Chùa Kom Pong Chray có một cổng phụ ở hướng Tây xây theo kiểu mái vòm. Từ Quốc lộ 54 nhìn vào cổng chùa trông giống như một cái hang, nên chùa còn được người Trà Vinh gọi với tên quen thuộc chùa Hang.
Quang cảnh chùa Hang.
Hoà thượng Thạch Suông, sư cả thứ 23 chùa Kom Pong Chray hiện còn lưu giữ rất nhiều hình ảnh chứng tích tội ác chiến tranh, cho biết, ngày 2/2/1968, máy bay Mỹ đã ném 16 quả bom vào khuôn viên làm chùa Kom Pong Chray bị phá huỷ gần như hoàn toàn.
Sau 45 năm trùng tu xây dựng lại trên hoang tàn đổ nát, đến nay, Kom Pong Chray bề thế, uy nghi và có hàng ngàn cánh cò suốt ngày chao mình dưới bầu trời xanh lộng gió bình yên.
Hàng trăm cây sao của chùa bị bom đạn tàn phá trong chiến tranh, những cây sao đã thu hoạch gỗ. Gốc rễ của chúng nằm yên dưới lòng đất mấy mươi năm nay, gốc nào cũng có niên đại từ 100 đến vài trăm năm, được các nhà sư đào lên.
Ban đầu nhà chùa chỉ dự định để làm củi đốt, bỗng dưng trở thành nguồn cảm hứng điêu khắc trong ý tưởng của sư cả Thạch Suông.
Gốc cây cổ thụ qua bàn tay của những nhà sư nghệ nhân sẽ biến thành những tác phẩm điêu khắc.
Từ năm 2002, các nhà sư chùa Kom Pong Chray, ngoài việc Phật sự và hành đạo, đã bắt đầu học và làm nghề điêu khắc kỳ công trên rễ cây cổ thụ. Từ trong sự tĩnh lặng của ngôi chùa, đời sống của các loài chim muông, dã thú, đã được các nhà sư sử dụng nghệ thuật điêu khắc thể hiện sống động như có linh hồn trên thớ gỗ vô tri.
Từ đó đến nay, Kom Pong Chray còn là nơi dạy nghề điêu khắc cho thanh niên phật tử trong các phum sóc lân cận. Trong đó, Cửu Long là tác phẩm nghệ thuật đồ sộ nhất trong số hàng trăm tác phẩm của các nhà sư nghệ nhân tại chùa Kom Pong Chray.
Cửu Long - tác phẩm nghệ thuật đồ sộ nhất.
Hiện tại có hơn 1.000 cây sao được các nhà sư chùa Kom Pong Chray trồng mới hơn 10 năm tuổi. Sau khi thu hoạch gỗ, vườn cây này sẽ để lại ngót ngàn bộ rễ cho nghề điêu khắc của chùa, sư cả Thạch Suông dự định: “Phải để dành cho đời sau”./.
Các sư ở chùa Hang đang thể hiện ý tưởng của mình qua tác phẩm điêu khắc.
Bình luận (0)