Có cung ắt có cầu, khi mà khu vực này dân cư vắng vẻ, chưa có điện nên khi đi tắm, muốn tìm một dịch vụ để ăn uống cũng khá vất vả với du khách. Vì thế mà người dân tại các xã Tân Hòa, Suối Ngô, nhanh chóng nhận ra điều này, họ đua nhau vào bãi cát dựng chòi để bán thức ăn, thức uống. Thậm chí có người còn dựng buồng thay đồ dã chiến để phục vụ người dân đến tắm “biển”.
Ngay trước đường xuống “biển”, xe của lực lượng Công an huyện Tân Châu đã chốt chặn để vận động người dân không xuống bãi tắm.
Ông Lê Văn Năm, sinh năm 1965, người đang trồng mì phía trên bãi tắm cho biết, trước đây mực nước không xuống thấp như bây giờ nên không có bãi cát rộng đến thế. Hơn nữa, cách đây 2 năm, đường vào rất khó đi nên ít người nào biết đến bãi tắm tại ngã ba Suối Bà Chiêm này. Khoảng nửa tháng trước, có một nhóm học sinh vào đây tắm, chụp ảnh rồi đưa lên mạng. Từ đó, ngày nào cũng có người dân khắp nơi, thậm chí là ở Sài Gòn, kéo đến tắm. Đông nhất là ngày thứ bảy, chủ nhật, có hàng trăm xe ôtô và xe máy đậu nối đuôi nhau trên bãi cát.
Khi có đông người đến tắm, thì nhân dân gần đó bắt đầu công kênh đồ đạc vào dựng lều, quán để kinh doanh nước uống, dịch vụ giữ xe… Vào đêm, nhiều quán còn gắn amply, thùng loa nhạc để phục vụ khách ngồi nhậu và hát.
Do khu vực này không có điện, nhiều người còn đầu tư cả máy phát điện và tủ cấp đông để kinh doanh. Tuy nhiên, từ trưa ngày 24.4, các ngành chức năng của huyện Tân Châu và chính quyền xã Tân Hòa đã đến làm việc, yêu cầu các hộ đang dựng chòi mua bán tại đây tháo dỡ chòi, chấm dứt việc buôn bán.
Bãi tắm giờ trở nên yên lắng, sau khi hoạt động mua bán và tắm tại đây đã chấm dứt. Dù vậy, vẫn có nhiều người xuống bãi để chụp hình.
Theo ngành chức năng, việc bãi tắm tự phát trên gây nguy cơ về mất an ninh trật tự, nhất là an toàn cho người dân đến tắm. Mặt khác, do đây là khu vực tiếp giáp với các tỉnh Bình Phước và Bình Dương, vắng dân cư lại tập trung đông người ăn nhậu, hò hét, đánh nhau gây mất trật tự nên cơ quan công an vận động người dân ra về, không tụ tập và tự tháo dỡ toàn bộ chòi buôn bán.
Sáng 26.4, khi trở lại đây, chúng tôi chứng kiến nhiều hộ kinh doanh ở bãi tắm đã bắt đầu dỡ chòi, chở vật dụng về nhà, trả lại sự bình yên cho khu vực.
Một người dân sinh sống tại đây cho chúng tôi biết, thấy nước trong xanh như thế nhưng chưa chắc đã là nước sạch. Bởi phía trên có nhiều nhà máy mì đang hoạt động, bên bờ tỉnh Bình Phước thì có nhiều trại heo lớn và nhiều bè nuôi cá. Cứ nhìn bọt nước và chân nước ở bờ có màu vàng, đã nói lên được điều đó. Có lẽ người dân ở xa đến nên họ cứ nghĩ nước tại lòng hồ Dầu Tiếng là sạch nên cứ ung dung tắm.
Bọt nước có màu vàng đậm, nước gần bờ đóng bợn vàng nên khả năng dòng nước tại đây không trong sạch như nhiều người đồn thổi.
Trung tá Lê Văn Bình, Đội phó đội CSGT-TT Công an huyện Tân Châu đã có mặt cùng lực lượng chức năng chốt chặn con đường dẫn xuống bãi tắm, để vận động, giải thích người dân không xuống khu vực này. Theo trung tá Bình, vì là bãi tắm tự phát, không có ai quản lý, nên nguy cơ xảy ra đuối nước rất cao đối với người tắm, nhất là các em học sinh. Hơn nữa, đây là địa bàn thuộc khu vực rừng phòng hộ Dầu Tiếng, việc nhiều người tập trung đông đúc làm mất an ninh trật tự địa phương. Do đó, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành vận động người dân không kinh doanh và tắm tại nơi đây. Qua 3 ngày vận động, thuyết phục, người dân đều chấp hành nghiêm túc.
Theo ghi nhận của chúng tôi, đến trưa ngày 26.4.2016, nhiều hộ dân đã dỡ chòi không còn buôn bán, đưa lên xe máy cày vận chuyển về nhà. Bãi cát chỉ còn lại vài chòi đang được người dân tháo dỡ, trên bãi tắm cũng còn hai chỗ thay đồ chưa kịp tháo dỡ. Lực lượng Công an huyện Tân Châu có mặt tại bãi cát theo dõi việc dỡ chòi của các hộ kinh doanh.
Trưa 26.4, khi vào khu vực trên, chúng tôi bắt gặp nhiều chiếc máy cày tháo dỡ quán, chở đồ đạc kinh doanh về nhà.
Còn tại khu vực chốt chặn của lực lượng chức năng, trước con đường xuống bãi tắm. Thỉnh thoảng vẫn còn người dân chạy xe đến để tắm “ biển”. Tuy nhiên sau khi được lực lượng chức năng vận động, giải thích, người dân đã chấp hành quay xe về.
Như vậy, “biển Tây Ninh” đã chính thức đóng cửa và trả lại sự yên ắng cho khu vực rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Thế nhưng, trên đường chúng tôi ra về, người dân địa phương cho biết, sau khi lực lượng chức năng không cho vào bãi Suối Bà Chiêm tắm, người dân đã tìm đến bãi tắm khác, cũng thuộc hồ Dầu Tiếng nhưng nằm tại xã Tân Thành, huyện Tân Châu.
Bình luận (0)