Vào thời người ta còn "ăn trầu như mỏ khoét", gần 1 km dọc đường Lê Quang Sung có hơn trăm người bán trầu cau. Họ là những cô gái mười chín, đôi mươi xuân sắc luôn tất bật với hàng trăm lượt khách đến mua mỗi ngày.
Thăng trầm
Cụ Đinh Thị Cúc (75 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn), người đã gắn bó cả đời với con đường trầu cau này nhớ lại: "Mười mấy tuổi, tôi đã theo ngoại đi bán trầu cau. Chạy dọc đây người bán, người mua trầu cau tấp nập, nhất là dịp cuối năm, cưới xin, lễ hội..., chợ nhộn nhịp, đông vui lắm. Người bán chẳng kịp ngơi tay, từ tờ mờ sáng đến tối mịt mới xong. 3 giờ sáng là họp chợ, trầu cau phần lớn lấy từ xứ trầu Bà Điểm- Hóc Môn lên, tươi xanh; đặc biệt miếng trầu có vị cay, ngọt đặc trưng nên nhiều người rất thích. Lúc đó, mỗi ngày đều bán được mấy thiên. Buôn một gánh trầu cau nuôi được cả nhà 5,6 miệng ăn".
Bà Nguyễn Thị Hoa bên hàng trầu cau của mình.
Sau nửa thế kỷ, con đường trầu cau vẫn nằm đó nhưng vơi dần kẻ bán, người mua. Những người ăn được trầu đều ở cái tuổi "xưa nay hiếm", còn người trẻ ái ngại vị cay cay, khó ăn lại dễ say. Dần dà, trầu cau bị lãng quên. Chỉ đến những dịp cúng kính, cưới hỏi, người ta mới tìm mua.
Ngày nay nguồn cung cấp trầu cau phong phú hơn, ngoài Hóc Môn, nhiều tiểu thương còn nhập cau, trầu từ các tỉnh miền Tây, miền Trung. Không chỉ bán lẻ cho người mua ăn, mua cúng…, chợ còn cung cấp cau trầu cho những tiểu thương bán sỉ ở nhiều nơi khác trong TP và các tỉnh vùng ven. Cau được nhập nguyên buồng, những trái không đều, quá to hay quá nhỏ được cắt ra bán lẻ. Mỗi ký cau lẻ có giá từ 25.000 đồng – 50.000 đồng tùy thuộc vào mẫu mã.
Nợ trầu cau
Đều đặn 6 giờ sáng mỗi ngày, những gánh trầu cau lại được bày biện sẵn sàng. Những người buôn trầu từ khắp nơi trong TP đổ về đây. Người ở quận 5, quận 8, quận 10, quận Bình Tân, người ở ngay quận 6 nhưng cũng có người ở tận Hóc Môn, Củ Chi đến bán. Người trẻ nhất cũng ngoài ngũ tuần. Người lớn nhất đã đi gần hết một thế kỷ. Họ đều là những người phụ nữ cần mẫn, tận tâm với cái nghề mà nay "chẳng nuôi nổi mình"- bà Sáu, người gắn bó với gánh trầu cau đã được hơn 40 năm nhận xét.
Bà Đào Kim Phụng hướng dẫn cách têm trầu.
Cũng theo bà Sáu, khoảng 10 năm trở lại đây, con đường trầu cau này ngày càng vắng người mua. Ngày thường lác đác vài người đến hỏi. Có người mỗi ngày chỉ bán được vài ký. Có người thậm chí còn không lời được đồng nào. Mất công dọn hàng ra rồi lại dọn về. Nhưng họ vẫn cố bám trụ. Cái nghề như cái nghiệp vận vào người. Gánh trầu cau gắn bó với họ gần cả đời, vừa là nguồn sống, vừa là niềm vui, niềm hạnh phúc. Nên dù thế nào, họ vẫn một lòng muốn gắn bó. Dù nắng mưa, sớm tối, họ vẫn miệt mài bên những lá trầu xanh cùng những mâm cỗ cưới.
"Khi nào còn đi được thì tôi vẫn đi bán trầu. Bán đến chết thì thôi. Bán để kiếm sống, để mưu sinh, để lưu giữ ký ức về một thời hoàng kim, để giữ cái truyền thống, văn hóa của ông bà để lại" – bà Nguyễn Thị Hoa (64 tuổi) chia sẻ.
Nâng niu gìn giữ là vậy nên nỗi lo thất truyền cứ đeo đẳng mãi không buông. Theo bà Hoa: "Nay chẳng ai bán trầu nữa. Con cái đi học đi hành rồi có công ăn việc làm, chẳng đứa nào muốn nối nghiệp gánh trầu của tôi".
Còn cụ Sáu Muối (73 tuổi, ngụ quận 6) thoáng nhìn xa xăm: "Muốn giữ cái nghề này lắm chứ nhưng khó quá. Khi lớp người già chúng tôi mất đi, không biết còn ai theo nghề nữa không?".
Gác lại nỗi lo thất truyền, hàng ngày, hàng giờ, những người có "nợ trầu cau" này vẫn nỗ lực cải thiện mẫu mã những buồng cau, cánh trầu để phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại. Họ tìm cách cứu lấy gánh trầu một đời gắn bó. Những buồng cau cưới được bày trí tỉ mẩn, công phu hơn với nhiều hình dáng mới lạ, đẹp đẽ. Những nỗ lực đầy hy vọng, mong tương lai, những gánh trầu sẽ được níu giữ.
Hàng trầu cau của bà Sáu Muối, người có thâm niên hơn 40 năm bán trầu cau tại đây
Chiếc nón lá đội thấp, hai tay thoăn thoắt lựa những quả cau tròn, bà Đào Kim Phụng (62 tuổi, ngụ quận 8) cười nói: "Đây là cau cưới, người ta đặt mình làm. Mỗi buồng 65 hoặc 105 trái. Cau cưới phải được chọn kỹ lưỡng, trái đều, đẹp. Mỗi trái được dán một chữ hỷ đỏ tươi. Người ta có tối giản thế nào đi chăng nữa thì theo phong tục cưới hỏi của ông cha mình để lại, quan trọng nhất vẫn là phải có trầu cau. Nhiều người cần thì tôi têm giúp luôn".
Khi những chuyến xe buýt cuối cùng xuất bến cũng là lúc khu chợ tạm dừng hoạt động. Đêm tàn nhưng ngày mai, những người lỡ vướng vào nghiệp trầu cau lại đến, để họp chợ, để duy trì hoạt động của con đường bán trầu cau còn sót lại ở Sài Gòn, để nâng niu văn hóa của cha ông.
Bình luận (0)