Don thuộc họ nhà hến, thân bọc bằng hai nửa vỏ úp nhau tựa hình hột xoài. Nếu hến ở môi trường nước ngọt thì don sinh sôi nảy nở nhiều nhất ở môi trường nước lợ (nơi tiếp giáp giữa sông và biển).
Thường bắt đầu tháng 4, tháng 5, khi mùa khô hạn đã đến, người dân quanh con sông Trà lại vào mùa cào don. Người ta thường đi cào don vào lúc nước ròng tức lúc con nước đang xuống. Vì sống vùi mình dưới cát nên công việc cào don có vẻ như khó hơn xúc hến. Hôm gặp nước lớn phải ngâm hàng giờ trong nước mới đủ lượng don cho buổi chợ ngày mai.
Don thường lẫn nhiều sỏi, rác nên sau khi bắt về, phải tỉ mỉ rửa nhiều lần, đem ngâm cho nhả hết bùn cát rồi mới cho vào nồi luộc đang nghi ngút khói, gặp nóng đột ngột don sẽ tách hết vỏ, nở bung ra, đảo vài lượt cho don rời khỏi vỏ, sau đó đãi ra lấy ruột (thịt don).
Những con don thân chỉ bằng đầu mút đũa ấy vậy mà chế biến rất nhiều món ngon. Phổ biến nhất là món canh don. Trước khi nấu, phải chuẩn bị các phụ gia không thể thiếu là ớt, một ít hành lá, tiêu rừng và bánh tráng nướng. Người ta dùng nước luộc don chắt lấy phần nước trong, bắc lên bếp đun lại cho nước sôi già, cho ruột don mới đãi vào, đợi nồi canh sôi lại nêm gia vị vừa ăn, sau đó mới thả rau thơm đã được cắt nhỏ vào là có một nồi canh don ngọt ngào, mát lành.
Cũng có thể chế biến món don xào, rất đơn giản nhưng lại khá ngon. Khử dầu chín, cho don vào xào đến khi thấy don săn lại, nổ lách tách trong chảo thì nêm nước mắm ngọt, thêm tiêu, ớt chín, một ít hành tây rồi tắt bếp.
Món này nhâm nhi với rượu chắc chắn thực khách sẽ cứ xuýt xoa khen ngon hoài. Nhưng có lẽ độc đáo nhất là món cháo don. Vo một nhúm gạo, nấu cùng với nước luộc don đến khi gạo chín nhuyễn, cho thêm một ít gừng tươi rồi nhắc xuống. Cháo don vừa ngọt, thanh, dậy lên hương thơm quyến rũ, ấm nóng của các loại gia vị như hành, sả, tiêu là món ăn thích hợp cho cả người lớn và trẻ nhỏ.
Những ai đã từng một lần dừng chân bên con sông Trà, được thưởng thức các món từ don mới cảm nhận hết hương vị mặn mòi tình sông nước nơi đây.
Bình luận (0)