xây vào đầu thế kỷ thứ 7. Chùa có kiến trúc kiểu "nội cong, ngoại quốc". Tam quan là gác chuông đẹp, 2 tầng 8 mái với các đầu đao cong vút, chạm khắc hình rồng phượng và hoa lá. Tầng trên treo quả chuông đúc năm 1801. Tiền đường phía trước, nối liền hành lang 2 bên và nhà tổ phía sau, thành khung vuông bao bọc tòa thiêu hương và điện thờ bà Đậu.
Chùa có khánh đồng đúc năm 1774, 2 tấm biển gỗ sơn son thiếp vàng khắc bài thơ Nôm của chúa Trịnh Căn và Trịnh Cương. Đặc biệt, 2 pho tượng nhục thân của nhà sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường, tu ở chùa vào khoảng thế kỷ XVII, được tạo thành bằng cách bó sơn ta rồi quang dầu ra ngoài thi hài. Năm 1993, bảo tàng Lịch sử Việt Nam được giao nhiệm vụ lập phương án thiết kế và trùng tu 2 pho tượng này.
Khi chiếu tia X - quang, các nhà nghiên cứu còn thấy rõ xương cốt bên trong thi hài và kết luận rằng: không có vết đục đẽo, không có hiện tượng hút nội tạng, hút óc; các khớp xương dính chặt với nhau tự nhiên. Đây là 2 vị thiền sư đắc đạo tại chùa, để lại toàn thân xá lợi, đốt không cháy, ngâm trong nước không tan.
Một góc chùa Đậu, nhìn từ phai trước. Ảnh TL.
Bình luận (0)